Kinh nghiệm: Tiêm Vắc Xin Trước Và Trong Khi Mang Thai - Thông Tin Từ Bộ Y Tế Anh Quốc

Thảo luận trong 'Chuẩn bị mang thai' bởi channy155, 10/2/2017.

  1. channy155

    channy155 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    4/10/2013
    Bài viết:
    226
    Đã được thích:
    16
    Điểm thành tích:
    18
    Chào các mẹ,

    Em sinh bé bên Anh nên có chút kinh nghiệm muốn chia sẻ với mọi người về việc tiêm phòng Vacxin trước và trong khi mang bầu. Trước khi mang bầu, em đã từng ra viện Pasteur Sài Gòn tiêm phòng nhưng quả thật thấy rất mông lung vì thấy thông tin ở Việt Nam mình nhiều và không chính thống. Khi em đến viên cũng không nhận được lời tư vấn của bác sĩ, họ không check tiền sử tiêm phòng của mình, cũng chỉ phát cho mình 1 cái list muốn tiêm loại nào thì tick vào thôi hic :oops:

    Vì thế, em nghĩ mình nên tìm hiểu kĩ càng trước khi quyết định đi tiêm phòng, vì tiêm nhiều và thừa thì không tốt cho sức khỏe, còn tiêm thiếu mất 1 vài mũi quan trọng thì lại có nguy cơ nhiễm bệnh trong thai kì. Khi đã nhiễm cúm, nhất là các chủng nguy hiểm thì có thể hại đến em bé, mà tâm lý của mẹ cũng bất an nữa. :(

    Thông tin được em tự dịch từ trang web chính thức của NHS ( National Health Service) - Vương Quốc Anh. Các mẹ có thể xem bản tiếng Anh tại link sau: http://www.nhs.uk/Conditions/pregnancy-and-baby/pages/pregnancy-infections.aspx#Toxoplasmosis

    --------------------
    PHẦN I: CÁC LOẠI VACXIN NÊN TIÊM TRƯỚC VÀ TRONG QUÁ TRÌNH MANG THAI:

    Quan trọng - Nguyên tắc cơ bản cần nắm:
    - Vắc xin bất hoạt ( không có virus còn sống trong đó) thường an toàn trong quá trình mang thai
    - Vắc xin giảm động lực (hay vắc xin sống, virus vẫn còn tồn tại, tuy đã được làm suy yếu đi ) cần được tiêm trước khi mang thai.

    Trước khi mang thai

    1. Mũi MMR ( Sởi, quai bị và rubella)

    Em đã tiêm mũi này tại Anh. Theo như bác sĩ, tiêm 1 mũi sẽ có tác dụng trong 10 năm, nếu nhắc lại lần 2 sẽ có tác dụng mãi mãi.

    Nếu bạn đang suy nghĩ về việc mang thai, bạn cần chắc chắn rằng mình được bảo vệ đầy đủ chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella. Nhiễm Rubella trong thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và sẩy thai. Nếu bạn không chắc chắn bạn đã tiêm đủ hai liều vắc-xin MMR, bạn nên đến bác sĩ kiểm tra.

    Bạn nên tránh mang thai trong vòng một tháng sau khi tiêm chủng ngừa MMR.

    Lưu ý: vắc-xin MMR là không thích hợp cho phụ nữ đang mang thai.

    2. Mũi viêm gan B
    Xem thêm về tác hại của mắc Viêm gan B khi mang thai ở bên dưới.

    Trong khi mang thai

    Một số vắc xin, như chủng ngừa cúm theo mùa và vắc-xin ho gà, được khuyên dùng trong khi mang thai. Một số - chẳng hạn như chủng ngừa uốn ván - là hoàn toàn an toàn trong thai kỳ nếu cần thiết.

