Thông tin: Việc Giáo Dục Con Em theo Tinh Thần Nhân Bản

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi Hải Phạm, 22/12/2010.

  1. Hải Phạm

    Hải Phạm Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    24/11/2010
    Bài viết:
    1,025
    Đã được thích:
    1,555
    Điểm thành tích:
    1,013
    [​IMG]
    Các bậc cha mẹ ở Việt Nam cũng như các bậc cha mẹ tại Âu Mỹ thường có cùng quan niệm là muốn kiểm soát chặt chẽ con em mình từ khi chúng còn nhỏ cho đến suốt thời gian chúng ở trên ghế nhà trường. Các bậc cha mẹ muốn con cái phải làm theo ý muốn của mình hơn là theo ý muốn của chúng. Chính vì lý do này mà nhiều khi sự xung đột giữa cha me và con cái trở thành vấn đề nan giải và không có lối thoát. Việc này đã đưa đến việc trẻ bỏ nhà đi hoang và gây rối loạn cho gia đình và xã hội.

    Lối giáo dục ở Âu Mỹ cũng giống như ở Á Đông ta là các bậc cha mẹ thường cho rằng "trẻ con thì biết gì!" Vì thế phần đông cha mẹ thường không lắng nghe tâm sự cũng như nguyện vọng của trẻ mà chỉ bắt chúng làm theo ý của cha mẹ thôi.

    Trẻ em ở Âu Mỹ cũng giống như trẻ em Á Đông ta, chúng đều là "trẻ con cả."

    Chúng đều có khuynh hướng ham chơi, ham nghịch, trốn học, hỗn láo, và "nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò." Có một điều đặc biệt là việc dạy con và nuôi con ở Âu Mỹ khó khăn hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ở Âu Mỹ, trẻ em được luật pháp và xã hội hết sức che chở và bảo vệ đến nỗi phần đông các bậc cha mẹ cảm thấy hầu như mất hết quyền nuôi dạy con.

    Còn ở Việt Nam ta, cha mẹ và nhà trường có toàn quyền giáo dục con em. Chính vì điểm này mà trẻ em Việt Nam có vẻ ngoan hơn và dễ dạy hơn trẻ em Âu Mỹ. Trẻ em Âu Mỹ dễ hư hỏng và bỏ nhà đi hoang vì ỷ có luật pháp và xã hội giúp đỡ.

    Ngày nay vấn đề thiếu niên hư hỏng ở Bắc Mỹ này đã trở nên trầm trọng. Chính vì thế mà các nhà giáo dục, phụ huynh, và những cơ quan hữu trách về giáo dục đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp giúp vào việc giáo dục thiếu niên trong gia đình, ở học đường, và ngoài xã hội một cách hữu hiệu hơn.

    II. Vấn Đề Của Cha Mẹ và Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Để giáo dục con em theo tinh thần nhân bản, các nhà giáo dục có kinh nghiệm và các phụ huynh từng trải đã đưa ra những điều sau để giúp các bậc cha mẹ hiểu vấn đề của mình và vấn đề của các con hầu dạy bảo chúng hữu hiệu hơn và đồng thời cũng để ngăn ngừa những chuyện đáng tiếc xảy ra.

    1. Trăm Dâu Đổ Đầu Tằm

    a. Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Cha mẹ có khuynh hướng hay rầy la mắng chửi trẻ mỗi khi chúng có cái gì sai hay hư hỏng. Các con em cảm thấy chúng giống như mục tiêu để người lớn nhắm vào mà đổ lỗi, ngay cả khi những điều đó không phải do chúng gây ra. Chúng cảm thấy cha mẹ có độc quyền được bực tức mỗi khi có điều gì không vừa ý và trút những bực tức này lên đầu chúng.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Không có lý do nào hậu thuẫn cho việc khi cha mẹ tức giận lại nhằm người thân yêu của mình, như con cái chẳng hạn, để đổ bực tức lên đầu chúng. Không nên đổ lỗi cho con em. Không nên đánh mắng chúng dù vấn đề có nghiêm trọng thế nào hay mình có bực tức đến đâu đi nữa vì đã là trẻ em thì chắc chắn phải mắc lỗi lầm. Đó là lẽ tất nhiên trong nhu cầu học hỏi và là một phần cần thiết cho việc trưởng thành.

    Các bậc cha mẹ không nên ngạc nhiên hay cảm thấy bị thương tổn khi những điều tệ hại do con cái gây ra bởi vì chính mình đã chuốc lấy những điều phiền phức này khi bước chân vào đời sống gia đình và có quyết định lập gia đình với mục đích chính là sinh con để nối dõi tông đường.

