"Viện phí cứ chạy, chất lượng chữa bệnh cứ ngồi?"

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi webmaster, 28/7/2010.

  1. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Tại sao bây giờ tăng viện phí, có tiền nhiều hơn, lại nói rằng chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố khác, không riêng gì viện phí?

    Người nghèo run sợ...

    Một trong những đối tượng "sợ" viện phí tăng nhất là người nghèo - cận nghèo, người mắc bệnh mãn tính hiểm nghèo, nhất là người vừa nghèo, lại vừa mắc bệnh hiểm nghèo.

    Bộ Y tế khẳng định việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng đến khoảng 62,5 triệu dân (chiếm khoảng 72% dân số) gồm: 21 triệu người nghèo; 9,5 triệu em dưới 6 tuổi; các đối tượng chính sách xã hội, hưu trí, người làm công ăn lương, thân nhân sĩ quan tại ngũ, cựu chiến binh bởi các đối tượng này đã được Nhà nước bảo đảm mua thẻ BHYT.

    Nhưng cách "trấn an" này vẫn khiến người nghèo như "ngồi trên đống lửa", bởi theo quy định của luật BHYT, người nghèo vẫn phải cùng chi trả từ 5% đến 20% chi phí khám chữa bệnh. Chưa hết, luật BHYT cũng khống chế mức thanh toán tối đa cho một lần điều trị là không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu (tương đương khoảng tối đa 28 triệu đồng/đợt điều trị).

    Lấy một ví dụ cụ thể: Tại khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai), bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đã chạy thận được 7 năm nay. Mỗi tháng, bình quân chị Ngọc chạy thận 13 lần, mỗi lần hết không dưới 500.000 đồng. Tính trung bình, mỗi năm tiền điều trị của chị Ngọc hết xấp xỉ 80-90 triệu.

    [​IMG]
    Tăng viện phí khiến người nghèo như ngồi trên đống lửa. Ảnh minh họa

    Chị Ngọc phải cùng chi trả 5%, tức mỗi năm phải mất thêm gần 20 triệu (chưa kể chi phí gián tiếp như ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại, vv...). Số tiền này, đối với một người nghèo, là lớn hay nhỏ? Đấy là chưa kể đến việc có những gia đình có tới 2 người cùng chạy thận tại cùng một bệnh viện và cùng phải chi trả mức 5% như trên.

    "Tôi cảm thấy thực sự lo lắng", chị Ngọc giãi bày.

    Hiện nay, bệnh viện Bạch Mai sử dụng một quỹ riêng của bệnh viện để hỗ trợ 50% số tiền cùng chi trả của bệnh nhân nghèo chạy thận (tức người nghèo chạy thận ở Bạch Mai thực chất chỉ cùng chi trả 2,5%). Tuy nhiên, đây cũng vẫn là một gánh nặng với họ, bởi hầu như những người này không có một nguồn thu nhập nào đáng kể.

    Chưa hết, theo quy định của luật BHYT, với mức khống chế thanh toán tối đa cho một lần điều trị là không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu (tương đương khoảng 28 triệu đồng) thì đối với những dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn (các bệnh liên quan đến tim mạch, ung thư) bệnh nhân phải tự trả tương đối nhiều.

    Cụ thể: Mỗi đợt người bệnh điều trị tim mạch hay ung thư, tổng chi phí có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Nếu chỉ được thanh toán 28 triệu (theo giá quy định hiện tại, chưa tính đến mức giá sẽ tăng) thì mấy chục triệu còn lại, bệnh nhân nghèo sẽ phải xoay sở thế nào?

    Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: "Để hỗ trợ người nghèo không có khả năng thực hiện các mức chi trả như trên, Bộ Y tế sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung quỹ khám chữa bệnh người nghèo (quỹ 139), đồng thời chỉ đạo các bệnh viện công lập, lập các quỹ khám chữa bệnh riêng cho người nghèo để hỗ trợ chi phí điều trị cho đối tượng này".

    Nhưng thú thực, với những giải pháp này, người nghèo vẫn chưa thể yên tâm điều trị, bởi mức hỗ trợ sẽ là bao nhiêu trong bối cảnh giá dịch vụ đều tăng cao ngất ngưởng như dự thảo đưa ra? Hay câu thành ngữ "đầu voi, đuôi chuột", hoặc "đem con bỏ chợ" sẽ được hiểu một cách cụ thể nhất trong trường hợp này, khi dự án được ký duyệt.

    Đặc biệt, trong điều kiện giá chưa tăng như hiện nay, người nghèo (dù đang được hỗ trợ) nhưng đã và đang phải hưởng một chất lượng dịch vụ y tế thấp hơn nhiều so với người có tiền.

    Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược y tế (năm 1999, chỉ có tính tham khảo), từ việc phân tích số liệu trên cơ sở từ bệnh án của người bệnh cho thấy, số ngày nằm viện của những bệnh nhân được miễn phí dài hơn số ngày nằm viện của những bệnh nhân trả tiền. Trong khi đó, chi phí cho thuốc chiếm chủ yếu trong chi phí khám chữa bệnh. Do đó, những bệnh nhân này có thể đã được chữa bệnh với số lượng thuốc ít hơn và rẻ hơn so với những bệnh nhân trả tiền.

    Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gánh nặng chi phí y tế chủ yếu thuộc về phía người bệnh phải nằm viện và ở người nghèo. Mặc dù, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ người nghèo, và được các địa phương tích cực thực hiện song tỷ lệ "không bao phủ hết" còn tương đối cao.

    Bộ Y tế cho biết cũng đã có các giải pháp hỗ trợ người nghèo ngay cả khi chưa tăng giá viện phí, nhưng theo một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Y tế công bố năm 2001, vẫn có đến 1/3 người bệnh (trong phạm vi khảo sát) phải vay mượn tiền, bán tài sản hay nhờ người thân giúp đỡ mới có tiền khám chữa bệnh và đây đều là những người có hoàn cảnh rất khó khăn.

    "Viện phí cứ chạy, chất lượng chữa bệnh cứ ngồi?"

    Trong hàng loạt vấn đề đặt ra khi Bộ Y tế ban hành dự thảo điều chỉnh mức thu một phần viện phí, có 2 vấn đề được dư luận quan tâm hàng đầu, đó là: Tăng mức viện phí thì chất lượng chữa bệnh có tăng theo không? Và ngược lại, vấn nạn tiêu cực ở các bệnh viện có giảm đi không?

    Cả 2 câu hỏi này đều đã được các quan chức của Bộ Y tế giải đáp ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, số đông người bệnh không thấy thỏa đáng với những câu trả lời này.

    "Bộ Y tế nói viện phí không quyết định toàn bộ chất lượng dịch vụ y tế, vì chất lượng dịch vụ y tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ bác sỹ, cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, vv... Nhưng từ trước đến nay, tôi nhớ không nhầm thì lần nào giải thích về chuyện chất lượng dịch vụ y tế kém, Bộ Y tế đều đưa ra nguyên nhân hàng đầu là do không có tiền, không có vốn để tái đầu tư, nâng cấp cái này cái khác.

    Nói như vậy có nghĩa là tiền quyết định chất lượng. Vậy tại sao bây giờ tăng viện phí, có tiền nhiều hơn, lại nói rằng chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố khác, không riêng gì viện phí? Tôi thấy giải thích như thế này không thỏa đáng chút nào". Anh Nguyễn Văn Dũng, một người thường xuyên phải đi cùng người nhà đến bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chạy thận nhân tạo, chia sẻ.

    Theo anh Dũng, người bệnh bây giờ cũng hiểu rằng "tiền nào của ấy" và vì thế họ sẵn sàng có thể chi tiền ở mức cao hơn để được hưởng một dịch vụ y tế tốt hơn hiện nay. Dù biết rằng muốn tăng phải có thời gian nhưng nếu "viện phí cứ chạy, chất lượng cứ ngồi" như thế này thì không bệnh nhân nào có thể xuôi tai được.

    Chưa hết, anh Dũng còn cho biết vấn đề bức xúc hơn cả là y đức, thái độ phục vụ của bác sỹ, y tá sẽ thế nào nếu tăng viện phí. Tiền "lót tay", nạn phong bì có giảm đi không?

    "Tôi đến viện thường xuyên, tôi chứng kiến nhiều rồi nên tôi hiểu cái điểm "nhạy cảm" này lắm. Bộ Y tế nói là nguyên nhân khiến nạn phong bì diễn ra là do lương bác sỹ, y tá thấp. Bây giờ tăng giá viện phí rồi, thu nhập tăng rồi thì chúng tôi có phải mất thêm khoản này mới được chăm sóc tận tình hay không?". Anh Dũng đặt câu hỏi.

    Bộ Y tế giải thích vấn đề y đức là chuyện khá nhạy cảm, và khó khăn vì nó liên quan đến đạo đức làm người, đạo đức nghề nghiệp, chuyện tiêu cực lại chỉ xảy ra giữa 2 phía: Người bệnh và thầy thuốc- người bệnh mất tiền lại thường không bao giờ dám nói. Điều đó là không sai. Nhưng người dân đương nhiên có quyền đòi hỏi đồng tiền của họ đóng góp tăng lên, thì họ có quyền phải đặt ra những yêu cầu cao hơn trong cả chất lượng điều trị bệnh lẫn việc kiểm soát tiêu cực của các bệnh viện.

    Anh Dũng khẳng định trên thực tế cũng có thể sẽ có không ít người dân đồng tình với việc tăng viện phí, vì 15 năm mà giá không đổi thì đúng là cần phải đổi thật (dù thực tế là vài năm trước các bệnh viện đã kịp "xé rào" rồi).

    "Nhưng điều người dân chúng tôi cần là lời cam kết của Bộ Y tế chứ không muốn nghe nói suông, không muốn nghe giải thích suông, không muốn nghe lại những lời giải thích đã được nói đi nói lại nhiều lần", anh Dũng băn khoăn. Và điều băn khoăn của anh là có lý.