    Đối với các loại vaccine sử dụng phiên bản sống của virus, cần được tiêm sau khi em bé được sinh ra bởi vì những loại vắc-xin này có thể gây hại cho thai nhi của bạn (bé có thể bị nhiễm bệnh). Một số loại vac-xin sống bao gồm:

    - BCG (chủng ngừa chống lại bệnh lao)
    - MMR (sởi, quai bị và rubella)
    - Bại liệt
    - Thương hàn miệng
    - Sốt vàng da

    Trong một số trường hợp đặc biệt, vaccine sống có thể được sử dụng trong khi mang thai nếu các nguy cơ lây nhiễm vượt quá nguy cơ của việc tiêm phòng.

    Các vac-xin sau là an toàn trong quá trình mang thai:

    1. Vắc-xin cúm theo mùa

    Tại Anh, tất cả phụ nữ mang thai được cung cấp các chủng ngừa cúm theo mùa miễn phí. Vắc-xin cúm theo mùa được cho là an toàn trong bất kỳ giai đoạn của thai kỳ.

    2. Vắc-xin ho gà ( Whooping cough)

    Phụ nữ mang thai có thể giúp bảo vệ em bé của họ miễn nhiễm với bệnh ho gà bằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh ngay từ khi mang thai. Vacxin sẽ giúp bảo vệ em bé của bạn khỏi mắc bệnh ho gà trong vài tuần đầu tiên sau khi bé sinh ra.

    Thời gian tốt nhất để tiêm vắc-xin ho gà là từ khoảng 20 tuần đến 32 tuần mang thai.

    3. Viêm gan B
    Nếu bạn có nguy cơ cao của bệnh viêm gan B và đang mang thai , bạn sẽ được tư vấn để tiêm vắc-xin viêm gan B. Thuốc chủng ngừa viêm gan B không phải là một loại vắc xin sống và do đó không có bằng chứng về nguy cơ nào cho bạn hoặc con bạn.


    PHẦN II: CÁC LOẠI BỆNH LÂY NHIỄM GÂY HẠI CHO THAI NHI
    ( Cần đọc để tránh)


    Trong suốt cuộc đời, tất cả chúng ta tiếp xúc với nhiều loại virus và vi khuẩn. Khi mắc bệnh, cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại các nhiễm trùng. Nếu bạn đã có các kháng thể chống lại một số loại virus hoặc vi khuẩn cụ thể ( ví dụ đã từng mắc bệnh quai bị thì bạn đã có kháng thể chống lại bệnh này), bạn được coi như đã miễn dịch với loại bệnh đó. Kháng thể này sẽ giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm tác động của việc tái mắc bệnh.


    1. Bệnh thủy đậu trong thai kỳ
    Nhiễm thủy đậu trong thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Trong trường hợp đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn sớm.

    Theo thống kê, khoảng 95% phụ nữ ở Anh được miễn dịch với bệnh thủy đậu. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu (hoặc bạn không chắc chắn nếu bạn đã từng) và bạn vừa tiếp xúc với một đứa trẻ hoặc người lớn mắc bệnh này, bạn cần ngay lập tức gặp bác sĩ để làm xét nghiệm máu. Khi đó, bệnh viện sẽ kiểm tra xem bạn đã miễn dịch với bệnh này chưa. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ thiết lập một liệu trình điều trị đặc biệt để ngăn ngừa các biến chứng xấu.

    Sau đây là chi tiết tác hại của việc nhiễm thủy đậu tùy theo các giai đoạn phát triển của thai nhi:

    - Mắc bệnh trong vòng 28 tuần đầu tiên có thể dẫn đến một hội chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Cụ thể, có thể gây ra các chi ngắn, các vấn đề về thị lực (như đục thủy tinh thể), tổn thương não và để lại sẹo.

    - Mắc bệnh trong tuần 28-37 có nghĩa là con bạn có nguy cơ phát triển bệnh zona t sau khi chào đời.

    - Mắc bệnh một tuần trước khi sinh (hoặc bé nhiễm bệnh một tuần sau khi sinh) có nghĩa là em bé có nguy cơ nhiễm thủy đậu dạng nặng và có thể đe dọa tính mạng.

    2. Virus CMV
    Virus CMV là
    một phần của họ virus gồm herpes, Epstein-Barr, và virus varicella zoster (gây bệnh thủy đậu, giời leo).

