Cu Tít sợ đánh răng lắm. Cứ mỗi lần thấy mẹ lôi vào phòng tắm là y như rằng cu cậu tìm cách né tránh, không ôm chặt lấy ông bà nội thì cũng giả vờ lên giường trùm kín chăn đi ngủ. Chị Hà lôi con xềnh xệch ra khỏi giường, lại quát, lại mắng, lại to tiếng. Thằng nhóc đã sợ nay càng sợ thêm bởi thái độ giận dữ của mẹ. Ngày nào cũng thế, căn nhà nhỏ bỗng trở nên ầm ĩ bởi tiếng khóc của con, tiếng la của mẹ vào trước giờ đi ngủ chỉ bởi mỗi việc cu Tít không chịu đánh răng. Đi tìm niềm vui cho con Phản ứng của cu Tít không có gì là bất thường bởi đó là tâm lý chung của bọn trẻ trong độ tuổi này. Chúng ghét đánh răng đôi khi chỉ vì sợ đau, sợ cay hoặc vì cả thái độ giận dữ, quát nạt của cha mẹ. Chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho con trước những thay đổi mới là điều hết sức quan trọng. Thay vì nạt nộ, quát mắng bé, các bậc phụ huynh nên nghĩ ra những "kế sách" để bé yêu hứng thú với hoạt động mới hơn là cứ ép bé phải làm theo ý mình. Lần nọ, cả nhà đã tròn mắt ngạc nhiên khi thấy cu Tít và dì của cháu đang rất vui vẻ trong phòng tắm. Cu Tít hát líu lo, lại còn hứng thú với việc tự tay cầm bàn chảy cọ cọ trên răng và tha hồ được nhổ nước ra sàn. Tít khoái lắm vì sau mỗi lần "nghịch ngợm" cùng bàn chải, cu cậu lại được nhổ nước phì phì trong toilet. Trước đó, dì Trang còn mang bao nhiêu đồ chơi của Tít vào phòng tắm, vừa kể chuyện, lại vừa bắt Tít cầm lấy bàn chải, giả vờ chải răng cho bạn khỉ, bạn voi và các bạn gấu, ngựa nữa. Dì bảo với Tít rằng: Các bạn này ăn nhiều lắm, thức ăn bám đầy ở kẽ răng nên chúng mình phải giúp các bạn ấy chải răng của mình. Dì Trang tranh thủ dạy Tít chải răng cho thật sạch. Vậy là Tít hí hửng làm theo dì rồi tập đánh trên chính hàm răng của mình. Dì Trang tranh thủ dạy Tít chải răng cho dù bàn tay cu cậu còn lóng nga lóng ngóng. Dì bảo răng chúng mình phải đánh răng cho thật sạch để tiêu diệt con sâu ở trong răng, để răng luôn chắc khoẻ, để có sức mà cắn kẹo, nhai bánh mỗi ngày. Nghe dì nói chuyện, Tít sợ bị hỏng răng lắm vì nếu như thế, Tít sẽ chẳng bao giờ được ăn món bánh ga tô khoái khẩu của mình. Tít nghe theo dì, học cách đánh răng rất hứng thú và tự nguyện chứ không còn sợ và khóc thét lên nhưng những ngày đầu "vật lộn" với mẹ Hà. Cả nhà cùng vui, ai cũng khen dì Trang tâm lý và biết cách dụ khị cu Tít. Một số bí quyết Tạo sự hứng thú cho trẻ khi đánh răng Ngoài ra, bạn có thể tập đánh răng cho trẻ theo những "mẹo" sau: Chuẩn bị tâm lý cho con bằng cách dẫn chúng đi siêu thị, tự mình chọn những chiếc bàn chải trẻ em xinh xinh, đầy màu sắc. Làm mẫu và giải thích cho bé, đánh răng không hề gây đau và trái lại, điều này sẽ giúp răng sạch sẽ và thơm tho hơn, để bé được cười xinh mỗi khi soi gương cùng mẹ. Mua những loại kem đánh răng có mùi vị để bé không có cảm giác cay xè và sợ thuốc đánh răng. Cho bé xem những băng hình có cảnh các bạn đánh răng để bé bắt chước theo những hình ảnh mà bé vừa xem được. Chọn mua ở các nhà sách hoặc các trung tâm nha khoa những bức hình về răng miệng để giúp bé tìm hiểu thế nào là răng sâu, răng hỏng, thế nào là quy trình đánh răng đúng cách? Tâm lý của trẻ là rất thích... đua đòi. Vì thế, trong những ngày đầu tiên, hãy tập trung vài đứa trẻ cùng một lúc để thực hành những bài học về răng miệng. Chúng sẽ bắt chước và ganh đua với nhau trong quá trình học tập. Và vì thế, chúng sẽ bớt đi cảm giác nhàm chán, sợ sệt. Cha mẹ phải bình tĩnh chứ không nên quát tháo, mắng nhiếc trẻ. Điều này chỉ làm chúng sợ sệt thêm mà thôi. Động viên con hoặc bày ra những trò chơi trong quá trình cùng bé tập đánh răng sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú và say mê với hoạt động về răng mỗi ngày. Hãy bắt đầu một ngày mới với nụ cười thật rạng rỡ, xinh tươi cùng bé yêu của bạn. Nguồn: Tìm Nhanh