    Vấn đề ở đây là xem những điều gì con cái có thể rút tỉa từ các sai lầm hư hỏng do chúng gây ra và vai trò của con cái trong việc tạo ra các điều tệ hại này như thế nào? Tại sao chúng lại làm như thế? Có thể ngăn ngừa được không? Cha mẹ chỉ nên khuyên giải, an ủi, theo dõi, và giúp đỡ. Đây mới chính là vấn đề quan tâm cần phải giải quyết.

    2. Ước Vọng Không Thực Tế

    a.Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Trong các cuộc thăm dò về ước muốn và tâm sự của trẻ, những nhà giáo dục nhận thấy hầu hết các em đều thổ lộ rằng cha mẹ chúng có những ước vọng không thực tế. Cha mẹ nào cũng mong muốn con em có cuộc đời tốt đẹp, thành đạt hơn, và hạnh phúc hơn. Đây quả thực là tâm hồn cao thượng của các bậc cha mẹ. Đã có những bậc cha mẹ chỉ muốn các con trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư, hay lực sĩ chuyên nghiệp. Họ muốn chúng phải đạt điểm cao, nổi tiếng, và xuất sắc về mọi môn học từ âm nhạc đến văn chương, toán pháp, khoa học, và thể dục thể thao. Ngay các bậc cha mẹ cũng không thể đạt được những điều này nên cha mẹ bắt các con cố đạt những gì mà khi còn nhỏ cha mẹ đã từng mơ tới nhưng không thực hiện được.

    Các con em còn than phiền là cha mẹ thường chỉ muốn chúng vâng lời. Chúng có lý ở điểm này. Thường thì cha mẹ ra lệnh cho các con làm những gì họ muốn và không muốn chúng cãi lại hay góp ý. Lý do chính là các bậc cha mẹ tự cho mình hiểu biết hơn các con và để tránh mất thì giờ vì quá bận việc làm ăn.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Điều quan trọng là con cái có cố gắng hết sức để học hỏi ở trường không, chứ không phải là điểm cao hay thấp do chúng đạt được. Điểm quan trọng khác là chúng thích chơi thể dục thể thao và có bạn bè tốt, chứ không nhất thiết phải trở thành những ngôi sao nổi tiếng về thể thao hay vô địch trong các cuộc đua tài.

    Các nhà giáo dục nhận thấy rằng những trẻ nào hoàn tất công việc được giao phó trong khoảng từ 60 đến 80 phần trăm đều có tinh thần cộng tác một cách tích cực và thông minh. Cần phải khuyến khích tinh thần cộng tác này. Nếu cha mẹ muốn chúng hoàn tất trách nhiệm ở mức cao hơn nữa thì sẽ đưa đến tình trạng bắt trẻ phục tùng, không mấy tốt đẹp. Đó là bắt trẻ làm vì tiện nghi của cha mẹ chứ không phải vì hạnh phúc và tương lai của chúng. Đó là ta dạy trẻ phải cúi đầu trước quyền uy và bạo lực mà không được thắc mắc, khiếu nại, hay không được nghĩ tới mình mà chỉ biết có vâng lời mà thôi. Đây là điều mà các bậc cha mẹ nên tránh.

    Không nên dạy con em trở thành kẻ nô lệ. Cha mẹ nên dạy con cái về luân lý, về các quyền được hưởng, và về cách thức cũng như khi nào cần phải biết bất tuân lệnh những người có thẩm quyền. Đó mới là cách dạy con cái thành người hữu dụng với tinh thần hãnh diện và tự hào để làm chủ lấy mình.
    Các nhà giáo dục còn nhận thấy rằng nếu trẻ em hoàn tất công việc được giao phó thấp hơn 60 phần trăm đều có vấn đề nghiêm trọng trong đời sống sau này của chúng.

    3. Coi Thường Trẻ

    a.Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Nhiều bậc cha mẹ muốn biết quá nhiều về đời sống riêng tư của con cái mà không tôn trọng nhu cầu riêng tư thầm kín và nhu cầu làm chủ cuộc đời của các con. Cha mẹ thường cố ép buộc con cái nghe theo lời khuyên bảo của mình ngay cả khi chúng không muốn nghe vì quá chán ngấy những lời khuyên đó vì "khổ lắm biết rồi nói mãi." Hơn nữa, lúc nào cha mẹ cũng muốn can thiệp vào mọi sinh hoạt của con em. Nhiều trẻ có óc tự lập ngay từ khi còn nhỏ, chúng chỉ muốn tự mình làm lấy những gì chúng định làm. Chúng sinh ra chán nản và bực tức mỗi khi có sự can thiệp của cha mẹ mà chúng chưa cần đến.
    Trẻ con muốn tự mình thử làm trước khi cha mẹ chỉ bảo cách làm. Con cái than phiền rằng cha mẹ không để chúng tự làm lấy mà chưa chi đã dạy bảo cách làm nên chúng rất bực tức vì có cảm tưởng rằng cha mẹ coi chúng là đần độn, vô dụng, và tùy thuộc. Các bậc cha mẹ, nhất là những người có giáo dục, thường nổi tiếng về việc giúp đỡ con cái thái quá. Một số cha mẹ không thể chịu được khi nhìn thấy con mình quá vất vả để hoàn thành một công việc nên đã nhảy vào giúp đỡ.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Mỗi khi thấy con cái tỏ ra cố gắng phấn đấu để vượt qua một trở ngại, ngay cả khi thấy chúng cần sự giúp đỡ hay lời khuyên bảo để giải quyết vấn đề, các bậc cha mẹ nên để chúng tự làm lấy trước đã chứ không nên tự tiện "nhảy bổ vào" để giúp đỡ.

