Chúng ta đang sống trong một xã hội mà cuộc sống đầy những bon chen, lo toan. Thực phẩm ngày càng nhiều hoá chất, cuộc sống - công việc ngày càng nhiều điều khiến ta lo lắng và bị cuốn theo, nhiều khi vô tình quên đi việc phải giữ gìn sức khoẻ . Do đó, bị đau dạ dày hầu như là một tất yếu của cuộc sống. TOPIC này nhằm mục đích là để chia sẻ với nhau những lời khuyên, những bài thuốc, những cách chữa trị, thậm chí chỉ là lời động viên nhau, ... để mong rằng thành viên của hội sẽ dần dần khỏi bệnh và cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúc tất cả các member luôn sống vui, sống khoẻ, tĩnh tâm và hạnh phúc! TOPIC tổng hợp những câu hỏi, thắc mắc và kinh nghiệm chữa bệnh dạ dày. Những người nào bị bệnh cứ hỏi câu hỏi sẽ có người trả lời và tư vấn giúp bạn. Nếu ai cũng có câu hỏi tương tự thì có thể tham khảo lời khuyên tư vấn của các chuyên gia dưới đây: ═════════════════ Trả lời câu hỏi của Bạn bùi văn phẩm, 27 tuổi, d6/7 khu phố 4, TT tân túc, H bình chánh, tphcm hỏi: "Chào bác sĩ, lúc trước tôi bị trào ngược thực quản, tôi có uống thuốc và cũng đã hết, nhưng mà tôi vẫn hay bị khó tiêu và ợ chua. Tôi rất cần sự tư vấn của bác sĩ. Tôi có cần đến bệnh viện để nội soi không? Trả lời: Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản phải điều trị trong thời gian dài. Bệnh vẫn có thể tái phát nếu có yếu tố thuận lợi hoặc những nguyên nhân gây trào ngược như stress, chế độ ăn không hợp lý (dùng quá nhiều thực phẩm chua, cay; thuốc lá; rượu bia), hoặc khi bạn có những căn bệnh phải sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày hoặc kích thích trào ngược. Triệu chứng khó tiêu, ợ chua thường gặp trong bệnh lý trào ngược, nhưng vẫn có thể gặp trong một số bệnh lý khác. Vì vậy, nếu triệu chứng kéo dài hoặc điều trị không giảm, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được khám và tư vấn điều trị. ═════════════════ Trả lời câu hỏi của Bạn Đỗ quang thắng Hà Nội Hỏi: "Tôi bị đau bụng và đi khám nội soi. Bác sĩ kết luận viêm hang vị và trào ngược thực quản độ A. Sau uống thuốc 2 tuần tình trạng cũng không tiến triển nhiều vẫn thỉnh thoảng đau và ợ nóng. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp cho tôi về chế độ ăn uống và cách điều trị. Xin cảm ơn bác sĩ" Trả lời: Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Trường hợp của bạn có 2 bệnh kèm theo là trào ngược dạ dày và viêm dạ dày. - Triệu chứng chủ yếu của viêm dạ dày là đau bụng trên rốn và đầy hơi. Có vẻ trường hợp của bạn đây là triệu chứng khó chịu nhất cho bạn. - Triệu chứng của trào ngược chủ yếu là ợ nóng và ợ trớ thức ăn. Nếu bạn bị triệu chứng này gần như mỗi ngày thì trường hợp của bạn bệnh trào ngược chiếm ưu thế. Nhưng triệu chứng chính của bạn là đau bụng, nên tôi nghĩ trường hợp của bạn bệnh viêm dạ dày ưu thế hơn. Bạn cần làm các điều sau đây: - Ăn uống đúng giờ. - Hạn chế thức ăn cay nóng, rượu bia. - Tránh suy nghĩ lo lắng quá mức và nhớ ngủ đúng giờ. - Không nên tự ý dùng những thuốc giảm đau (như đau đầu, đau cơ, đau răng...) vì những thuốc này gây viêm dạ dày rất nhiều. - Bạn nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được điều trị theo đúng chuyên khoa. ═════════════════ Trả lời câu hỏi của bạn Quản Trung Hiếu, 34 tuổi, linh xuân-thủ đức Hỏi: "Con tôi năm nay 5,5 tuổi, bé ăn rất hay bị ói, hầu như ngày nào bé cũng bị ói. Xin bác sĩ cho tôi biết như vậy cháu có phải mắc chứng bệnh chào ngược thực quản không, cách chữa trị. Xin cảm ơn bác sĩ." Trả lời: Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng: Chào bạn. Triệu chứng nôn ói ở trẻ nhỏ có thể là biểu hiện của chứng trào ngược. Trong trường hợp này, bạn nên đưa bé đến khám bệnh ở chuyên khoa tiêu hóa để xác định các vấn đề sau: - Xác định triệu chứng nôn ói có phải là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản hay không, sau khi bác sĩ thăm khám và làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác. Khi đã xác định đây là triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ sẽ tư vấn bạn thay đổi cách chăm sóc bé và sử dụng một vài loại thuốc. Một số biện pháp để giảm triệu chứng trào ngược là: mỗi lần ăn không quá no, tăng số lần ăn trong ngày, kê cao đầu khi ngủ, hạn chế những thức ăn có thể làm tăng triệu chứng của trào ngược. - Bạn cần phải loại trừ nôn ói là do một bệnh lý khác, ví dụ như: bệnh nhiễm giun sán, viêm loét dạ dày. Trong một số trường hợp, nôn ói cũng có thể là những biểu hiện bệnh lý về thần kinh như rối loạn về tâm lý, động kinh, tổn thương não... ═════════════════ Trả lời câu hỏi của bạn Huỳnh Kim Loan, 49 tuổi, HÓC MÔN Hỏi: "Tôi đã nội soi tất cả 3 lần và có loét (trong vòng 5 năm trở lại đây) vì bị chảy nước dãi rất nhiều sau khi ngủ vậy (ban ngày ít hơn) làm rát họng, đắng miệng, ợ chua rất... rất khó chịu. Đã điều trị rất nhiều bác sĩ và được cho nhiều lọai thuốc... Hiện tại vẫn còn bị xin bác sĩ tư vấn dùm hướng điều trị để được ốn định. Chân thành cám ơn." Trả lời: Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Chào Loan, Trường hợp của bạn có các vấn đề sau: - Loét dạ dày nhưng không rõ có bị nhiễm vi trùng Hp trong dạ dày hay không. - Bạn có triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản làm ảnh hưởng đến thực quản, nhưng nội soi chưa thấy lỡ loét thực quản. Những điều bạn cần làm là trước mắt bạn nên ngưng tất cả mọi loại thuốc đang dùng, kể cả các loại thuốc cảm ho sổ mũi trong ít nhất 2 tuần lễ; đi khám và nội soi dạ dày để kiểm tra xem tình trạng loét dạ dày có lành chưa, có bị teo niêm mạc dạ dày hay không và quan trọng là có bị nhiễm vi trùng Hp hay không... Ngoài ra, bạn chú ý hạn chế các thức ăn chiên xào, thức ăn béo, thức ăn cay nóng, cà phê, thuốc lá, rượu bia. Bạn nên ăn những thức ăn mềm lỏng, chia nhỏ bữa ăn, nên ngủ nằm đầu cao, tránh làm việc căng thẳng, tránh thức khuya... Chúng tôi tiếp tục cập nhật câu hỏi và gửi đến cho các bạn! Bạn có thể comment gửi câu hỏi bên dưới, chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết cho bạn.