    [​IMG]
    Dự thảo điều chỉnh viện phí lần này đã mang đến khá nhiều "cảm xúc" cho đối tượng chính- người bệnh- đặc biệt là đối tượng tham gia BHYT. Ảnh minh họa

    Bỏ tiền ra mua thẻ rồi...không để làm gì cả.

    Là người thường xuyên đọc báo, chị Đào Thị Hoài Thu, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội khá quan tâm đến vấn đề viện phí vì gia đình chị có "đầy đủ" các thành phần hay phải đến viện: Hai con nhỏ cùng bố mẹ già, chưa tính bà con cô bác ở quê khá đông đúc và thường cũng phải chạy lên Hà Nội chữa bệnh.

    Chị Thu cho biết khá ngạc nhiên khi không thấy Bộ Y tế hỏi ý kiến nhân dân "vì dù sao đây cũng là vấn đề tác động đến toàn bộ dân số, có ai dám chắc mình không ốm đâu?".

    Có thể nói dự thảo điều chỉnh viện phí lần này đã mang đến khá nhiều "cảm xúc" cho đối tượng chính- người bệnh- đặc biệt là đối tượng tham gia BHYT.

    Hiện nay, có khá nhiều người bệnh bỏ BHYT ra ngoài khám dịch vụ (chấp nhận giá đắt hơn nhiều) chỉ vì thủ tục hành chính quá rườm rà, thái độ phân biệt của cán bộ y tế. Khi nghe thông tin phí tham gia BHYT sẽ tăng, không ít người băn khoăn.

    "Chúng tôi là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng hầu như không dùng thẻ BHYT để khám chữa bệnh, vì thế coi như bỏ tiền ra mua thẻ rồi không để làm gì cả. Nay lại tăng thêm phí tham gia bảo hiểm thì có bất công quá không? "Cái lỗi rườm rà nhiêu khê đâu phải do người bệnh đẻ ra?", một số người bệnh ở bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đặt câu hỏi trở lại. Nhưng câu hỏi này, chắc chắn Bộ Y tế không dễ trả lời.

    Vụ trưởng Vụ BHYT Tống Thị Song Hương thừa nhận có tình trạng người bệnh bỏ thẻ BHYT để khám dịch vụ vì thủ tục rườm rà nhưng đó là những người có điều kiện kinh tế, còn người nghèo thì "đố ai dám bỏ". Câu đố của bà Hương thì không sai, nhưng vấn đề của BHYT là làm sao để ngay cả người có điều kiện kinh tế cũng không bỏ BHYT, thì bà Hương cũng chưa dám giải.

    Nguồn: Tuần Việt Nam

    Xem thêm:

    >> Tăng viện phí và "tụt nhân tâm"

    >> Tăng viện phí: Dồn người nghèo vào thế bí?

    >> Tăng viện phí, chất lượng có tăng?

    >> Tăng viện phí: Có tăng chất lượng, giảm tiêu cực?
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi webmaster
    Đang tải...


  2. nhabetho

    nhabetho Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    15/9/2010
    Bài viết:
    379
    Đã được thích:
    26
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: "Viện phí cứ chạy, chất lượng chữa bệnh cứ ngồi?"

    ơ chuẩn
    em vừa đi khám về
    có ho hen sụt sịt mũi
    mà nó bắt nội soi tai mũi họng rùi thử máu
    chờ đợi mỏi mệt
    xong ra nhận thêm đơn thuốc
    thanh toán gần 400k
    khám về nhìn hóa đơn em cũng mún xỉu

    lúc xét nghiệm máu khi rút kim tiêm còn rút chệch
    xước cả tay em
    huhu
     
  3. minhhangsang

    minhhangsang

    Tham gia:
    24/9/2011
    Bài viết:
    16,421
    Đã được thích:
    3,493
    Điểm thành tích:
    2,063
    Ðề: "Viện phí cứ chạy, chất lượng chữa bệnh cứ ngồi?"

    đọc bài này thấy buồn quá, cuộc sống ngày càng có nhiều người nghèo khó, còn nhưng đứa con nhà giàu thì ngang ngược, nghịch ngợm, không học hành gì vẫn có công việc tốt,thậm chí làm xếp, việt nam tụt hậu mất thôi, buồn quá ah
     
  4. Oishe

    Oishe Thành viên chính thức

    Tham gia:
    30/4/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    25
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: "Viện phí cứ chạy, chất lượng chữa bệnh cứ ngồi?"

    Chết người nghèo thôi .........................................
     
  5. thitgacbep

    thitgacbep co dinh: 0923 82 84 88

    Tham gia:
    20/10/2008
    Bài viết:
    4,136
    Đã được thích:
    1,706
    Điểm thành tích:
    913
    Ðề: "Viện phí cứ chạy, chất lượng chữa bệnh cứ ngồi?"

    vấn nạn chưa tìm ra cách giải! hic,
     

Chia sẻ trang này