    Trẻ em ngày nay ở Âu Mỹ đã có nhiều nơi để nhờ giúp đỡ khi gặp khó khăn, chẳng hạn như bạn bè, thầy cô giáo, cán sự xã hội, và bác sĩ gia đình. Chính vì vậy mà đã có nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn và chán nản trong việc khuyên răn con cái vì nhận thấy quyền tuyệt đối của họ đối với con cái như trước kia không còn nữa. Vấn đề chính ở đây là cha mẹ chưa hiểu và thông cảm được hoàn cảnh mới, lỗi tại cha mẹ chứ không phải tại con cái. Trong hoàn cảnh như thế, cha mẹ cần phải thực sự tôn trọng quyền riêng tư của con cái để tránh phiền hà.

    Các nhà giáo dục thời nay nhận thấy rằng chỉ khi nào trẻ muốn cha mẹ giúp đỡ hay khuyên bảo thì lời khuyên bảo của cha mẹ mới có tác dụng hiệu quả. Các bậc cha mẹ cần phải đợi khi trẻ sẵn sàng nghe và chúng cần sự giúp đỡ hãy khuyên bảo và giúp đỡ. Nếu không, thì lời khuyên của cha mẹ sẽ vào tai nọ rồi ra tai kia. Khi nào trẻ tự nguyện đến nhờ vả hay khi chúng tâm sự với cha mẹ về những khó khăn gặp phải thì lúc đó chính là lúc hữu hiệu nhất để khuyên bảo và đưa giải pháp để giúp trẻ.

    Tuy nhiên, trong trường hợp con cái chán nản, thất vọng, và buồn rầu đến nỗi sa sút tinh thần, trễ nải việc học, không ăn ngủ điều độ, bê bối về việc giữ gìn vệ sinh và sức khỏe, không thiết gặp bè bạn, hay có cái gì bất thường, các bậc cha mẹ không thể để kệ chúng mà phải "bước vào" vấn đề để tìm cách giúp đỡ chúng cho kịp thời. Nếu gặp khó khăn, cha mẹ phải nhờ những chuyên viên như bác sĩ gia đình hay thầy cô của chúng để giúp đỡ giải quyết vấn đề.

    Trong trường hợp bình thường, chúng ta nên khuyến khích trẻ tự lập và chịu trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề cũng như tự ý thức lấy những việc chúng làm và những nơi chúng đến để giao thiệp, miễn là cha mẹ thấy không có gì nguy hiểm cho chúng là được.

    Nếu con cái có làm gì lầm lẫn hay thất bại một chút cũng không sao vì có gặp thất bại, thành công mới càng rực rỡ. Hãy mạnh dạn để chúng tự làm lấy. Tuy nhiên, cha mẹ phải sẵn sàng giúp đỡ khi con cái cần tới. Nếu có giúp đỡ, cha mẹ nên chỉ cách làm chứ không nên làm hộ.

    Phương pháp giảng dạy ở học đường ngày nay đều theo chiều hướng khuyến khích trẻ tự lập và tự làm lấy ngay từ những năm tiền học đường. Thầy cô chỉ là người hướng dẫn và trông chừng, chứ không bao giờ làm hộ cho học sinh. Hãy để các con em tự làm, tự giải quyết mọi vấn đề, và có quyền tư riêng. Làm như thế, không có nghĩa để chúng luông tuồng, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, muốn ngủ đâu thì ngủ, hay muốn đi học hay không cũng được.

    Cha mẹ cần phải có gia pháp rõ ràng cho các con lấy đó mà theo, thí dụ như giờ nào phải học bài, giờ nào giúp việc nhà, giờ nào phải có mặt ở nhà, và nhất là khi có ngủ qua đêm ở đâu, phải báo cho cha mẹ giờ đi giờ về và số điện thoại nơi đó để liên lạc khi cần. Đi chơi đâu, các con phải xin phép cha mẹ trước; đi đến nhà ai hay đi chơi với ai cũng phải nói cho cha mẹ biết; đi đến nơi về đến chốn; và sau giờ học ở trường phải về ngay nhà, v.v.