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Tuấn Anh, 27 tuổi, Đống Đa - Hà Nội Hỏi: "Xin chào bác sĩ. Tôi có đầy đủ các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (ợ nóng, ợ chua, bụng cồn cào khi ăn đồ chua hoặc sau khi uống cà phê, bị đau tức ngực sau một đêm ngủ dậy). Dược sĩ có kê cho tôi loại thuốc ức chế axit dạ dày uống kết hợp với men tiêu hóa thì thấy các triệu chứng của bệnh hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, cứ sau khi ngừng thuốc là các triệu chứng lại xuất hiện trở lại, mặc dù tôi đã kiêng hoàn toàn các đồ ăn thức uống gây kích thích dạ dày. Xin hỏi bác sĩ liệu tôi có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh, hay phải tiếp tục uống thuốc để duy trì vô thời hạn? Chân thành cảm ơn.." Trả lời: Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng: Chào bạn. Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào dịch từ dạ dày lên thực quản từng lúc hay thường xuyên. Bệnh gây ra do nhiều yếu tố tác động như: chế độ làm việc, ăn uống, các loại thuốc uống đi kèm, bất thường giải phẫu, cơ vòng dưới thực quản... Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản bên cạnh sử dụng thuốc, chúng ta còn phải giảm bớt các yếu tố gây ra nó. Trong trường hợp của bạn, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản hay bị tái lại. Chúng ta cần xem xét các vấn đề sau: - Thứ nhất là thời gian điều trị có đủ hay không. Thường một đợt điều trị kéo dài ít nhất 8 tuần. - Các yếu tố tác động gây trào ngược có bị hạn chế hay chưa. - Thay đổi lối sống và sử dụng thực phẩm có phù hợp hay không. Trong trường hợp bạn đã điều trị và điều chỉnh các nguy cơ nhưng vẫn bị tái lại, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể chế độ điều trị lâu dài. Bác sĩ cũng sẽ tầm soát thêm các biến chứng gây ra do trào ngược, ví dụ như: viêm loét thực quản, xuất huyết thực quản, ung thư thực quản.
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Minh Tâm, 18 tuổi Hỏi: " Chào bác sĩ, Mẹ em khám tổng quát thì được bác sĩ cho hay là bị viêm dạ dày nhưng điều trị không khỏi nên đi khám chuyên khoa thì được bác sĩ bảo trào ngược dạ dày/gerd. Mẹ em điều trị 2 tuần thì triệu chứng mệt như muốn ngất đi đã giảm, cứ vài ngày lại mệt nhưng giờ bao tử lại nóng rát, không chịu nổi, không ngủ được, không thèm ăn, uống đồ ngọt thì miệng chua. Mẹ em đã giảm cân gần 6kg. Xin bác sĩ tư vấn có phải mẹ em đang bị trào ngược dạ dày không? Và làm sao giảm nóng rát trong bao tử? Mẹ em đã chia ra nhỏ bữa ăn nhiều lần trong ngày nhưng không đỡ ạ" Trả lời: Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Tâm mến, Mẹ em có những vấn đề gồm: viêm dạ dày nhưng không rõ có do vi trùng Hp hay không; tăng tiết a xít dạ dày và trào ngược rất nhiều; có biểu hiện của suy nhược thần kinh; sụt cân đáng kể chưa rõ nguyên nhân. Theo tôi, trường hợp của mẹ em chắc chắn có hiện tượng trào ngược và để điều trị hiện tượng này thì cần phải kiên trì và lâu dài. Tuy nhiên, vì vấn đề bệnh tật của mẹ em có nhiều, nên cần phải khám bệnh trực tiếp, làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán tất cả vấn đề như tôi đã nêu của mẹ em. Sau đó phối hợp điều trị thì mới ổn định dần. Hiện để giảm triệu chứng nóng rát trong dạ dày của mẹ em, mẹ em cần hạn chế thức ăn cay, nóng, chiên xào, các thuốc uống dạng gói nước có thể sử dụng sau ăn 1 giờ, cũng có thể giảm được triệu chứng nóng rát của mẹ em.
