Xã hội hóa và tư nhân hóa giáo dục: "còn nhiều mảng mờ"

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi webmaster, 1/10/2009.

  1. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Câu chuyện tư nhân hóa GD vẫn là một đề tài “nóng”, có rất nhiều tranh luận, có trường phái ủng hộ và cả trường phái chống đối. Việc đánh giá các kết quả của tư nhân hóa GD cũng còn khá hạn chế và “câu hỏi vẫn còn nhiều hơn là câu trả lời”- GS Phạm Phụ.

    Câu hỏi nhiều hơn câu trả lời

    - Thưa ông, xã hội hóa giáo dục (XHHGD) là một chủ trương lớn của nhà nước và của ngành GD. Tuy nhiên, sau hơn chục năm thực hiện, hình như XHHGD được triển khai theo cách hiểu thô thiển- người dân đóng góp tài chính cho GD. Vậy theo ông, xét về bản chất, khái niệm này cần được hiểu như thế nào?

    GS Phạm Phụ: Cụm từ “XHHGD”, đặc biệt là một số giải pháp dự kiến được đưa ra như “cổ phần hóa” một số cơ sở GD đại học công lập chẳng hạn, đã gây ra rất nhiều “nhiễu” trong dư luận xã hội cũng như trong phản biện trên các phương tiện truyền thông. Đã có ý kiến phải kêu lên rằng, đó là “những kỳ dị đằng sau cụm từ XHHGD”.

    Tuy nhiên, Nghị quyết 05 năm 2005 của Chính phủ, đã nêu lên hai mục tiêu lớn của XHHGD. 1) “Phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp GD, y tế…”. 2) “Tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thành quả GD, y tế… ở mức độ ngày càng cao.”

    Như vậy XHHGD ở đây có thể được hiểu, một mặt là việc huy động các nguồn lực khác nhau của xã hội và cả sự tham gia công sức, trí tuệ của cộng đồng để phát triển sự nghiệp GD. Mặt khác, phải có chính sách để công bằng xã hội tốt hơn cùng với việc nâng cao khả năng “tiếp cận dịch vụ GD” của toàn xã hội.

    - Ở các nước phát triển người ta có nói đến XHHGD không? Hay XHHGD chỉ là xu hướng của những nước nghèo, đang phát triển như nước ta? Và nói chung, thế giới đã hiểu và thực hiện XHHGD như thế nào, thưa ông?


    Thế giới đã và đang trải qua 3 làn sóng “tư nhân hóa”. Thứ nhất là tư nhân hóa doanh nghiệp, thứ hai là tư nhân hóa telecoms, hàng không, điện, nước, đường sá… và thứ ba là tư nhân hóa GD, chăm sóc y tế, quỹ hưu trí v.v…

    “Tư nhân hóa” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, là “quá trình chuyển đổi các hoạt động, các tài sản, các trách nhiệm từ chính phủ, từ các định chế hoặc tổ chức công sang cộng đồng, các tổ chức tư nhân và các cá nhân”.

    Tư nhân hóa cũng còn được hiểu là “tự do hóa”, làm cho các tác nhân được giảm bớt sự điều khiển trực tiếp của chính phủ, tạo thêm một thị trường cung cấp tư các dịch vụ công, bên cạnh thị trường cung cấp dịch vụ công của chính phủ.

    Nói riêng trong lĩnh vực GD, nếu nhìn vào những mục tiêu chung thì giữa xu thế tư nhân hóa trên thế giới, cả ở nước đã phát triển cũng như đang phát triển, và XHHGD ở Việt Nam (như đã nêu ở trên) không có sự khác nhau đáng kể.

    Tuy nhiên, nếu đi vào các mục tiêu cụ thể cũng như các hình thái giải pháp cụ thể thì lại có sự khác biệt tương đối lớn. Xin lưu ý, việc tư nhân hóa GD có khá nhiều khác biệt so với làn sóng tư nhân hóa thứ nhất và thứ hai vừa nói ở trên.

    Tư nhân hóa trong GD trên thực tế hết sức đa dạng, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể cũng như sự lựa chọn chính sách của từng nước, tùy thuộc từng thời kỳ phát triển, từng cấp GD khác nhau: Tiểu học, trung học, GD sau THPT… mà có những giải pháp khác nhau.

    Và cũng cần nói rõ, tuy có một xu thế chung trên thế giới nhưng câu chuyện tư nhân hóa GD vẫn là một đề tài “nóng”, có rất nhiều tranh luận, có trường phái ủng hộ và cả trường phái chống đối. Việc đánh giá các kết quả của tư nhân hóa GD cũng còn khá hạn chế và “câu hỏi vẫn còn nhiều hơn là câu trả lời”.