    4. Độc Tài Độc Đoán

    a. Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Hầu hết các trẻ em, khi được hỏi về thái độ của cha mẹ, đều nói rằng cha mẹ chúng không muốn chúng chịu trách nhiệm mà chỉ muốn chúng làm ngay những công việc được giao phó. Chúng cảm thấy bị cha mẹ ra lệnh một cách độc đoán để làm ngay các công việc trong nhà khi chúng chưa cảm thấy cần thiết phải làm ngay lập tức. Do đó mà chúng bực tức vì cảm thấy có sự bất công đối với chúng.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Nếu con cái đang chơi bóng ở sân hay đang bận nói chuyện bằng điện thoại trong nhà mà cha mẹ bảo chúng mang rác ra ngoài hay đi rửa bát đĩa thì chúng sẽ trả lời: "Để chút nữa con làm." Chúng trả lời như thế vì cảm thấy chưa cần thiết phải rửa bát chén hay đem rác ra ngoài ngay lập tức, còn thì giờ cơ mà.
    Trong trường hợp trên, có một số cha mẹ sợ con cái mải chơi và mải nói chuyện với bạn bè qua điện thoại rồi quên không mang rác ra ngoài hay quên rửa bát nên bắt chúng phải ngừng ngay việc nói chuyện hay thôi chơi banh để đi làm việc. Nếu con cái không làm ngay, cha mẹ sẽ quát tháo mắng chửi, và con cái sẽ cãi lại. Thế là cả một vấn đề lôi thôi.

    Việc cha mẹ cứ nằng nặc đòi hỏi con cái phải làm ngay lập tức chỉ cốt để cho cha mẹ yên lòng, chứ không nghĩ gì đến sự tiện nghi của con cái. Đây là thái độ có vẻ ích kỷ và bất công đối với con cái.

    Trong trường hợp trên, cha mẹ nên dặn các con: "Khi nói chuyện xong hay chơi banh xong thì nhớ rửa bát chén hay nhớ bỏ rác ra ngoài cho má nghe!" Như thế thì thật là đẹp! Nên cho chúng có sự co giãn để lo công việc. Tuy nhiên, không thể để chúng hoàn toàn tự do định liệu muốn làm lúc nào thì làm. Nên giải thích cho chúng biết không bao giờ để đến ngày mai những việc có thể làm được hôm này.

    Trẻ thường có tính hay quên những gì chúng có bổn phận làm mà không thích thú hay không có lợi ngay cho chúng. Tệ hơn nữa là chúng cho việc quên này là lý do để bào chữa cho việc không làm tròn bổn phận. Đôi khi chúng nói là chúng không hiểu phải làm ngay mới được. Chúng không hiểu rằng quên làm những gì cha mẹ đã dặn, không quan trọng đối với chúng, nhưng là điều bất hiếu và vô lễ đối với cha mẹ. Nếu để cho trẻ hoàn toàn tự do làm hay không làm thì công việc không bao giờ hoàn thành.

    Các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ có kinh nghiệm đều nhận thấy rằng cần thương lượng với trẻ về phần vụ phải hoàn tất, thời hạn phải hoàn tất, và trách nhiệm phải hoàn tất. Đây mới là kế thượng sách để giúp trẻ hoàn thành công việc được giao phó.

    5. Nóng Giận, Gắt Gỏng, và Đánh Đập Trẻ

    a. Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Có nhiều bậc cha mẹ hay nổi giận, quát tháo, thậm chí còn đánh đập trẻ mỗi khi chúng làm điều gì sai lầm, nhất là khi cha mẹ đã nhắc nhiều lần mà trẻ vẫn mắc phải. Chẳng hạn như đã có những bậc cha mẹ chửi con như sau: "Tao đã bảo mày nhiều lần rồi, sao mày không nghe. Đồ con mất dạy." Những sự quát tháo như vậy chỉ làm cho trẻ cảm thấy bị áp bức kiềm tỏa.

    Sự quát tháo nóng nẩy của cha mẹ, nếu cứ diễn ra đều đều, sẽ làm phương hại tới sự liên hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Điều này có nghĩa là nếu ta cứ nóng giận hay quát tháo, trẻ sẽ phải chịu đựng, bào chữa, hay chống lại. Tất cả các điều này, nếu xảy ra đều, sẽ không tốt đẹp cho cả hai bên và có khi còn phải "vô phúc đáo tụng đình" nữa.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Các nhà giáo dục và một số phụ huynh có kinh nghiệm đều nhận thấy việc quát tháo con cái không giúp ích cho việc dạy trẻ cả. Nếu trẻ làm sai hay mắc phải lỗi lầm, cha mẹ nên ngọt ngào khuyên bảo, nói chuyện thân mật với chúng để tìm hiểu và giúp chúng cải tiến. Nếu nóng giận quá, cha mẹ nên cần thời gian cho nó nguội đi, bình tĩnh lại, và bảo con cái là mình sẽ nói chuyện với chúng sau.