Chào bạn Bạn nên dùng những loại thuốc Đông y có nguồn gốc từ tự nhiên để đảm bảo an toàn cho cả người mẹ và thai nhi. Bạn cần thực hiện các cách sau tại nhà: 1/ Chống trào ngược dạ dày bằng cách chia nhỏ thức ăn Thay vì ăn ba bữa chính và ăn thật no, bà bầu nên chia nhỏ bữa ăn ra để tránh tạo nhiều a-xít dư thừa trong dạ dày. Tốt nhất một ngày bạn nên chia ra 7-8 bữa nhỏ. Một số loại thực phẩm có thể khiến bạn thêm khó chịu chẳng hạn như thực phẩm quá nhiều gia vị, hương liệu, thức ăn cay, chocolate, trà, cà phê hay những món chiên xào nhiều chất béo bão hòa. Chúng chính là tác nhân “kích hoạt” chứng trào ngược chỉ trong tích tắc. 2/ Tập thể dục giúp hạn chế trào ngược thực quản khi mang thai Để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, mẹ bầu nên năng vận động và tập luyện. Bộ môn đi bộ rất thích hợp để tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, giảm thiểu nguy cơ sản sinh axít trong dạ dày. Không nhất thiết phải đi bộ ngay sau bữa ăn, chỉ cần bạn duy trì thói quen luyện tập hằng ngày cũng đủ để giúp bạn và thai nhi khỏe mạnh. Ngồi dậy hoặc vận động nhẹ nhàng: Nằm chính là tư thế lý tưởng nhất để các axít di chuyển ngược trở ra. Thay vào đó, khi vừa ăn xong, bạn nên đi dạo vài vòng, sau đó ngồi nghỉ trước khi nằm. Bất cứ khi nào có cảm giác khó chịu, mẹ bầu nên ngồi dậy và làm chuyện khác để quên đi cảm giác buồn nôn. Đặc biệt, đừng ăn khi đang nằm. 3/ Ăn từ từ và chậm rãi Mặc dù bạn biết rằng ăn vào không được bao lâu, thức ăn lại trào ra ngoài. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nuốt đại cho xong. Mẹ bầu nên ăn uống chậm rãi, đừng nóng vội, vì như vậy chỉ khiến không khí chiếm hữu diện tích bên trong dạ dày, làm cảm giác trào ngược càng tăng lên. 4/ Giữ tinh thần ổn định, tránh làm việc căng thẳng
Chào bạn Dùng các loại thuốc Đông y trị trào ngược dạ dày thực quản được đóng gói, đóng hộp sẵn, bán tràn lan trên thị trường rất khó để chữa khỏi. Khó đáp ứng được nhu cầu của bệnh, không hợp với cơ địa của từng người. Mặc dù chữa bệnh an toàn nhưng khó chữa khỏi. Bạn nên tìm đến các nhà thuốc Đông y, kê đơn bốc thuốc, bệnh nào thuốc nấy, điều trị theo đúng bệnh, hợp với cơ địa của mỗi người. Như vậy mới chữa khỏi được bệnh. Chúc vợ bạn chóng khỏi bệnh
Trả lời câu hỏi của bạn nguyễn thị thanh hậu, 28 tuổi, tổ 5 - phường duyên hải - TP.Lào Cai Hỏi: "Bố tôi năm nay 62 tuổi, bị bệnh loét dạ dày nhưng một tháng nay, bố tôi khi ăn thức ăn toàn muốn nôn ra, cứ phải ăn một lúc nghỉ một lúc mới ăn tiếp được, kể cả uống nước bố tôi cũng muốn nôn ra ạ. Xin hỏi bác sĩ, bố tôi lên uống thuốc hay tiêm thuốc gì ạ để khi ăn bố tôi không còn bị đầy thức ăn chèn lên cổ nữa..." Trả lời: Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng: Chào bạn. Khi bị loét dạ dày, chúng ta sẽ có nguy cơ bị các biến chứng như: thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày. Triệu chứng của bố bạn là triệu chứng đáng báo động cần phải khám và nội soi lại để loại trừ các biến chứng nguy hiểm trên.