    Nhiễm CMV rất nguy hiểm trong quá trình mang thai, vì nó có thể gây ra các vấn đề đối với thai nhi, chẳng hạn như mất thính lực, suy giảm thị lực hoặc mù, học tập khó khăn và bệnh động kinh.

    CMV là đặc biệt nguy hiểm cho em bé nếu người mẹ mang thai trước đó chưa có miễn dịch với virus này. Ngoài ra, khi tiếp xúc với con, bạn cần lưu ý các điểm sau để giảm nguy cơ lây nhiễm cho bé:

    - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước nóng trước khi tiếp xúc với bé.

    - Không ôm hôn lên mặt bé - tốt hơn là bạn và người lớn trong gia đình nên hôn lên đầu bé hoặc ôm bé mà thôi. ( nhiều người lạ cứ thích hôn trẻ con hic)

    - Không chia sẻ đồ ăn hoặc dùng chung đồ dùng ăn uống với trẻ nhỏ.

    Những biện pháp phòng ngừa đặc biệt quan trọng nếu các bạn đang làm một công việc trong nhà trẻ, bệnh viện, nơi mà bạn thường xuyên tiếp xúc hoặc gần gũi với các trẻ nhỏ. Trong trường hợp này, bạn nên đi xét nghiệm máu để tìm hiểu xem bạn đã từng bị nhiễm CMV hay chưa.

    Các di chứng nếu trẻ bị nhiễm CMV bẩm sinh (lây từ mẹ):

    Khoảng 13% trẻ sơ sinh bị nhiễm CMV bẩm sinh sẽ có triệu chứng ngay khi mới chào đời:
    - Vàng da và lòng trắng của mắt.
    - Viêm phổi
    - Một vết ban gồm những đốm nhỏ, tím
    - Gan và lá lách lớn
    - Nhẹ cân
    - Co giật
    - Đầu nhỏ

    Một số triệu chứng có thể được điều trị, nhưng một số em bé sẽ phải đối mặt với các di chứng lâu dài.

    Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ của các em bé bị nhiễm CMV bẩm sinh (bao gồm cả những bé không có triệu chứng khi sinh) sẽ phát triển một hoặc nhiều vấn đề về thể chất hoặc tâm thần ở giai đoạn sau, bao gồm:
    - Mất thính giác
    - Suy giảm thị lực hoặc mù
    - Khó khăn trong học tập
    - Dyspraxia (là bệnh suy giảm của một khả năng để di chuyển và kiểm soát cơ bắp)
    - Động kinh.

    Nhiễm CMV gây ra khoảng 25% các trường hợp mất thính giác trong thời thơ ấu. Thính lực kém do nhiễm CMV bẩm sinh có thể phát triển trong những năm đầu tiên của cuộc sống. Điều này thường trở nên tệ hơn theo thời gian. Nó cũng có thể gây ra điếc vĩnh viễn, ảnh hưởng đến một trong hai hoặc cả hai tai.

    3. Liên cầu nhóm B
    Liên cầu nhóm B (Group B streptococcus – GBS ) tên gọi của một loại vi khuẩn thường trú. GBS được tìm thấy ở đoạn cuối ruột non của 15-40% phụ nữ khỏe mạnh và ở đường âm đạo hoặc trực tràng của 10-30% thai phụ.

    Trong một số ít trường hợp, mẹ có thể lây nhiễm sang con, thường là trước hoặc trong quá trình sinh.

    - Nếu bạn đã có một bé bị nhiễm trùng GBS, bạn cần được cung cấp thuốc kháng sinh trong quá trình sinh để giảm nguy cơ em bé bị lây nhiễm khi chào đời.

    - Nếu bạn đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu liên cầu khuẩn nhóm B trong quá trình mang thai, bạn cũng cần được cung cấp kháng sinh trong quá trình sinh.