    Sự khác biệt

    - Ông có thể nêu lên một số ví dụ về sự khác biệt giữa các nước và Việt Nam trong giải pháp XHHGD?

    Trong GD phổ thông ở nhiều nước, câu chuyện tư nhân hóa chủ yếu không phải là tài chính, mà là tạo ra một môi trường cạnh tranh, có sự tự do lựa chọn trường học của cha mẹ học sinh, linh động trong quản lý, thêm quyền lực và trách nhiệm xã hội cho cộng đồng v.v…

    Giải pháp rất đa dạng, ví dụ: Áp dụng “phiếu trợ cấp GD” (như ở Chi Lê, Colombia…), phiếu này được nhà nước cấp trực tiếp cho học sinh, họ học ở đâu thì nộp vào đấy, cơ sở GD sẽ được nhà nước cấp kinh phí theo số học sinh nhập học. Nếu không có đủ số học sinh thì thậm chí trường có thể bị đóng cửa, thầy cô giáo có thể bị mất việc. Hoặc khoảng 70% học sinh phổ thông ở Hà Lan lại học trong các trường được vận hành bởi những “hội đồng trường học tư”, nhưng vẫn nhận ngân sách từ nhà nước v.v…

    Nhưng ở GDĐH việc tăng tỷ lệ phần “cung cấp tài chính tư” ở các cơ sở công lập cũng như mở rộng ĐH tư thục lại là một giải pháp phổ biến ở nhiều nước. Cũng có trường ĐH tư mà lại do nhà nước lập, được “vận hành tư nhưng lại là tài trợ công” như IUB của Đức, SMU của Singapore.

    Tất nhiên, trường tư nhưng không vì lợi nhuận và luôn có “hội đồng trường” gồm đa số những người bên ngoài trường, đại diện cho lợi ích cộng đồng xã hội. Nói một cách khác, “cung cấp dịch vụ GD tư” nhưng lại là “tài trợ công”.

    “Học ở gia đình” cũng được xem là một phương thức GD hợp pháp (Mỹ, Thái Lan…). Ở Mỹ có trên 800.000 học sinh (1,7% trẻ em tuổi học đường) ít nhất đã qua 2 năm “học ở gia đình”. Tư nhân hóa GD ở đây được hiểu là “cung cấp dịch vụ GD tư”, “tài trợ tư” và chỉ chịu một sự giám sát rất nhẹ nhàng từ các cơ quan của chính phủ. Nhờ đó giảm được một phần ngân sách nhà nước cho GD, dành thêm cho các mảng GD khác.

    - Nội hàm của XHHGD ở Việt Nam cũng bao gồm tổ chức cho người dân tham gia vào quá trình GD?

    Nhưng đây lại là một mảng đang còn trống vắng về mặt giải pháp trong XHHGD ở Việt Nam. Một số cơ sở GDPT ở Việt Nam có “hội phụ huynh”, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của hội dường như chỉ để hợp pháp hóa các khoản thu thêm ngoài mức học phí đã quy định, các hoạt động khác rất hạn chế.

    Ở Mỹ, GDPT được chia thành gần 15.000 khu GD, quy mô một khu có thể biến thiên từ 2.500 đến 25.000 học sinh. Mỗi khu sẽ bầu ra, gần giống như bầu hội đồng nhân dân ở VN, hoặc được chỉ định thông qua các tiến trình dân chủ bầu ra một “hội đồng trường học”. Hội đồng này có quyền lực trực tiếp chi phối và quản lý hầu như tất cả các trường công trong khu GD. Các công đoàn giáo viên có thể sẽ “thương lượng tập thể” với các hội đồng này về rất nhiều vấn đề, trong đó có cả vấn đề lương bổng và sa thải giáo viên.

    Ở VN, từ việc xây dựng chính sách, tổ chức “hội đồng trường” ở các cơ sở ĐH … cho đến lấy ý kiến về một chủ trương, về một đề án, thậm chí về một “sự cố” nào đó trong GD… thì lại như là công việc nội bộ của ngành GD vậy (!).

    Còn nhiều “mảng mờ”

    - XHHGD ở Việt Nam, trong NQ 05, NQ 14 năm 2005 cũng đã có nêu lên các giải pháp mở rộng ĐH tư thục, đưa tỷ lệ SV tư thục lên 30 – 40%, chuyển một số cơ sở GDĐH công lập sang tư thục, khuyến khích cơ chế “phi lợi nhuận” v.v… thưa ông?

