Thực trạng công tác đổi mới đào tạo nhân lực y tế khu vực miền núi phía Bắc

Thảo luận trong 'Học tập' bởi hoangoc123, 29/6/2015.

  1. hoangoc123

    hoangoc123 Thành viên mới

    Tham gia:
    29/1/2015
    Bài viết:
    34
    Đã được thích:
    7
    Điểm thành tích:
    8
    Đó chính là chủ đề của Hội thảo được diễn ra vào sáng ngày 13/5 tại Trường Đại học Y – Dược, với sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Trường Đại học Y – Dược, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên); Trường Đại học Y – Dược Thái Bình và Trường Đại học Tây Bắc.

    Dự Hội thảo có PGS. TS Phạm Văn Linh – Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; GS. TS Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đại diện các Vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo các Sở Y tế khu vực miền núi phía Bắc; lãnh đạo và giảng viên các trường đại học, các cơ sở đào tạo khối ngành y – dược, các nhà khoa học, các nhà giáo có kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực y tế.

    Hội thảo nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin và tìm giải pháp thiết thực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế khu vực miền núi phía Bắc nói riêng, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/1/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Phạm Văn Linh đã đánh giá cao việc phối hợp tổ chức Hội thảo của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ sở giáo dục đại học nhằm tìm ra thực trạng và thách thức, từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế khu vực miền núi phía Bắc. Đồng chí cho biết, đây là vấn đề được Ban Tuyên giáo Trung Ương hết sức quan tâm, có ý nghĩa to lớn trong việc chăm lo sức khỏe, nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân khu vực miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, đây cũng là diễn đàn quan trọng để các đồng chí đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên khối ngành y – dược thấy được bức tranh chung trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cho khu vực, cùng chia sẻ và đưa ra giải pháp tối ưu nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực y tế sao cho phù hợp trong tình hình mới.

    Miền núi phía Bắc Việt Nam bao gồm 15 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh. Với diện tích trên 95.000 km2, dân số trên 11 triệu người, miền núi phía Bắc có địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm xóa đói giảm nghèo và phát triển các khu vực dan tộc thiểu số trên cả nước. Nhờ đó, khu vực miền núi phía Bắc đã có những chuyển biến rõ rệt, thu được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng cải thiện về vật chất và tinh thần.

    Mặc dù đạt được những tiến bộ quan trọng, nhưng hiện nay, miền núi phía Bắc vẫn là khu vực kinh tế lạc hậu, chậm phát triển so với cả nước, khoảng cách chênh lệch phát triển giữa miền núi và miền xuôi có xu hướng ngày càng tăng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, miền núi phía Bắc hiện vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước, toàn vùng có 203 huyện thì có tới 47 huyện là huyện nghèo và huyện được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ…Do vậy, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trước hết là đói nghèo. Đời sống của đồng bào miền núi, nhất là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

    Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là đang có sự mất cân đối về cơ cấu và phân bổ nhân lực y tế giữa các vùng. Nhân lực y tế có trình độ cao chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị và các trung tâm lớn. Tại những vùng kinh tế chậm phát triển, vùng núi và vùng dân tộc ít người thường thiếu cán bộ y tế hơn các vùng khác, chất lượng nguồn nhân lực y tế ở các khu vực này cũng rất hạn chế trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở đây cao hơn. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác y tế, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe người dân trong vùng. Kết quả cho thấy, tuổi thọ trung bình của khu vực miền núi phía Bắc là 70 tuổi, trong khi đó tuổi thọ trung bình của toàn quốc là 73. Tỷ suất tử vong mẹ ở các tỉnh miền núi năm 2009 cao gấp 3 lần so với các tỉnh đồng bằng.

    Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, nguồn nhân lực y tế có vai trò đặc biệt quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, đời sống của nhân dân, chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cùng với đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế cần được quan tâm đặc biệt, cần sự đầu tư lớn, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.

    Theo PGS. TS Nguyễn Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (thuộc Đại học Thái Nguyên, web : http://tnu.edu.vn/), để giải bài toán về đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế khu vực miền núi phía Bắc cần giải bài toán về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực y tế. Đồng chí cho biết, chúng ta đang thiếu hụt về số lượng nguồn nhân lực cán bộ y tế ở khu vực miền núi phía Bắc, vì vậy, để có đủ nguồn nhân lực y tế cho miền núi thì vấn đề rất quan trọng là phải tạo nguồn tuyển sinh đảm bảo chất lượng. Theo đó, giải pháp lâu dài và bền vững đó là tăng cường hỗ trợ, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục phổ thông cho miền núi.

    Cũng theo đại biểu này, chất lượng nguồn nhân lực y tế của Việt Nam nói chung và khu vực miền núi phía Bắc nói riêng còn thấp, chưa đáp ứng được tốt yêu cầu công việc. Chất lượng nhân lực y tế phụ thuộc vào quá trình đào tao, sử dụng, môi trường làm việc, xu hướng học tập liên tục suốt đời để phát triển nghề nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế cần có những giải pháp cụ thể nhằm đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận dựa trên năng lực, trên cơ sở chuẩn năng lực và chuẩn đầu ra cho từng mã ngành đào tạo, đặc biệt chú trọng vào rèn luyện các kỹ năng, đảm bảo tính liên thông ngang và dọc; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học; cải tiến phương pháp giảng dạy, đánh giá sinh viên phù hợp với chương trình đào tạo dựa trên năng lực.

    Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS. TS Phạm Văn Linh đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu trình bày tại Hội thảo, đồng chí cho biết, đây là những thông tin quan trọng, hữu ích sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tập hợp và nghiên cứu, từ đó có tham mưu chính xác cho Đảng và nhà nước trong công tác đổi mới đào tạo nhân lực y tế khu vực miền núi phía Bắc.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi hoangoc123
    Đang tải...


Chia sẻ trang này