    - Lây nhiễm GBS sang bé có nhiều khả năng xảy ra nếu:
    + Bạn chuyển dạ sinh non (trước 37 tuần của thai kỳ)
    + Vỡ ối sớm.
    + Bạn bị sốt trong quá trình sinh.
    + Bạn đang nhiễm GBS

    Nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ đánh giá xem bạn có cần dùng kháng sinh trong quá trình sinh để bảo vệ em bé của bạn không bị nhiễm bệnh. Bạn có thể xét nghiệm GBS vào cuối thai kỳ.

    4. Nhiễm trùng lây truyền qua động vật

    MÈO
    Phân mèo có thể chứa toxoplasma - một sinh vật gây bệnh toxoplasmosis. Toxoplasmosis có thể gây tổn hại cho bé. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, bạn cần tránh đổ khay vệ sinh của mèo trong khi bạn đang mang thai, tránh tiếp xúc gần gũi với những con mèo ốm. Ngoài ra, bạn nên đeo găng tay khi làm vườn trong trường hợp đất bị ô nhiễm phân, cho dù nhà bạn nuôi mèo

    CỪU
    Cừu có thể mang một sinh vật gọi là Chlamydia psittaci, được biết là gây ra sẩy thai ở cừu cái. Chúng cũng có thể mang khuẩn toxoplasma. Tránh tiếp xúc với cừu cái mới đẻ hoặc vắt sữa cừu cái, cũng như không nên lại gần cừu con sơ sinh. Nếu bạn có những triệu chứng giống như bị cúm sau khi tiếp xúc với cừu, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

    LỢN
    Nghiên cứu đang được tiến hành để xem nếu lợn có thể là một nguồn lây nhiễm viêm gan E. Bệnh này rất nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, vì vậy bạn nên tránh tiếp xúc với lợn và phân lợn. Không có nguy cơ lây nhiễm viêm gan E khi bạn ăn các thức ăn từ thịt lợn đã được nấu chín.

    5. Viêm gan B trong thai kỳ

    Nhiều người bị viêm gan B không có dấu hiệu của bệnh, nhưng có thể lây bệnh sang người khác. Virus này lây lan qua quan hệ tình dục với người bị nhiễm mà không sử dụng bao cao su hoặc khi bạn tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm.

    Nếu bạn bị viêm gan B, hoặc bị nhiễm bệnh trong khi mang thai, bạn có thể truyền bệnh cho bé lúc sinh. Tại Anh, tất cả phụ nữ mang thai được xét nghiệm viêm gan B như là một phần của chăm sóc tiền sản. Trẻ có nguy cơ nên được tiêm ngừa viêm gan B khi sinh để ngăn ngừa nhiễm virus và mắc các bệnh gan nghiêm trọng sau này.

    Tiêm ngừa lúc sinh có hiệu quả 90 -95% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B lâu dài. Liều đầu tiên được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh. Hai liều tiếp theo được thực hiện tại thời điểm một và hai tháng, với một liều nhắc lại lúc 12 tháng.

    Một vài trẻ cũng có thể cần được tiêm kháng thể được gọi là globulin miễn dịch ngay sau khi sinh.

    Tại Anh, tất cả các em bé đều sẽ được xét nghiệm nhiễm viêm gan B lúc 12 tháng. Trẻ đã bị nhiễm viêm gan B cần được bác sĩ theo dõi và điều trị bệnh.

    6. Viêm gan C trong thai kỳ
    Viêm gan C là một loại virus lây nhiễm vào gan. Nhiều người bị viêm gan C không có triệu chứng và không biết họ bị nhiễm. Virus này lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm hoặc qua đường tình dục. Nếu bạn bị viêm gan C, bạn có thể truyền bệnh cho em bé của bạn, mặc dù nguy cơ là thấp hơn nhiều so với truyền bệnh viêm gan B hoặc HIV. Điều này không thể hiện được ngăn chặn. Em bé của bạn có thể được xét nghiệm viêm gan C, và nếu bé bị nhiễm, bé cần gặp bác sĩ để được điều trị.