    Ở đây có 3 vấn đề khác nhau, tuy có liên quan với nhau. Đúng là đã có kế họach đưa tỷ lệ SV tư thục lên đến 30 – 40% vào năm 2010 (Ở Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia… tỷ lệ này lên đến 75 – 80%). Nhưng đến nay, ta mới chỉ đạt khoảng 14%.

    Thứ nhất, có lẽ do trong GDĐH ở VN, cung còn thấp xa cầu, nghĩa là còn “độc quyền”, do đó cấp một giấy phép thành lập trường còn phụ thuộc cơ chế xin - cho. Mặt khác, ngành GD chưa quản lý tốt các cơ sở ĐH tư thục, đặc biệt là chuẩn mực học thuật và tài chính. Do đó nhìn chung chất lượng đào tạo thấp, chưa tạo được lòng tin đối với xã hội. Các vấn đề về “sở hữu chung”, “vì lợi nhuận”, “không vì lợi nhuận”… còn để ở dạng “mảng mờ”.

    Thứ hai, theo kế hoạch, đến năm 2020 phải có ít ra là 2,7 triệu SV công lập. Hiện đang có khoảng 1,4 triệu. Nghĩa là còn phải lập thêm nhiều cơ sở ĐH công lập để có thêm 1,3 triệu chỗ học mới nữa kia mà. Ai cũng rõ, ngay “cổ phần hóa” doanh nghiệp nhà nước mà cũng đã có “những lỗ hổng chết người”. Còn nếu cần huy động thêm vốn, các trường ĐH có thể vay vốn ngân hàng và cả phát hành trái phiếu với “giá sử dụng vốn” vay rẻ hơn, đâu nhất thiết phải “cổ phần hóa một phần” với “giá sử dụng vốn” cổ đông cao hơn.

    Thứ ba, cho đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý về cơ chế “phi lợi nhuận”, mặc dầu Chính phủ đã có yêu cầu làm rõ cơ chế này trong năm 2005 – 2006. Và, cũng đã có những nhầm lẫn trong một số văn bản đã công bố cũng như trong dự thảo Nghị định về việc “chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình ngoài công lập theo phương thức cổ phần hóa”. Tổ chức không vì lợi nhuận là không được chia lợi nhuận cho bất cứ ai. Đã có nhà đầu tư, có cổ phần, đã niêm yết chứng khoán v.v…như nói trong dự thảo thì làm sao lại có thể là “phi lợi nhuận” (!)

    - Rõ ràng, XHHGD còn rất thiếu lý luận làm định hướng. Theo ông, thực tiễn XHH trong GD hiện nay cần những sự điều chỉnh như thế nào?

    Tôi không dám có ý kiến về đánh giá chung. Muốn vậy phải có những nghiên cứu rất công phu. Tuy nhiên, từ quan điểm và định hướng chung đi đến các chính sách, các giải pháp, các chương trình tổ chức thực hiện v.v…luôn là một khoảng cách lớn, cần phải được thiết kế một cách rất chuyên nghiệp.

    Đáng tiếc hiện nay không phải như vậy, vì thế có thể nói đang còn rất nhiều “mảng mờ” trong XHHGD ở Việt Nam.

    - Xin cảm ơn GS.

    Kim Dung (thực hiện)
    Nguồn: Tuần Việt Nam
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi webmaster
    Đang tải...


  2. anhtuangiang

    anhtuangiang Thành viên chính thức

    Tham gia:
    11/9/2009
    Bài viết:
    229
    Đã được thích:
    70
    Điểm thành tích:
    28
    Cần có quan điểm rõ ràng về XHHGD

