Tiểu Thuyết Mang Thai Tuổi 17 Của Võ Anh Thơ

Thảo luận trong 'Thư giãn, giải trí' bởi thachhoangtuan, 7/11/2017.

  1. thachhoangtuan

    thachhoangtuan Thành viên chính thức

    Tham gia:
    31/8/2016
    Bài viết:
    192
    Đã được thích:
    4
    Điểm thành tích:
    18
    Tác giả của tiểu thuyết đang được dựng thành phim "Ngốc ơi tuổi 17!" cho biết những câu chuyện nổi cộm trên mạng xã hội đã gợi tứ cho cô viết tác phẩm.

    Mới đây, bộ phim điện ảnh Ngốc ơi tuổi 17 đã được bấm máy. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Mang thai tuổi 17 của Võ Anh Thơ. Nhân dịp này, tác giả trẻ chia sẻ về tác phẩm, con đường sáng tác, và quan điểm về viết lách.

    Tác phẩm này sẽ được công ty alphabook giới thiệu sách tại Đường sách Nguyễn Văn Bình và được bày bán khắp nơi trên toàn quốc.

    Mong quý độc giả ủng hộ và tìm đọc.

    1_R_Nhat_ky_mang_thai.jpg
    Phụ huynh hãy là chỗ dựa tinh thần cho con cái!

    - Bạn nhận được lời đề nghị chuyển thể tiểu thuyết “Mang thai tuổi 17” thành phim trong hoàn cảnh nào? Cảm xúc của Thơ lúc đó ra sao?

    - Tôi nhận được lời mời chuyển thể tiểu thuyết Mang thai tuổi 17 là vào tầm cuối tháng 5 năm nay. Khi nhận cuộc gọi điện từ đại diện hãng phim, tôi rất vui mừng và bất ngờ, thậm chí bản thân còn tưởng mình đang... nằm mơ. (cười)

    Đây là cuốn sách đầu tiên của tôi được chuyển thể thành phim điện ảnh. Kịch bản do biên kịch Thạch Tuyền chấp bút.

    - Anh Thơ nghĩ gì về tên phim “Ngốc ơi tuổi 17”, khi tên sách lại nói cụ thể hơn về cốt truyện?


    - Theo tôi được biết, khi quyết định chọn tựa Ngốc ơi tuổi 17 để thay thế cho Mang thai tuổi 17, nhà sản xuất phim đã suy nghĩ kỹ lưỡng, và việc làm đó cũng để đảm bảo cho việc xin phép được thuận lợi.

    Hai từ “mang thai” mặc dù phản ảnh rõ nội dung phim tuy nhiên sẽ khiến khán giả nghĩ phim mang những cảnh “nhạy cảm”. Trong khi đó, bộ phim trong sáng, hồn nhiên pha lẫn hài hước. Cá nhân tôi không ý kiến gì nhiều về tiêu đề Ngốc ơi tuổi 17 bởi tin rằng nhà sản xuất sẽ có những lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

    Ngoài ra, Ngốc ơi tuổi 17 cũng mang hàm ý riêng: Tuổi 17 là lứa tuổi hồn nhiên đồng thời cũng dễ có những va vấp do sự non nớt, chưa trưởng thành và chính cái sự “ngốc nghếch” tuổi trẻ ấy mà dẫn đến những hệ lụy khó lường, cũng như sự hối hận muộn màng.

    Hai từ “Ngốc ơi”, tôi cảm nhận đó là một tiếng gọi dành cho tuổi hoa niên đầy trải nghiệm mới mẻ...

    - Khi dựng thành phim, nội dung tác phẩm có thay đổi gì so với tiểu thuyết không?

    - Nội dung phim vẫn bám sát nguyên tác, sẽ có thêm một số tình tiết mới lạ, thú vị để Ngốc ơi tuổi 17 mang hơi thở riêng, trở nên hấp dẫn hơn. Bạn nào đã đọc Mang thai tuổi 17 rồi thì cùng chờ đón phim để xem có gì thêm bớt so với sách nhé!

    - Cuốn “Mang thai tuổi 17” đã được Anh Thơ viết trong hoàn cảnh nào?