    7. Nhiễm Herpes sinh dục (hoặc các bệnh đường tình dục khác trong thai kỳ)
    Herpes là một bệnh lây lan. Theo ước tính, ở Pháp có khoảng 10 triệu người nhiễm loại vi rút herpes miệng và khoảng 20 triệu người nhiễm vi rút herpes âm đạo. Herpes không phải là một dạng nấm mà là một loại vi rút.

    Nhiễm Herpes sinh dục có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Nếu bạn bị nhiễm Herpes trong giai đoạn đầu thai kì, bạn có thể được điều trị. Nếu bạn bị nhiễm vào giai đoạn gần cuối của thời kỳ mang thai hoặc trong quá trình sinh bé, bạn nên sinh mổ để giảm nguy cơ lây truyền bệnh herpes cho em bé của bạn.

    8. HIV
    HIV có thể truyền từ một người phụ nữ mang thai sang con trong khi mang thai, sinh con hoặc cho con bú.

    Nếu bạn có HIV dương tính, bạn và bác sĩ của bạn sẽ cần phải thảo luận về việc theo dõi sức khỏe trong suốt thai kì của bạn để giảm nguy cơ lây nhiễm cho em bé của bạn.

    Điều trị trong thai kỳ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho em bé, từ tỷ lệ 1/4 đến dưới 1/100. Em bé của bạn sẽ được xét nghiệm HIV khi sinh và trong khoảng thời gian cho đến hai năm.

    Bạn sẽ được khuyên không nên cho con bú vì HIV có thể lây truyền cho em bé.

    9. Bệnh thứ năm - Parvovirus B19
    Nhiễm parvovirus B19 khá phổ biến ở trẻ em và gây phát ban đỏ đặc trưng trên khuôn mặt, vì vậy nó thường được gọi là "hội chứng má Tát".

    Mặc dù 60% phụ nữ miễn nhiễm với bệnh này, parvovirus có tỷ lệ lây nhiễm rất cao và có thể gây hại cho em bé. Nếu bạn tiếp xúc với bất cứ ai bị nhiễm, bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn, để họ có thể kiểm tra xem bạn có miễn dịch không thông qua xét nghiệm máu. Trong hầu hết các trường hợp, các em bé không bị ảnh hưởng khi mẹ nhiễm parvovirus khi mang thai.

    10. Rubella (sởi) khi mang thai
    Nếu bạn mắc Rubella trong bốn tháng đầu của thai kỳ, nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng bao gồm dị tật bẩm sinh và sẩy thai. Khi đó, bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn càng sớm càng tốt
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi channy155
    Đang tải...


  2. chuotnhat3

    chuotnhat3 Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    2/4/2009
    Bài viết:
    1,585
    Đã được thích:
    280
    Điểm thành tích:
    173
  3. mehiuhiu

    mehiuhiu Thành viên nổi tiếng

    Tham gia:
    17/7/2012
    Bài viết:
    4,334
    Đã được thích:
    578
    Điểm thành tích:
    773
    Cảm ơn chủ top đã chia sẻ thông tin hữu ích :)
     
  4. thuykitty2005

    thuykitty2005 Thành viên nổi tiếng

    Tham gia:
    25/9/2010
    Bài viết:
    5,048
    Đã được thích:
    916
    Điểm thành tích:
    823
    Bài viết bổ ích. Thank chủ top!
    Năm nay mình cũng có dự định mang bầu, nên đã đi tiêm phòng viêm gan B, sởi - quai bị - rulbela, cúm.

    Mình đi tiêm ở 135 Lò Đúc thì được bác sĩ tư vấn là sau 3 tháng mới được có bầu.
    Còn với mũi cúm thì bác sĩ hẹn tới tháng 10 tiêm nhắc lại, có bầu cũng vẫn tiêm (đây là mũi tiêm cúm không ảnh hưởng nếu đang có bầu).

    Còn viêm gan B thì mình đã tiêm 3 mũi có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra xem đã đủ kháng thể thì không phải tiêm mũi 4 -5 nữa. Thấy bác bảo tiêm nhiều cũng không tốt mà.
     

Chia sẻ trang này