    Khi nóng giận và la hét trẻ, cha mẹ không thể làm cho chúng lắng nghe mà chúng còn tìm cách bào chữa và cãi lại một cách vô lễ nữa. Khi bình tĩnh, cha mẹ mới sáng suốt, nói chuyện mới hợp tình hợp lý, và con cái mới lắng nghe và có cơ hội trình bày ý kiến của chúng. Có đối thoại bình tĩnh, đôi bên mới thông cảm nhau và vấn đề được giải quyết ổn thỏa.

    Có trường hợp cha mẹ càng quát tháo, trẻ sẽ học cách quát tháo đó để quát tháo lại cha mẹ cốt để lấy phần thắng về mình và để làm cho cha mẹ "câm miệng" lại. Nếu trường hợp này xảy ra thì cả là một điều tệ hại đáng tiếc. Cha mẹ quát tháo con cái tức là đã không tôn trọng nhân vị và tư cách của trẻ mà còn làm gương xấu cho trẻ nữa. Chúng lại sẽ quát tháo con cái chúng sau này. Nên nhớ rằng đối thoại trong ôn hòa cởi mở, kính trên trọng dưới, và lắng nghe nhau, chúng ta mới đạt tới kết quả tốt đẹp được.

    6. Bất Cứ Ai Cũng Có Lúc Sai Lầm

    a. Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Có nhiều bậc cha mẹ không chịu nhận lỗi khi lầm lẫn, sợ rằng làm như thế sẽ khó dạy các con. Nhiều bậc cha mẹ có lỗi nhưng cho mình cái quyền có lỗi, không làm gương cho trẻ mà còn mắng chửi chúng để át cái lỗi của mình đi, và coi đó là việc của người lớn.

    Có một số cha mẹ không giữ lời đã hứa mà đôi khi còn nói dối trẻ nữa. Con cái hiểu hết những hành động và lời nói của cha mẹ mà chúng không muốn nói ra thôi. Những điều này làm trẻ hoang mang và trở nên bướng bỉnh khó dạy và coi thường cha mẹ.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Khi có lỗi, cha mẹ hãy nhận lỗi dù là đối với con cái ở tuổi tiền học đường. Chẳng hạn như nhận lỗi bằng cách nói: "Má có lỗi với con, má lấy làm buồn lắm, má xin lỗi con. Lần tới má sẽ không để việc này xảy ra nữa!"

    Thật cả là phép nhiệm mầu của lời xin lỗi! Trẻ đang khóc mà mẹ ôm vào lòng và xin lỗi chúng, chúng sẽ nín ngay và mỉm cười sung sướng. Xin lỗi có tác dụng rửa sạch mọi tức giận trong lòng và làm hai bên thân yêu nhau hơn để bắt đầu tấm thịnh tình mới tươi mát hơn. Cha mẹ xin lỗi con cái còn làm trẻ cảm thấy cha mẹ không độc đoán, không lấy quyền người lớn để uy hiếp chúng mà còn tỏ ra tôn trọng chúng nữa. Đây là tinh thần giáo dục nhân bản vậy.

    Quan trọng hơn hết trong việc nhận lỗi và xin lỗi là cha mẹ đã làm gương cho con cái trong việc nhận lỗi và xin lỗi. Ngoài ra, việc này còn dạy chúng cách đối xử với tha nhân cũng như thế, tức là biết nhận lỗi mỗi khi chúng có gì sai quấy. Bất cứ ai cũng có lúc sai lầm, sai lầm mà nhận là mình sai thì mối liên hệ giữa những người trong gia đình cũng như mối liên hệ với tha nhân mới được cải thiện. Nhận sự sai lầm của mình và xin lỗi người không có gì là xấu cả mà còn làm tăng giá trị con người của ta thêm. Đó là người biết phục thiện.

    7. Không Tôn Trọng Ý Kiến Trẻ

    a. Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Cha mẹ thường hay độc đoán. Khi có điều gì mà trẻ không đồng ý, cha mẹ thường hay lấy quyền cha mẹ để ép buộc chúng nghe theo. Chẳng hạn như đã có những bậc cha mẹ nói với con: "Tao đã bảo mày như vậy, phải nghe, không được cãi!" Việc này thể hiện tinh thần độc đoán và không tôn trọng ý kiến của trẻ.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Nên nhớ một điều là không phải ý kiến của mình luôn luôn đúng và ý kiến của trẻ luôn luôn sai. Trẻ có lý của trẻ, người lớn có lý của người lớn. Khi có sự bất đồng ý kiến với con cái, cha mẹ nên lắng nghe chúng trình bày và tôn trọng ý kiến của chúng. Đây là tinh thần dân chủ mà cha mẹ cần phải tập cho con cái ngay từ trong ngưỡng cửa gia đình để sau này chúng mới có tinh thần dân chủ khi làm việc ngoài xã hội.

