ảnh minh họa Có nhiều số phận vì hoàn cảnh bắt buộc mà đã lao vào vòng tù tội. Cuộc sống của người phụ nữ khi phải vượt cạn trong tù sẽ thế nào? Quá uất hận chỉ vì tiền mà bố mẹ, anh em trai và bản thân phải vào tù do buôn bán ma tuý, khi “vượt cạn” trong trại giam, Đào Thị Thu (Hải Phòng) đã đặt tên cho cậu con trai là “Tiền” với hy vọng cuộc đời cu cậu sẽ không phải khốn đốn như các bậc “tiền bối” của nó. Giống như Thu, có hàng chục bà mẹ khác cũng vừa trả án, vừa “khai hoa, nở nhụy” trong Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) chỉ vì ma tuý. Trong số những phạm nhân nữ đang nuôi con tại đây, Đào Thị Thu là người trẻ nhất. Sinh năm 1975, Thu đã có 5 con, 2 đời chồng và án tù giam 9 năm về tội buôn ma tuý. “Khi vào trại, em mới biết mình mang bầu được 2 tháng. Nhiều người thân trong gia đình đến thăm biết chuyện đã khuyên em làm đơn xin về tại ngoại để đẻ con. Nhưng em thấy các chị ở trong này đẻ con đều được cán bộ tạo điều kiện ăn ở chu đáo, nên quyết định sinh trong trại. Với lại, em cũng muốn trả nợ án cho xong để làm lại cuộc đời. Em muốn đoạn tuyệt với quá khứ đen tối lắm rồi” - Thu kể. Gia đình Thu có 3 anh em. Bố Thu trước làm công nhân ở Cảng Hải Phòng. Do đàn đúm với bạn bè tập toẹ hút sách, nên ông nghiện ma tuý lúc nào không hay. Anh trai Thu chán nản bỏ nhà đi “bụi” rồi cũng bập vào ma tuý. Rồi đến em trai cô cũng trở thành đệ tử của “nàng tiên nâu”. Thu là con gái duy nhất trong nhà, không nghiện nhưng chẳng học hành đến nơi đến chốn, lấy chồng và đẻ con khi tròn 16 tuổi. Người đầu tiên trong gia đình Thu “xông đất” Trại giam Xuân Nguyên là mẹ. Nối gót là bố và các anh em trai. Cô bị bắt khi mua ma túy về xé lẻ bán cho con nghiện. Nhưng chưa bán được tép nào, Thu đã bị công an tóm gọn, bị xử án giam 9 năm. Điều khiến cô day dứt nhất khi vào tù không phải là đứa trẻ vừa mới sinh đang ở cùng mẹ trong trại mà chính là 4 đứa con đang ở bên ngoài xã hội. Đứa con gái đầu của Thu đã bỏ học ngay khi mẹ bị bắt; đứa thứ hai năm nay 16 tuổi cũng chưa biết có học được hết phổ thông không; hai đứa còn lại mới 3 và 4 tuổi, không biết có được ăn uống đầy đủ không?... Cách chồng 1 tấc, vẫn phải “vượt cạn” một mình Đó là trường hợp của Lê Thị Thu Huyền, sinh năm 1972 ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt khi đang vận chuyển “hàng trắng” từ biên giới về Việt Nam. Tạm giam được 10 ngày, Huyền phát hiện mình có thai được 4 tuần. Chưa kịp gửi thư về thông báo cho chồng biết tin vui, Huyền đã choáng váng khi nhìn thấy chồng cúi đầu đi lầm lũi ở trại. Sau đó, chồng Huyền thụ án chung thân còn Huyền lĩnh án 27 năm. Huyền “vượt cạn” ở trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù chỉ cách chồng đúng một dẫy nhà nhưng Huyền vẫn phải một mình vật vã trong cơn chuyển dạ, quy định của trại giam không cho phép chồng cô đi cùng. Sau khi đã “mẹ tròn con vuông”, Ban lãnh đạo trại cho phép chồng Huyền sang khu gia đình để nhìn mặt con. Con khóc, hai vợ chồng nước mắt cũng lã chã rơi vì không biết đến bao giờ, cậu con trai mới được bố bế ẵm như thế này lần nữa. Từ ngày ấy, mỗi khi nghe tiếng trẻ con khóc trong đêm tĩnh lặng, chồng Huyền lại bật dậy, ngồi thu lu trong phòng, ruột gan như có ai cào cấu. Nhưng nếu một ngày không được nghe thấy tiếng khóc của con, chồng Huyền cũng không ngủ được vì nhớ. Vì luôn biết mình