    - Tiểu thuyết Mang thai tuổi 17 có tựa gốc là Nhật ký mang thai khi 17 mà tôi ấp ủ từ năm 2012, đến tháng 4/2013 mới bắt tay viết. Nguồn cảm hứng đến từ những bài viết trên các báo mạng, xoay quanh vấn đề mang thai sớm, khi đọc tâm sự của các em nhỏ, tôi rất xúc động nên quyết định viết về đề tài khá “nhạy cảm” này. Tôi viết truyện này cũng vì cô bạn tiểu học của mình từng mang thai năm 17 tuổi.

    Tác phẩm được hoàn thành trong khoảng bốn tháng. Do mỗi ngày đều viết nên thời gian hoàn thành không quá lâu. Trong quá trình viết, tôi phải liên tục tìm hiểu nhiều thứ: về que thử thai, khám thai ở các bệnh viện như thế nào, kiến thức chăm sóc em bé, sự thay đổi của phụ nữ khi mang thai ra sao, các lớp học tiền sản dạy những gì, đặc biệt là đọc nhiều những bài tâm sự của những em nhỏ mang thai sớm..v..v..

    Thật may mắn là tất cả đều có trên mạng.

    - Thông điệp mà Thơ gửi qua tiểu thuyết này là gì?

    - Khi viết Nhật ký mang thai khi 17, tôi mong muốn hai điều: Thứ nhất, viết nên một câu chuyện để mọi người biết rõ về tình trạng mang thai sớm ở những em chưa đến tuổi trưởng thành. Tôi muốn vẽ nên một bức tranh về suy nghĩ, tâm tư của các em khi đối diện với vấn đề to lớn này.

    Thứ hai, tôi gửi gắm đến những bậc phụ huynh (dù có hoặc không có con đang mang thai sớm) và những người ngoài cuộc rằng: Hãy bao dung, rộng lượng tha thứ cho sự trẻ dại của các em; đặc biệt là ba mẹ, nên trở thành chỗ dựa tinh thần và giúp con cái mình vượt qua lỗi lầm này. Bởi các em có quyền được làm lại cuộc đời, một lần nữa.

    Và tôi xin trích thêm lời của chú biên kịch Thạch Tuyền: “Đừng để điều đó xảy ra khi bạn còn quá trẻ”.

    Nhiều tác giả trẻ bị cho là viết giống ngôn tình

    - Còn trẻ, nhưng Võ Anh Thơ là tác giả nhiều cuốn tiểu thuyết… động lực gì khiến Anh Thơ sáng tác nhiều như vậy?

    - Đối với một tác giả, động lực duy nhất khiến họ tiếp tục viết dù thật sự công việc này trong xã hội khá nhọc nhằn, thì chỉ có thể là hai từ: Đam mê! Tôi cũng không ngoại lệ.

    Với tôi, được tạo ra những câu chuyện hay, những số phận đẹp đẽ, gửi gắm những suy nghĩ của bản thân và thông điệp ý nghĩa, chia sẻ những trải nghiệm mình có với người khác, là cảm giác tuyệt vời nhất mà không điều gì có thể thay thế được.

    - Điều gì khiến Thơ thường viết tiểu thuyết về những vấn đề nóng của xã hội như: đời sống của những cô gái tiếp thị bar, mang thai ở tuổi vị thành niên, chuyện thị phi công sở… Có phải đó là một cách lựa chọn đề tài khôn ngoan để thu hút độc giả?

    - Tôi nghĩ, mỗi tác giả có thế mạnh và “gu” viết khác nhau. Có người thích viết tình cảm lãng mạn, có người thích viết trinh thám hoặc thể loại giả tưởng, thiếu nhi... thì “vấn đề xã hội” đơn giản chỉ là một trong các thể loại sáng tác mà thôi.

    Phần lớn do tôi thường đọc báo, bản thân lại khá quan tâm đến tình hình xã hội hiện nay, hẳn lý do đó đã giúp mình dễ dàng tiếp cận cũng như tìm kiếm ý tưởng, cảm hứng từ những vấn đề “nóng” hiện nay của xã hội.

    Theo tôi, hẳn đây cũng là một “cái duyên” dành cho mình.