    Chúng tôi đã chính mắt thấy có một số cha mẹ áp dụng tinh thần dân chủ để dạy các con của họ. Hiện nay chúng đều khôn lớn trong tinh thần dân chủ và đều thành công ngoài xã hội.

    Cha mẹ phải lắng nghe chúng một cách chân thành, chứ đừng làm cho có lệ rồi vẫn bắt trẻ nghe theo mình. Lắng nghe chân thành có nghĩa là sau khi nghe trẻ trình bày, ta phải suy nghĩ về vấn đề đó để xem có thể chấp nhận ý kiến của trẻ hay không, thảo luạän với chúng cho ra lẽ, hay dùng biện pháp dung hòa ý kiến của trẻ và của cha mẹ. Đây là tinh thần giáo dục nhân bản vậy.

    Đừng bao giờ vì tự ái và lấy quyền làm bố mẹ mà đàn áp ý kiến của trẻ hay ra lệnh cho chúng phải nghe theo ý của mình. Nếu bị đàn áp, trẻ sẽ "khẩu phục mà tâm bất phục," rất có hại cho sự phát triển cảm xúc và trí thông minh của trẻ sau này.

    Chẳng may buột miệng nói ra những gì mà chính mình thấy vô lý, cha mẹ cũng nên tự ý rút lại. Chính cha mẹ cũng nên tự hiểu là không phải mình luôn luôn đúng đâu. Khi mình làm gì để trẻ cảm thấy bực bội, nên giải thích hay rút lại lời nói của mình. Như thế, trẻ sẽ cảm thấy chúng được tôn trọng, được để ý, và được thương yêu. Tuy nhiên, không nên để trẻ lợi dụng hầu đòi cho được những gì không hợp tình lý. Con cái rất khôn ngoan và biết lợi dụng lòng thương yêu của cha mẹ.

    Cha mẹ cần phải rõ ràng, gia pháp là gia pháp, việc học là việc học, và việc chơi là việc chơi. Những việc liên quan tới sự giúp đỡ trong gia đình, việc học, trật tự ngăn nắp, lễ phép, hiếu thảo, kính nhường, giữ gìn sức khỏe và vệ sinh, v.v. đều phải được minh bạch giảng giải cho trẻ để chúng tự nguyện làm theo. Việc này không thể sao lãng được.

    8. Buồn Phiền và Thất Vọng Về Con Cái

    a. Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Có một số cha mẹ rất buồn phiền về những lời nói vô lễ, khiêu khích, và có vẻ bất hiếu của con cái. Từ đó, cha mẹ sinh ra chán nản và có khi từ bỏ con cái. Vấn đề của cha mẹ ở đây là thiếu kiến thức về tâm lý của con cái và không biết cách đối xử với chúng.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Các nhà tâm lý giáo dục đều nhận thấy rằng nhiều trẻ trêu tức bố mẹ vì bố mẹ làm chúng bực tức. Đôi khi chúng cãi lại và nói lời hỗn láo một cách bất hiếu như: "Bố dã man quá!" Có đứa còn nói: "Mẹ tàn nhẫn quá! Cứ đến bữa cơm là chửi con, con không thể nào nuốt được!" Đây là phản ứng tự nhiên của trẻ, không phải là chúng cố tình như thế.

    Trong trường hợp như trên, không nên có phản ứng tiêu cực ngay mà nên cho nó qua đi để sau này có dịp sẽ giảng giải cho chúng hiểu. Cha mẹ càng chửi mắng, con cái càng cãi hỗn láo. Vô tình cha mẹ làm cho chúng đi sâu vào sự hỗn láo, vô lễ, và bất hiếu nhiều hơn. Giận mất khôn là vậy. Nên nói với các con là: "Con hãy suy nghĩ lại những lời đã nói, bố có chút việc cần làm ngay. Tối nay bố con mình sẽ bàn chuyện này sau." Mục đích lời nói này là làm cho không khi bớt căng thẳng để hai bên có thì giờ suy nghĩ lại.

    Nói chuyện trong ôn hòa bao giờ cũng có kết quả tốt đẹp hơn. Thực sự thì tuổi trẻ hay bồng bột, gặp đâu nói đấy. Các con chỉ phản ứng thiếu suy nghĩ mà thôi. Chúng thực không có lòng hỗn láo như vậy. Hãy quên và tha thứ cho chúng, đừng chấp nhất các con, và đợi dịp thuận tiện hãy nói ngọt ngào khuyên bảo chúng trong tình thương yêu đầm ấm. Mọi việc sẽ đâu vào đấy.