mang tù lâu án dài, bất cứ lúc nào cũng có thể chuyển trại nên vợ chồng tranh thủ từng cơ hội ở trại tạm giam để đoàn tụ với nhau, dẫu những lần đoàn tụ ấy chỉ là mỗi lúc Huyền bế con ra gặp thân nhân, đi thật chậm, thật chậm qua ô cửa chấn song nơi buồng giam của chồng. Khi đứa trẻ tròn 4 tháng, hai vợ chồng cũng chia tay nhau mỗi người một trại. Mẹ con Huyền về trại giam Xuân Nguyên còn chồng Huyền vào Thanh Hoá thụ án ở trại 5. Chung tình cảnh với Huyền là Lò Thị Mỳ (Điện Biên), thụ án chung thân vì buôn 5 bánh heroine. Cũng giống Huyền, bị bắt vào trại, Mỳ mới phát hiện mình có thai. Chính vì điều này mà cô oà khóc vì sung sướng, bởi Mỳ biết chắc cái thai sẽ giúp Mỳ thoát khỏi án tử hình (chính sách nhân đạo của nhà nước không xử án tử hình với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Vì vậy, khi “vượt cạn”, áp lực phải chuyển dạ thành công đè nặng lên tâm lý Mỳ khiến các bác sỹ trong ca đỡ đẻ rất vất vả. Cùng thời điểm đó ở trại giam, chồng Mỳ cũng đi đi lại lại trong buồng giam vì không biết vợ con mình thế nào. Anh ta chỉ thở phào nhẹ nhõm khi nghe thấy tiếng trẻ con khóc vọng ra từ khu bệnh xá trại giam. Mặc dù mang án chung thân, nhưng Mỳ vẫn luôn cười nói vui vẻ vì tin vẫn còn có “ngày về”. Cùng thoát án “tử” nhờ có thai trong khu gia đình ở Trại Xuân Nguyên còn có Nguyễn Thị Oanh - người đàn bà một thời nổi đình nổi đám với biệt danh “tử tù có thai” vì đã tìm mọi cách săn tình trong chốn tử lao. Sau khi thất bại với cách nhờ bạn tù gửi tinh trùng vào cặp lồng cơm để tự mình cấy thai, Oanh đã nhờ em gái mua chuộc cán bộ quản giáo ở trại tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình để được quan hệ ngay tại phòng biệt giam và đã có thai sau vài lần ân ái vụng trộm này. Trong số 11 bà mẹ đang thụ án tại Trại giam Xuân Nguyên vì tội buôn ma tuý, có đến 1/3 mang án chung thân. Tất cả các bà mẹ này đều trải qua cơn “vượt cạn” trong trại giam. Theo bác sĩ Trần Thu Thanh, cán bộ y tế của trại, mặc dù trong cơn chuyển dạ, các sản phụ đều không có người thân hỗ trợ về tinh thần, nhưng nhờ sự tận tình của các y bác sỹ nên 100% các ca đỡ đẻ trong trại giam đều thành công. Mới đây, trại giam có quy định cho phép phạm nhân gọi điện thoại về cho người thân vào các chiều thứ 7 và chủ nhật. Vì vậy, có nhiều sản phụ sinh con xong là gọi điện thoại ngay về gia đình chia sẻ niềm vui với người thân. Có những bà mẹ được gia đình đề nghị cho đứa trẻ về nhà để họ chăm sóc, nhưng hầu hết các mẹ đều từ chối vì không nỡ rời “khúc ruột” của mình, dẫu biết tuổi thơ của chúng vì mẹ mà phải lớn lên sau song sắt tù giam. Đại tá Đào Huy Lộc - Giám thị trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) cho biết, cũng giống như ở ngoài xã hội, các sản phụ trong tù cũng có chế độ nghỉ thai sản giống như tất cả các bà mẹ khác. Ngoài tiền trợ cấp tã lót, các sản phụ còn được nhà nước trợ cấp tiền nuôi con đến khi đứa trẻ được 36 tháng tuổi. Trại giam Xuân Nguyên có khu gia đình ở trong khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ, có hàng cây rợp bóng, có sân chơi cho trẻ nô đùa, có khu bếp nấu ăn cho các bà mẹ. Để các bà mẹ được yên tâm khi đi lao động, trại đã bố trí khu nhà trẻ ngay trong khu gia đình và có người giữ trẻ riêng. Các bà mẹ cũng được nghỉ lao động sớm hơn các phạm nhân khác 2 giờ đồng hồ/ngày để về chăm con.