Đưa con tới bệnh viện khám, người mẹ này bất ngờ khi bác sĩ kết luận con mắc bệnh vẩy cá bẩm sinh. Mới đây trên group dành cho các mẹ bỉm sữa, một bà mẹ đã đăng tải những hình ảnh làn da khô đến tróc vảy của con mình. Theo người mẹ này thì khi đưa bé đi khám da liễu, các bác sĩ thông báo bé mắc bệnh vẩy cá bẩm sinh. Nhìn những hình ảnh được đăng tải, rất nhiều bà mẹ bày tỏ sự thương cảm với em bé. Thời tiết lạnh càng khiến làn da khô cứng lại và bong tróc trông rất đáng sợ. Một số mẹ khuyên người mẹ này nên cố gắng chữa chị sớm cho con, bởi căn bệnh này khi lớn lên sẽ khiến trẻ rất tự ti, không dám giao tiếp với ai. Bệnh vẩy cá bẩm sinh Bệnh vảy cá bẩm sinh thông thường (Ichthyosis vulgaris) là một thể dạng thường gặp nhất ở bệnh vảy cá. Thể này thường hay gặp ở trẻ nhỏ, bệnh có tính chất di truyền trong gia đình. Bệnh này ảnh hưởng không nhiều tới sức khỏe, nhưng lại tác động nghiêm trọng đến yếu tố thẩm mỹ, khiến bệnh nhân mất tự tin. Bình thường nếu mắc bệnh vảy cá bẩm sinh thì bệnh sẽ biểu lộ ngay sau khi sinh, bé có làn da khô hơn so với bình thường, bé càng lớn thì biểu hiện càng rõ nét. Với những triệu chứng bệnh vảy cá điển hình là: da khô toàn thân (trừ các nếp gấp), bên trên xuất hiện nhiều vảy cá, bong nhẹ ở vùng rìa vảy. Các vảy phân bố liền nhau, và tập trung thành nhiều mảng lớn, trông như vảy cá, đặc biệt là ở hai cẳng chân. Cùng với đó là biểu hiện dày sừng nang lông ở mặt trước cánh tay, đùi, mông, lòng bàn tay… Nguyên nhân gây bệnh vảy cá Nguyên nhân từ bên trong - Do đột biến gen: Thông thường các tế bào da sẽ sinh ra và chết đi trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng tế bào đột biến sẽ sinh ra với lượng lớn gấp 10 lần tế bào da thông thường. Các tế bào da thừa sẽ bị bong tróc trên bề mặt da tạo thành những lớp vảy như vảy cá. - Do di truyền: Vảy cá là bệnh di truyền theo gen trội. Nếu cha mẹ mắc bệnh này thì có 50% nguy cơ di truyền đến đời con. Nguyên nhân từ bên ngoài - Môi trường: Điều kiện sống của bệnh nhân ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc vói khói bụi và không khí không trong lành khiến tình trạng da bị tổn thương và vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. - Hóa chất: Những người thường xuyên tiếp xúc với các chất hóa học có nguy cơ mắc bệnh vảy cá cao hơn người bình thường. Điều trị bệnh vảy cá ở trẻ em Khi phát hiện bé có các biểu hiện của bệnh vảy cá như da khô, bong tróc thành vảy có màu trắng xám thì cần đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị sớm. Nếu được điều trị tốt, bệnh thường không nặng thêm và có thể giảm dần, khỏi bệnh khi bé lớn dần. Để chăm sóc bé bị vảy cá, cần tập trung điều trị, khắc phục tình trạng da khô. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng loại thuốc bôi và sữa tắm dưỡng ẩm da phù hợp cho trẻ. Hàng ngày cần tắm rửa sạch sẽ cho bé, cho trẻ uống nhiều nước, ăn các thực phẩm dinh dưỡng như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… N.Q | VTC News Nguồn: http://lamchame.vn/tuong-da-con-kho-nut-ne-la-do-mua-dong-nao-ngo-la-mac-benh-kho-chua-nay-5819.html