Tính ích kỷ chưa hẳn là xấu với bé mầm non

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi support, 11/11/2013.

  1. support

    support Super Moderator Staff Member

    Tham gia:
    7/11/2008
    Bài viết:
    8,184
    Đã được thích:
    3,690
    Điểm thành tích:
    2,113
    Tại sân chơi của khu tập thể, một bé 2 tuổi đang chơi, xe scooter để đó không dùng đến, bé khác muốn mượn. Người mẹ nói: "Con cho bạn mượn xe nhé?". "Không. Xe của con", cậu bé trả lời.

    Tất cả các mẹ và bác giúp việc được dịp xúm vào bàn tán, nào là con một ích kỷ lắm, có phải chia sẻ cái gì đâu, đẻ đứa nữa đi, nào là trẻ con bây giờ ích kỷ lắm không như ngày xưa... Ai cũng chê bai, khổ thân mẹ bé ngồi ậm ừ chẳng lẽ con mình xấu thế.

    Cùng lúc, ở góc khác của sân chơi, một đứa trẻ ba tuổi đang ngồi trên ôtô đồ chơi, bé khác đến xem sờ vào cái đèn liền bị quát: "Không được sờ vào", rồi phóng đi. Cậu bé không được cho chơi cùng đứng tũn mặt nhìn theo.

    Một bé khác 7 tuổi đang chơi với mấy ôtô mô hình, một em bé 3 tuổi chạy đến muốn chơi cùng, anh vội vàng thu hết ôm vào lòng. "Con cho em bé mượn một cái, hai anh em cùng chơi cho vui", mẹ em nhỏ đề nghị. "Không, mẹ con dặn ôtô bố mua ở nước ngoài đắt tiền không cho ai mượn hỏng mất". Bà mẹ chẳng biết nói sao đành lôi con đi vì bé đang lăn ra đòi cái ôtô đắt tiền của anh.

    [​IMG]

    Vậy trong những tình huống trên bé nào là ích kỷ, bé nào không? Trẻ dưới 6 tuổi vẫn trong giai đoạn hình thành tính cách, nhận biết cái gì của mình, cái gì không, học phân biệt sở hữu, của ai người nấy dùng, tính trật tự cao, do đó việc một em bé hai tuổi không cho mượn đồ dùng vì không muốn chia sẻ là điều rất bình thường và là hành vi cần có, cần được khuyến khích, tôn trọng.

    Làm bố mẹ chắc ai cũng trải nghiệm những điều như cái ghế mọi lần bố ngồi thì ngay cả mẹ cũng không được ngồi lên. Cốc của con thì anh ruột cũng không được dùng. Truyện của con là truyện của con. Đó là vì trẻ đang học về tính trật tự, các ranh giới, cái gì cũng phải rõ ràng. Nếu trẻ không biết mình là ai, cái gì là của mình thì làm sao biết học bảo vệ, giữ gìn đồ của mình.

    Từ 4 tuổi trở lên, trẻ mới dần dần sẵn sàng muốn tham gia cùng các bạn, muốn có nhóm chơi, lúc đó không hỏi các em sẽ mang đồ của mình cho mượn, cho các bạn dùng chung. Không hỏi các em cũng sẽ tự động giúp đỡ người khác.

    Khi một đứa trẻ muốn mượn cái gì, việc đầu tiên là bố mẹ hướng dẫn con học cách hỏi mượn “Bạn cho tớ mượn... một chút nhé?”. Nếu bạn không cho mượn đó là điều bình thường, không khóc, không đòi bằng được. Mình có quyền hỏi, bạn có quyền từ chối. Chuyện đó không có gì sai trái cả. Người lớn cũng không vì thấy đứa trẻ bé hơn khóc mà ép anh chị lớn hơn cho mượn. Cuộc sống thật không thế và trẻ nên học điều đó từ nhỏ.

    Với đứa trẻ được hỏi, nếu thực sự và sẵn sàng muốn cho mượn là tốt, nếu bé không muốn, người lớn cần tôn trọng quyết định của trẻ. Không ép trẻ phải cho mượn vì cần phải biết chia sẻ, vì lớn hơn phải nhường. Nếu đó là đồ của bé, bé toàn quyền quyết định với nó. Người lớn không nên tước đi cái quyền vốn là một trong những quyền ít ỏi một đứa trẻ. Cho mượn hay không chẳng liên quan gì đến tính cách của bé cả, cũng chẳng quyết định sau này bé lớn lên sẽ là người rộng rãi hay không.

    Trong gia đình có anh chị em cũng vậy, không phải cứ làm anh chị là phải nhường em, dẫn đến lúc nào em bé cũng đòi, nhiều khi vô lý, đòi vì thấy anh đang cầm, sau khi có được lại ném đi ngay. Không phải em bé thì có quyền được đòi. Nguyên tắc là nếu anh, chị đang dùng chưa xong, em phải đợi. Khi nào anh xong, cất lên giá mới đến lượt em. Hoặc là chỉ được dùng khi anh đồng ý.

    Đôi khi chúng ta quên mất anh hay chị của bé cũng chỉ là một đứa trẻ chưa sẵn sàng để hy sinh vì em, càng không nên phải hy sinh vì em để rồi sau ấm ức và tổn thương khi nghĩ bố mẹ chỉ bênh em, cái gì em đòi cũng được mà không đếm xỉa đến cảm xúc của mình.

    Tuy nhiên, nếu bé được dạy không được phép chung đồ, không cho người khác mượn vì đắt tiền hay vì sợ hỏng thì đó lại là tính ích kỷ được hình thành từ bé sau này không sửa được. Hãy hướng dẫn con cách chơi đúng để không bị hỏng thay vì cấm con chia sẻ với các bạn. Nếu bạn đã nghĩ là đồ đắt tiền và không muốn con cho mượn thì ngay từ đầu không nên cho bé mang ra sân chơi với các bạn khác, vừa khó con mình, vừa khó mọi người xung quanh.

    Hãy nói về tính ứng dụng của một món đồ thay vì bạn đã chi bao nhiêu tiền để mua. Đắt tiền không có nghĩa là quan trọng hơn hay có ích hơn với trẻ mà là con học được gì từ đồ dùng đó. Nếu bạn muốn con cẩn thận với đồ dùng đó hãy nói cho bé biết bạn cảm thấy nó quan trọng như thế nào, nó mang bao nhiêu kỷ niệm ra sao.

    Ví dụ: “Con biết không, bố mẹ mua cho con mô hình máy bay đó từ X - một đất nước rất xa, lúc bố mẹ đang ngồi trên chiếc may bay thật đấy. Lúc đó bố mẹ rất nhớ con. Con hãy giữ gìn nó cẩn thận nhé con yêu”. Nếu bạn nói thế, bé sẽ học cách trân trọng quà vì nó mang theo tình cảm của bố mẹ thay vì suy nghĩ phải giữ gìn vì nó đắt tiền. Trẻ trong độ tuổi mầm non chẳng hiểu tiền là gì và đắt là thế nào cả.

    Chỉ là cách nói khác nhau nhưng tác động lên đứa trẻ hoàn toàn khác. Đôi khi chúng ta quên mất chúng chỉ là trẻ con. Và điều đáng sợ là tất cả những gì chúng ta nói và làm cho trẻ hôm nay, sẽ quay vòng lại chính chúng ta, những điều tương tự như thế, nhưng phóng đại lên nhiều lần trong tương lai, khi bé trưởng thành.

    Lê Mai Hương
    Nguồn: VnExpress
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi support
    Đang tải...


Chia sẻ trang này