    Theo tôi, vấn đề xã hội hóa giáo dục (XHHGD) là vấn đề tất yếu trong mọi xã hội, quốc gia; xã hội càng phát triển thì vấn đề XHHGD càng tăng và đúng bản chất của nó. Bản chất của XHHGD đó là huy động và sử dụng mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác giáo dục của một quốc gia. Mọi nguồn lực có thể có từ phía : nhà nước, tư nhân, trường có yếu tố nước ngoài, các hội, tổ chức phi chính phủ, chính phủ, tổ chức tôn giáo, quỹ...vv. Mỗi nguồn lực khi bỏ các điều kiện (vốn, nhân lực, địa điểm..vv) vào công tác giáo dục đều có mục đích của mình, nhà nước thì hướng tới phát triển hệ thống giáo dục đồng bộ, rộng lớn, mọi người đều được đi học với chi phí thấp nhất, thậm chí nhiều quốc gia người đi học không phải trả chi phí ở những cấp nhất định. Nhà nước không coi dịch vụ giáo dục là hàng hóa nên không đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà là lợi ích xã hội cao nhất, nâng cao trình độ dân trí cộng đồng. Tư nhân, trường có các yếu tố nước ngoài lại coi dịch vụ giáo dục là hàng hóa, loại hàng hóa đặc biệt với những chi phí đi kèm (trường cao cấp, nổi tiếng thì chi phí học cao; trường bình thừong, ít nổi tiếng thì chi phí thấp). Tư nhân, các trường có yếu tố nước ngoài luôn đặt lợi nhuận trong việc đào tạo, nghiên cứu lên hàng đầu, không có chuyện gì cho không cả. Ngay cả những trường của tôn giáo lập ra mặc dù họ không hướng tới mục đích lợi nhuận nhưng hướng tới truyền bá tư hưởng, giáo lý của tốn giáo đó..vv.
    Thông thường, việc đầu tư cho giáo dục là việc làm hết sức tốn kém không mang lại lợi ích ngày trong 5-10 năm mà dài hạn. Thử xem trung bình mỗi người 3 năm đi mẫu giáo cộng 12 năm học phổ thông và 4 năm đại học là 19 năm, sau đó đi làm mới bắt đầu mang lại cho lợi ích xã hội. Nhà nước phải bỏ toàn bộ tiền xây trường lớp, trả lương cho giáo viên, mua sắm thiết bị dậy học...vv sau 19 năm mới bắt đầu thu lại vốn nhờ khả năng đóng thuế của cá nhân đó bằng trực tiếp hoặc gián tiếp(trực tiếp thì không có vì chưa đủ mức lương đóng thuế thu nhập; gián tiếp thông qua khả năng đóng góp cho đơn vị,cơ quan, doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận) tăng dần theo năm tháng. Đây là những khoản đầu tư khổng lồ mà thời gian thu lãi, vốn trong dài hạn thì không thể nhà nước nào có thể gánh được, buộc Nhà nước phải thực hiện XHHGD. Phải chấp nhận những quy luật thị trường ngay cả trong lĩnh vực giáo dục như các xã hội phát triển và quản lý hoạt động giáo dục thông qua hệ thống luật pháp, tiêu chuẩn của mình. Không thể bắt các trường thu ít tiền của học sinh mà phải nâng cao chất lượng giáo dục. Không thể nâng cao chất lượng giáo dục khi lương giáo viên không đủ sống, cơ sở vật chất không bảo đảm cho dậy và học. Cha mẹ học sinh cũng phải nên có quan điểm rõ ràng đóng tiền học phải tương xứng với chất lượng đào tạo, các cha mẹ có dám trả tiền 3-5 tr/tháng gửi con ở các trường mẫu giáo quốc tế không, chất lượng rất tốt, không có gì phàn nàn, xe đưa đón tận nhà. Còn nếu chấp nhận gửi con <500k/tháng thì chấp nhận những gì nửa vời của hệ thống giáo dục công không ra công, tư không ra tư. Hệ thống giáo dục đó sẽ sinh ra những tiêu cực phí, biến thoái để trường bù đắp cả khoản chi phí mà không thể giải thích, không thể thanh toán bằng hóa đơn đỏ. Vậy nên, nếu là các nhà chính sách cần phân định rõ ràng đâu là phần nhà nước làm và làm như thế nào để trình độ học thức, dân trí được nâng cao; đâu là tư nhân làm và tư nhân làm thì phải xác định chất lượng giáo dục = số tiền phụ huynh phải trả, không nên bắt là học phí phải thế này, không được đóng khoản này, khoản kia. Phụ huynh không có khả năng trả thì xin vào trường đóng ít tiền hoặc xin vào trường công. Rất rõ ràng. Nhà nước phải quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo tại các trường tư không thể có tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó ". Mỗi lần chuẩn bị nhập trường là cả xã hội kêu ca vì các khoản đóng tiền cho con học, là các cảnh chen nhau mua hồ sơ cho con nhập học. Vấn đề giáo dục của VN luôn trong vòng luẩn quẩn. Vì vậy, nên quan niệm dịch vụ giáo dục là dịch vụ cung cấp hàng hóa đặc biệt, chất lượng giáo dục ứng với giá trị thật của chúng, tuyệt đối không cho tồn tại chất lượng giáo dục thấp, kém để đóng ít tiền, nhà nước sẽ bù đắp phần chênh lệch để có chất lượng giáo dục cao đối với những gia đình chính sách, chế độ. Bản chất của XHHGD chính là quá trình cho phép các thành phần trong xã hội, trong nước, ngoài nước tham gia vào công tác cung cấp dịch vụ giáo dục theo luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế. Nếu quan niệm như vậy sẽ rất dễ dàng, thuận lợi cho các nhà lập chính sách, pháp luật và cả hệ thống xã hội hiểu được bản chất của việc XHHGD; đồng ý, chấp thuận trả tiền mua chất lượng giáo dục cao cho con cái.
    Mình nghĩ thế có đúng không nhỉ :rolleyes:
     
  3. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Về nguyên tắc thì đúng là như vậy. Nhưng có những người không muốn như vậy họ muốn kiểm soát suy nghĩ của tất cả mọi người. Vì điều đó có lợi cho họ.
     