Trả lời câu hỏi của bạn guyễn Thị Minh Phương, 49 tuổi, Số 101 Trần Phú, TP Huế, tỉnh TT-Huế Hỏi: "Tôi bị nuốt nghẹn đã hơn 2 năm nay và càng ngày càng nặng hơn, ăn uống rất khó khăn, khi no thì ợ lên thức ăn, còn khi đói thì ợ hơi. Tôi đi khám nội soi thì bác sĩ bảo là bị viêm hang vị và cho thuốc uống nhưng vẫn không khỏi. Tình trang nuốt nghẹn vẫn tiếp diễn, (như có vật gì chặn ở phần dưới cổ), nghẹn đến nổi thức ăn không xuống được và nôn ra hết, khi đó tôi phải ngồi chờ đến 15-20 phút sau mới hết nghẹn và mới tiếp tục ăn. Tình trạng này tiếp diễn thường xuyên, hầu như bữa ăn nào cũng bị như vậy Trầm trọng hơn là khi uống nước cũng nghẹn. Thỉnh thoảng tôi có bị đau nhói phần ngực phía trên dạ dày và rất khó thở, tối nằm ngủ thì dịch vị trào ngược lên gây ho và sặc. Từ đầu năm đến nay tôi đã nội soi 2 lần rồi. Tôi rất cần sự tư vấn của bác sĩ. Tôi nên làm những xét nghiệm gì để tìm ra bệnh và chữa trị dứt điểm? Xin cảm ơn bác sĩ." Trả lời: Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Chào bạn, Với triệu chứng của bạn, công với bạn là nữ đồng thời với kết quả nội soi đã có, nếu tuổi bạn dưới 45 thì khả năng bạn bị một trong những bệnh sau đây: - Rối loạn vận động thực quản: bệnh này thường gặp ở phái nữ và thường kèm theo triệu chứng tim mạch như hồi hộp, mệt, khó thở sau ăn. - Co thắt tâm vị (tâm vị là chỗ nối giữa thực quản và dạ dày). - Bạn bị chứng rối loạn thần kinh thực vật hay rối loạn dạng cơ thể: đây là một tình trạng bệnh lý làm ảnh hưởng mất điều hòa hệ thần kinh tự chủ nên có nhiều triệu chứng ở hệ tiêu hóa tim mạch và hô hấp. Bệnh này dễ gặp khi bị stress hay căng thẳng trong công việc và cuộc sống, người thường xuyên lo lắng mất ngủ. Đối với trường hợp của bạn, tôi nghĩ cần phải khám toàn diện, đánh giá lại các nội tiết tố của bạn, đồng thời cho chụp x-quang thực quản của bạn trong khi nuốt để đánh giá chính xác bệnh lý thực quản của bạn, để có hướng điều trị chính xác nhất.
Trả lời câu hỏi của bạn Ngo Dinh Cuong, 27 tuổi Hỏi: "Hơn một năm nay, em bị ợ kể cả khi no hay đói, đều này rất khó chịu. Em có đi khám và xét nghiệm thì kết luận là bị viêm dạ dạy vi khuẩn HP. Em đã uống thuốc theo toa của bác sĩ nhưng cũng không hết bệnh được. Bệnh này khiến em ăn uống rất bất tiện, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Mong bác sĩ cho em lời khuyên.Trân trọng cám ơn bác sĩ!" Trả lời: Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng: Chào bạn. Ợ là triệu chứng báo hiệu bệnh lý của đường tiêu hóa trên. Trường hợp của bạn là viêm dạ dày có nhiễm vi khuẩn HP. Vì vậy, việc điều trị của bạn phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: - Điều trị viêm dạ dày và điều chỉnh chế độ làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống để không bị tái phát. - Tiệt trừ vi trùng HP và tránh bị tái nhiễm. - Nếu tình trạng viêm dạ dày có kèm theo triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản, bạn cần được điều trị đủ thuốc, đủ thời gian, thay đổi lối sống để hạn chế tái phát.