    9. Quá Tò Mò và Làm Mất Mặt Tr

    a. Vấn Đề Của Cha Mẹ

    Có một số cha mẹ làm mất mặt con cái hay làm cho con cái phải bối rối thẹn thùng trước mặt bạn bè của chúng. Một số phụ huynh lại quá tò mò về tâm tư tình cảm của con em mình và muốn kiểm soát chặt chẽ từ hành động đến tư tưởng của con em. Những điều này, nếu xảy ra, chỉ làm hại cho mối thân tình giữa cha mẹ và con cái mà thôi. Kết quả là trẻ sẽ bỏ nhà ra ở riêng, sống nhờ tiền trợ cấp xã hội, ăn chơi bụi đời, hoàn toàn tự do mà tương lai đen tối.

    b. Phương Thức Đề Nghị Giải Quyết

    Con cái sống ở đất Bắc Mỹ này không muốn cha mẹ quá tò mò vào đời tư của chúng, chẳng hạn như hỏi về bạn trai bạn gái của chúng và kiểm soát mọi tư tưởng cùng hành động của chúng. Vậy các bậc cha mẹ không nên quá thắc mắc tò mò về những việc này. Tuy cha mẹ không nên quá tò mò, nhưng cũng phải xem có gì cần phải góp ý với chúng không. Nếu góp ý, phải góp ý một cách kín đáo và tế nhị mới được.
    Từ cổ chí kim và từ Âu tới Á, các nhà giáo dục đều đồng ý là trẻ em sợ nhất là sự mất mặt, nhất là mất mặt với bạn bè, đặc biệt là bạn trai hay bạn gái của chúng. Nếu bị mất mặt, con cái sẽ có phản ứng khốc hại không thể lường được. Vậy cha mẹ không nên phê bình hay khuyên bảo con cái trước mặt bạn bè của chúng. Không nên nói với bạn bè của các con về những chuyện kỳ cục nực cười hồi chúng còn nhỏ, nhất là với bạn trai hay bạn gái của chúng. Ngay cả việc khoe khoang con cái mình với bạn bè của chúng lại càng phải tránh. Việc khoe khoang này sẽ làm cho con mình ngượng và xấu hổ với bạn bè.

    Khi các con có bạn đến chơi, cha mẹ cũng không nên hỏi bạn của chúng về chuyện đời tư, chẳng hạn như hỏi chuyện về bạn trai bạn gái hay gia cảnh của chúng. Cha mẹ chỉ nên tiếp chuyện qua loa với các bạn của con rồi để cho các con và bạn bè của chúng được tự do trò chuyện.

    Con em mình cũng biết xấu hổ về những chuyện không mấy tốt đẹp trong gia đình mà chúng gọi là "family secret." Chúng không muốn để những chuyện này cho người ngoài biết. Vậy các bậc cha mẹ nên cố giữ sao cho gia đình được tốt đẹp về mọi mặt để cho con cái có thêm phần hãnh diện.

    III. Kết Luận

    Trẻ con không có ác ý. Những điều lầm lỗi chúng phạm phải đều là lẽ đương nhiên phải có để phát triển và khôn lớn thành người. Trong rất nhiều trường hợp, trẻ không có ý muốn phạm lỗi, chỉ lỡ làm hay làm do ngoài ý muốn của chúng mà thôi. Ngay cả khi con cái đã được nuôi dạy khôn lớn và thành đạt rồi, nếu cha mẹ có làm điều gì mà các con cảm thấy xấu hổ, thất vọng, hay thiệt đến quyền lợi của chúng, chúng vẫn còn hỗn láo và có cử chỉ cùng lời nói bất hiếu. Nếu điều này xảy ra, các bậc cha mẹ cũng đừng buồn.

    Chúng hỗn láo và có cử chỉ cùng lời nói bất hiếu là vì chúng quá thất vọng về những gì cha hay mẹ đã làm. Điều này cũng dễ hiểu vì "Bề trên ở chẳng chính ngôi, để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào." Ngoài ra, những đứa con có thái độ như thế cũng tại vì bố hay mẹ không biết khuyên bảo và giải nghĩa cho các con. Chúng có thái độ không phải với mẹ thì bố phải giải nghĩa cho chúng biết, chẳng hạn như: "Dù sao chăng nữa, mẹ cũng là mẹ của các con, đã dày công mang nặng đẻ đau, và nuôi các con khôn lớn. Các con có ngày nay phần lớn là nhờ công mẹ. Các con không nên có thái độ với mẹ như vậy kẻo về sau hối không kịp. Chính bố cũng rất buồn về thái độ của các con đối với mẹ."

