Vì sao viêm phổi do vi khuẩn thường đi sau nhiễm virút?

Thảo luận trong 'Sức khoẻ của trẻ' bởi support, 30/10/2012.

  1. support

    support Super Moderator Staff Member

    Tham gia:
    7/11/2008
    Bài viết:
    8,184
    Đã được thích:
    3,690
    Điểm thành tích:
    2,113
    Với cảm cúm hay cảm lạnh thông thường, không thể chủ quan, vì sau khi nhiễm virút có thể sẽ nhiễm thêm vi khuẩn.

    Một số người bệnh lúc đầu triệu chứng sốt, sổ mũi, đau họng tưởng chỉ là như cảm cúm do virút hay do thời tiết lạnh thôi, nhưng sau vài ngày thì chuyển sang sốt cao hơn, ho, khạc đàm mủ, đau tức ngực. Sau đó, đi khám bác sĩ được cho làm xét nghiệm máu và chụp X-quang ngực mới biết bị viêm phổi do vi khuẩn.
    Virút làm rối loạn miễn dịch tế bào

    Khi người bệnh bị nhiễm virút đường hô hấp vì một nguyên nhân nào đó. Virút xâm nhập vào phổi và làm rối loạn hoạt động của lớp trụ lông, ức chế khả năng diệt khuẩn của đại thực bào phế nang, từ đó làm rối loạn miễn dịch tế bào. Ngoài ra, virút còn làm tăng tiết chất nhầy và làm thay đổi tính chất của chất hoạt động bề mặt (chất surfactant). Một khi hệ miễn dịch tế bào của người bệnh bị rối loạn vì virút thì người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi.

    [​IMG]

    Điều kiện thuận lợi gây viêm phổi do vi khuẩn sau nhiễm virút

    - Khi người bệnh đang nhiễm virút hít phải vi khuẩn trong không khí do người bệnh khác ho hoặc do dòng vi khuẩn từ mũi - hầu - xoang của chính bản thân xâm nhập hoặc hít các chất có chứa vi khuẩn như dịch dạ dày, dị vật, chất béo. Rất hay gặp ở người bệnh rối loạn thần kinh trung ương, nghiện rượu, còi xương, bệnh dạ dày thực quản, người già yếu suy kiệt, người già nằm liệt tại giường, người hôn mê, người mắc bệnh phải nằm điều trị lâu, người mắc bệnh mạn tính như (gan, thận, COPD, đái tháo đường, ung thư, bệnh máu ác tính, viêm xoang, viêm amidan…), người dùng các thuốc giảm miễn dịch dài ngày, người bị biến dạng lồng ngực - gù - vẹo cột sống.

    - Ngoài ra môi trường ô nhiễm, thời tiết lạnh, mùa đông, dầm mưa, lụt bão cũng góp phần nhiễm virút, từ đó có nguy cơ nhiễm thêm vi khuẩn gây viêm phổi.

    - Lưu ý không phải ai cũng bị viêm phổi do vi khuẩn sau nhiễm virút. Bởi vì, viêm phổi do vi khuẩn xảy ra phụ thuộc vào khả năng đề kháng đặc hiệu và không đặc hiệu của từng cá thể, đặc biệt là đại thực bào, số lượng và độc tính của vi khuẩn.

    Triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn

    Lúc đầu khi bị nhiễm virút, bệnh nhân có các biểu hiện viêm đường hô hấp trên do cảm cúm hoặc cảm lạnh như viêm họng, sốt, đau đầu, đau cơ, chảy mũi, ngạt mũi, ho khan. Sau một thời gian, bị nhiễm thêm vi khuẩn thì có biểu hiện của viêm phổi do vi khuẩn như sốt cao từ 390C trở lên, có thể kèm rét run, ho khạc đàm đục, đau ngực kiểu màng phổi (đau nông nhói, tăng khi hít sâu hoặc ho), có thể kèm khó thở. Bác sĩ nghe phổi người bệnh sẽ thấy ran nổ tại vùng phổi bị viêm, có thể có tiếng thổi ống hoặc cọ màng phổi. Chụp X-quang tim phổi thẳng và xét nghiệm máu và đàm cho thấy có bằng chứng bị viêm phổi do vi khuẩn.

    Phòng ngừa

    Để phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, cần thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà cửa, chống cảm lạnh tránh xa các người bệnh đang có triệu chứng hô hấp như ho, khạc, và luôn luôn có biện pháp bồi dưỡng, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Một số biện pháp chính:

    - Giữ ấm đầu, cổ, ngực trong mùa lạnh, mưa, lụt bão.

    - Không hút thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia.

    - Tiêm vắc-xin ngừa cúm.

    - Rửa tay thường xuyên.

    - Ăn uống hợp lý và thường xuyên luyện tập để tăng cường thể lực.

    - Điều trị tốt ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai mũi họng, nhất là viêm xoang có mủ, viêm amidan có mủ, viêm họng.

    - Điều trị tốt đợt cấp viêm phế quản mãn tính.

    - Trong trường hợp bị cảm lạnh hay cảm cúm do virút: trước tiên cần đến khám bác sĩ nội khoa. Sau đó, áp dụng thêm một số cách sau để tăng cường sức đề kháng là uống nhiều nước lọc, uống thêm nước cam, chanh hoặc bổ sung vitamin C để nâng sức đề kháng của cơ thể. Nhỏ nước muối sinh lý và súc miệng bằng nước muối. Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh ăn cay và nhiều dầu mỡ dễ gây kích thích làm tăng thêm sự khó chịu ở dạ dày. Uống thuốc đầy đủ, đến khám lại theo lời dặn của bác sĩ.

    BS.MẠNH HÀ
    Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi support
    Đang tải...


Chia sẻ trang này