    - Một số ý kiến cho rằng tác phẩm của Anh Thơ giống sách ngôn tình Trung Quốc. Thơ nghĩ sao về nhận xét đó?

    - Vấn đề “truyện mang hơi hướm ngôn tình Trung Quốc” không chỉ riêng tôi mà nhiều tác giả trẻ hiện nay đều bị nói như vậy. Tôi xin không nói nhiều về vấn đề này nữa vì hiểu chín người mười ý, không thể giải thích hết cho mọi người.

    Có lẽ mọi người nghĩ vậy, phần lớn là do cách đặt tên nhân vật theo kiểu Hán Việt của tôi. Tiểu thuyết Trung Quốc, tôi chỉ đọc một cuốn duy nhất là Anh có thích nước Mỹ không? của Tân Di Ổ, nên bản thân tôi tin mình không quá bị ảnh hưởng từ ngôn tình. Tuy nhiên, những cuốn sách về sau, tôi cũng cố gắng truyện, tên nhân vật mang nét Việt hơn.

    Quan trọng hơn, cá nhân tôi nghĩ: Đã là văn chương thì không nên có sự phân biệt. Dù là văn học Việt Nam hay văn học Trung Quốc, chỉ cần tác phẩm ý nghĩa, mang lại sự giác ngộ về nhân sinh quan, giúp người đọc thấu hiểu và sống tốt hơn thì những tác phẩm đó đều có giá trị riêng đáng trân trọng.

    - Sau đây, Thơ có dự định ấp ủ gì với văn chương?

    - Hiện tại tôi có khá nhiều dự án muốn hoàn thành trong thời điểm này nên không thể nói đích danh tên tác phẩm nào, và vì tôi cũng muốn giữ bí mật, khi những tác phẩm này hoàn thành thì công bố cũng chưa muộn.

    Về việc viết, tôi cũng không ấp ủ hay mong ước gì quá nhiều, chỉ hy vọng có thể được tiếp tục sáng tác, tiếp tục mang đến những câu chuyện ý nghĩa và ngày càng chất lượng hơn, để đáp lại sự ủng hộ cũng như tình cảm của các độc giả đã luôn dõi theo tôi suốt thời gian dài qua. Và vì tôi cũng hiểu, mỗi tác giả đều có “cái thời” của mình, nên còn viết được ngày nào thì hay ngày đó... (cười)

    - Văn chương có ý nghĩa như thế nào với Anh Thơ?

    - Ngoài mẹ và gia đình ra thì văn chương có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, từ suy nghĩ cho đến lối sống lẫn tính cách. Lúc nhỏ, tôi là đứa trẻ nhút nhát, rụt rè, hay sợ hãi... vì mặc cảm về sự khiếm khuyết của bản thân (Anh Thơ bị hở hàm ếch - PV) và văn chương đã thay đổi thế giới xung quanh tôi, giúp tôi thấy được nhiều thứ tươi đẹp.

    Lúc nhỏ tôi đọc truyện tranh, truyện của chú Nguyễn Nhật Ánh và nghe khá nhiều những truyện ngắn trên radio. Từ đó, tôi nhận ra: Mình muốn viết! Và tôi đã bắt đầu tập tành sáng tác.

    Bản thân tôi không thích nói nhiều nhưng lại tự tin hơn khi viết. Trên những trang giấy, tôi mới sống trọn vẹn với con người thật của mình. Và đấy cũng là ý nghĩa lớn lao nhất mà tôi nhận được từ văn chương.

    Thông tin về tác giả:


    Võ Anh Thơ sinh năm 1991, hiện sinh sống và viết văn tại TP.HCM.

    Anh Thơ bắt đầu sáng tác từ năm học cấp 2, tới nay là tác giả của nhiều tiểu thuyết như: Hạ tuyết, Mang thai tuổi 17, Nữ hoàng tạo mẫu tóc, Gái xấu công sở, Người mẹ được gửi từ thiên đường, Lời hứa thủy chung... cùng một số tập truyện vừa, truyện ngắn in chung khác.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi thachhoangtuan
    Đang tải...


Chia sẻ trang này