    Đây là một nghệ thuật để cha mẹ cộng tác dạy bảo các con. Chúng hỗn láo với người này thì người kia đứng ra giảng dạy cho chúng một cách ngọt ngào thì có hiệu quả hơn. Điều quan trọng là phải hiểu rằng dù thế nào các con vẫn yêu mến cha mẹ. Vì yêu vì kính mà chúng đôi khi có cử chỉ hỗn láo mà không biết, chúng không có hậu ý. Cha mẹ cần phải tha thứ mà không nên chấp nhất các con. Có như thế, tâm hồn cha mẹ mới được thoải mái, tự nhiên con cái sẽ phải ăn năn, và mọi việc sẽ tốt đẹp.

    Một nhà giáo dục và tâm lý học đã có nhận xét rằng con cái hỗn láo và hư hỏng là do lỗi ở cha mẹ không biết dạy con cái mà thôi. Con vật vòn dạy được huống chi là con người, nhưng phải dạy các con từ khi chúng còn nhỏ mới có kết quả. Tục ngữ ta có câu "bé chẳng vin, cả gãy cành" là vậy. Chính vì thế mà nếu con cái có hỗn, cha mẹ cũng không nên buồn phiền và trách móc các con. Nên tự trách mình là điều tốt nhất. Hiểu được như thế, các bậc cha mẹ sẽ không thấy ngạc nhiên khi con cái hỗn láo với mình. Ngoài ra, người xưa đã nói "trăng đến rằm sẽ tròn." Đừng quá lo buồn về việc con cái hư hỏng.

    Theo nhà Phật, các con tuy đã khôn lớn hiểu biết, nhưng "tham sân si" của chúng chưa gột rửa được. Đã có "tham sân si" thì "Phật tánh " bị màn "vô minh" che lấp nên mới cho cái phụ là cái chính và cho cái giả là cái chân. Chỉ vì chúng có quá nhiều "ái, thủ, hữu" nên sinh ra "vọng động." Chúng chưa hiểu rằng: "Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế." Chúng cũng chưa hiểu được chữ hiếu là rường cột mọi nết ăn ở trên đời. Cha mẹ và anh em mình mà mình không có hiếu đễ thì mình còn tốt với ai và giúp ích ai được! Vì còn quá nhiều "tham sân si" và "ái thủ hữu" nên các con mới có những hành động bất hiếu như hỗn láo và cãi lại cha mẹ. Nên thông cảm chúng mà từ từ dạy bảo chúng.

    Người xưa có nói: "Có con phải khổ vì con, có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng." Câu này rất đúng trong việc nuôi dạy con cái. Cha mẹ cần phải hiểu, thông cảm, và tha thứ cho các con. Nên vui vẻ và chấp nhận cái khổ hay cái "oan gia" đó thì sẽ không cảm thấy khổ. Muốn con cái ngoan ngoãn và nghe lời dạy bảo, cha mẹ đừng bao giờ dồn cho chúng vào chân tường. "Chó cùng cắn giậu" là vậy.

    Bất cứ cái gì cũng phải học mới biết. Nghệ thuật nuôi dạy con cái là cả một công trình. Nếu không biết, cha mẹ phải tự tìm hiểu bằng cách xem sách báo, nghiên cứu lấy, hay đi dự các cuộc hội thảo về vấn đề nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, điều căn bản vẫn là phải thương yêu, tha thứ, và đừng chấp nhất những gì các con nói hay làm. Lời nói hỗn láo hay hành động vô lễ của các con chỉ là phản ứng nhất thời, chúng không có hậu ý.

    Tiếp đến là phải tìm hiểu các con bằng cách lắng nghe chúng trình bày, tôn trọng ý kiến của chúng, và xử sự cho hợp tình hợp lý, chứ đừng lấy quyền làm cha mẹ để có thái độ độc đoán và cưỡng ép các con phải tuân theo lệnh của mình.

    Cách giáo dục con cái tốt nhất là làm gương cho chúng. Lời nói và việc làm của cha mẹ phải đi đôi với nhau thì mới mong việc dạy bảo con cái có kết quả được. Người xưa có câu "Dĩ ngôn vi giáo, dĩ thân vi giáo" là vậy. Sao cho các con phải "khẩu phục tâm phục" thì cha mẹ mới mong thành công trong việc giáo dục các con được. Muốn trẻ "khẩu phục tâm phục," cha mẹ phải bày tỏ tình thương yêu chân thành với chúng một cách cụ thể.

    Dạy trẻ vì tương lai và hạnh phúc của chúng chứ không vì mình. Ta phải tùy theo khả năng và sở thích của trẻ mà hướng dẫn cho chúng phát triển thuận lợi.

    Ngoài ra, ta phải tôn trọng ý kiến của trẻ, cần phải nhận lỗi nếu cha mẹ có lỗi với trẻ và phải đặt địa vị mình vào địa vị trẻ để thông cảm và hướng dẫn chúng. Đây là phương pháp giáo dục nhân bản vậy.


    Nguồn: www.calitoday.com
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Hải Phạm
    Đang tải...


Chia sẻ trang này