  4. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Theo tôi nghĩ, cái khái niệm xã hội hóa đã bị hiểu sai ngay từ khi vận dụng vào trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục. Vì đó là một khái niệm của nhân loại học và xã hội học chứ không phải là một "danh từ" dùng để chỉ cho việc phải đóng góp kinh phí của người dân vào các ngành mà trước đây không phải đóng.
    Trước đây, nhà nước chúng ta quan điểm bao cấp, người dân đi học và chữa bệnh không tốn tiền, đến khi chế độ bao cấp cáo chung thì mọi thứ đều quy ra tiền, và lúc đó cái từ xã hội hóa được sử dụng như một cách "tế nhị hóa" chuyện đóng tiền ! Còn tư nhân hóa cũng là một khái niệm được vận dụng không chính xác ! Làm gì có chuyện tư nhân hóa khi mà chính tư nhân bỏ tiền ra lập trường và núp bóng dưới danh nghĩa một tổ chức, đoàn thể ( gọi là dân lập ) đến khi cái vỏ bọc che không nổi, thì mới công khai dùng chữ tư thục và thế là hình thành một hệ thống giáo dục mà dưới bất cứ hình thức nào ( công lập - dân lập - tư thục ) đều phải đóng tiền - chỉ khác nhau ở chỗ đóng nhiều hay đóng ít.
    Nhưng lại một lần nữa, việc đóng tiền lại tiếp tục nhập nhằng y như hai cái khái niệm ở trên - với trường tư, nhiều trường chỉ cần đóng một khoản tiền là học phí là xong - còn trường công thì học phí thấp hơn nhiều, nhưng lại sinh ra đủ thứ quỹ khác nhau (mới đây nhất có trường lập đến 23 loại quỹ, mà trong đó chỉ có 1 loại quỹ là hợp pháp) thì tính ra, chi phí cũng gần như nhau - vậy thì tại sao cứ phải phân biệt công và tư ? và vẫn cứ thích dùng "xã hội hóa" cho có vẻ "nghiêm túc" đàng hoàng hơn "tư nhân hóa" !
    Tóm lại -đã nhập nhằng từ ban đầu, thì cho đến bây giờ và mai sau, vẫn cứ tiếp tục nhập nhằng giữa các khái niệm - chữ một đằng, nghĩa một nẻo để rồi, ai vận dụng sao cũng được và ai hiểu sao thì hiểu !
    Còn nếu nói như : ít tiền thì đi học trường công - khá tiền thì đi học trường tư - nhiều tiền thì đi học trường quốc tế, thế thì cái khoản đóng thuế cho giáo dục, kinh phí hàng trăm tỷ đồng rót cho ngành GD để làm gì ? kinh phí đó từ đâu mà ra ? ( nói là để đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên...trường tư cũng thế thôi mà có khi còn nhiều hơn trường công)
    Tôi cũng đóng thuế như anh - mọi người dân đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi - nhưng tôi nghèo, thì phải chui đầu vào các trường chất lượng thấp - còn anh giàu thì được hưởng mọi quyền lợi và tiện nghi của các trường chất lượng cao - thì điều đó không chỉ là sự phân biệt giai cấp, mà còn là một sự kỳ thị - một sự bất công mà từ trước đến nay, chúng ta vẫn cho đó là của tư bản chủ nghĩa - và cả một dân tộc đấu tranh với bao nhiêu xương máu trong hàng chục năm trời, để loại bỏ sự phân biệt giai cấp, loại bỏ sự kỳ thị giàu nghèo để rồi sau hàng chục năm trời xây dựng đất nước, thì lại bị cái gọi là xã hội hóa - tư nhân hóa nó đẩy mọi người vào cái điều mà chúng ta đã đâu tranh để đánh đổ ! thế có lạ hay không ?
    Vậy mà bây giờ thì đâu đâu cũng hô hào phải xã hội hóa mọi thứ, và cho phép tư nhân hóa nhiều lĩnh vực - tiến đến một nền kinh tế nhiều thành phần - thì điều đó là thế nào ? hiểu ra sao ? ....biết chết liền !
     

Chia sẻ trang này