Trả lời câu hỏi của bạn Le Truc, 38 tuổi, 628 Vo Van Kiet P1 Q5 Hỏi: "Chào bác sĩ, tôi hay có tình trạng sau khi ăn (có thể 2-3 tiếng) bị ợ lên thức ăn, thỉnh thoảng thì có vị chua, nhưng thường là không. Việc trào ngược này thì cũng có lúc liên tục trong nhiều ngày và có lúc ngưng. Tôi đã nội soi dạ dày và bị +HP, đã từng chữa lần gần nhất cách đây 1 năm (uống thuống 2 kỳ - 2 tháng) nhưng chưa kiểm tra lại sau đó, Tôi cũng hay bị viêm họng và bác sĩ tai - mũi - họng nói do bị trào ngược gây nên. Cho tôi hỏi, tình trạng trên là gì, làm sao để giải quyết triệt để chuyện này? Xin cám ơn bác sĩ!" Trả lời: Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương: Chào Trúc, Tình trạng của bạn ngoài viêm dạ dày do vi trùng HP, bạn có triệu chứng ợ trớ khá điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, đồng thời bạn cũng bị viêm họng do trào ngược. Tình trạng của bạn hơi khác với những trường hợp trào ngược khác là bạn bị trào ngược, nhưng chủ yếu là trào ngược những chất không phải a-xít lên thực quản, nên trường hợp này đáp ứng điều trị hơi kém hơn bình thường. Bạn cần làm là kiên trì điều trị vì trường hợp này cần dùng thuốc lâu dài; về chế độ sinh hoạt bạn cần chú ý tập thể dục để tránh béo bụng, không dùng dây nịt lưng hoặc ngực quá chặt; tránh các động tác khom cuối nhiều; ngủ nằm đầu cao và không nên đi nằm ngay sau ăn. Ngoài ra, bạn cần đi kiểm tra lại xem vi trùng HP và tình trạng viêm dạ dày đã cải thiện hay chưa.
Trả lời câu hỏi của bạn Võ Anh Khanh, 52 tuổi, Phường Long Tâm-Tp. Bà Rịa Hỏi: "Tôi bị viêm họng lâu không khỏi, bác sĩ chuẩn đoán do trào ngược dạ dày. Nội soi được xác nhận viêm hang vị, hiện nay nói hay hát thì đau và rát cổ, ngủ mở quạt thì khô cổ, sáng dậy chua miệng. Xin bác sĩ tư vấn hướng điều trị. Chân thành biết ơn!" Trả lời: Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng: Chào bạn. Trào ngược dạ dày thực quản chỉ có 20% biểu hiện các triệu chứng của đường tiêu hóa. 80% thường có các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa như: viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm phế quản, đau ngực không do tim... Vì vậy, nếu tình trạng viêm họng, hoặc khi nói, hát đều bị đau và rát cổ như bạn mô tả có thể là triệu chứng ngoài tiêu hóa của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, việc điều trị cần nhằm vào 2 mục tiêu: - Thứ nhất là điều trị các triệu chứng của viêm họng, viêm thanh quản. - Thứ hai là điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Để đạt được 2 mục tiêu này, bạn cần phải có thời gian và kiên nhẫn theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn cũng cần phải lưu ý các yếu tố làm nặng triệu chứng của bạn, ví dụ như: hạn chế ngủ quạt vì sẽ gây khô cổ, khi ngủ nên nằm đầu cao. Nếu đang đau họng, khàn tiếng, bạn hạn chế nói nhiều, không uống nước đá...
Trả lời câu hỏi của bạn Hồ Thanh Yên, 30 tuổi, Đà Nẵng Hỏi: "Xin hỏi bác sĩ. Tôi hay bị đầy bụng, khi nói chuyện thì mùi hôi miệng rất khó chịu. Có cảm giác khó chịu ở cổ và ngực thường xuyên và thỉnh thoảng tức ngực. Nếu để đói bụng lâu thì sẽ ợ chua và đi cầu lỏng. Xin hỏi những triệu chứng trên có phải là tôi đang bị GERD không? Chân thành cảm ơn bác sĩ!" Trả lời: Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng: Triệu chứng đầy bụng, hôi miệng, khó chịu ở cổ và ngực, ợ chua, đi cầu lỏng có thể gặp trong các bệnh lý sau đây: - Thường gặp nhất là do trào ngược dạ dày thực quản. - Ngoài ra cũng cần phải loại trừ những bệnh lý khác cũng có thể gây ra các triệu chứng như vậy như: viêm loét dạ dày, bệnh lý đại tràng, nhiễm ký sinh trùng đường ruột... Vì vậy, bạn cần đi khám để xác định chẩn đoán và điều trị hiệu quả.