Điện thoại smartphone tuy rằng phổ biến hiện nay, với nhiều mức giá khác nhau nhưng xét cho cùng, chúng vẫn là tài sản có giá trị lớn. Khi xem xét mua điện thoại mới, chúng là khoản chi phí cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đầu tiên, chúng ta cần giải thích cho trẻ hiểu được điện thoại di động là tài sản tốn nhiều tiền để mua. Hàng tháng bố mẹ có rất nhiều khoản tiền cần phải chi tiêu rồi, nếu mua điện thoại mới cho con sẽ là gánh nặng của gia đình. Nếu bố mẹ đã quyết định là không mua thì cần giữ nguyên suy nghĩ này. Không vì lời giận dỗi, kỳ kèo của con mà lung lay quan điểm. Chúng ta có thể giải thích thêm rằng, con đã có một chiếc điện thoại tương đối tốt. Ở bằng tuổi con, bố mẹ không hề có mà vẫn có thể đảm bảo việc học tập và giao lưu với bạn bè. Trường hợp gia đình bạn khá giả, việc đổi chiếc điện thoại mới cho con hoàn toàn trong khả năng tài chính. Theo mình, vẫn không nên dễ dãi mua ngay cho con. Để con có thể quý trọng chiếc điện thoại mới hãy dạy con về giá trị của sức lao động. Hãy thử nghĩ ra những việc nhà phù hợp và coi chiếc điện thoại mới là phần thưởng xứng đáng. Bạn có thể giao cho con: lau cầu thang, giặt quần áo, vo gạo thổi cơm, rửa bát,... Vào cuối thời hạn thỏa thuận, bạn tặng quà cho con cùng với lời động viên cần duy trì những việc làm tốt đẹp này. Nếu chiếc điện thoại cũ đang bị hỏng hóc, hãy hỗ trợ trẻ sửa chữa. Nếu nó còn sử dụng được thì hãy cứ dùng, tiết kiệm được khoản nào hay khoản đấy. Thay vì mua điện thoại mới, cả nhà chúng ta có thể có một chuyến du lịch cùng nhau, con có thể tham gia một khóa học theo đúng sở thích,... Chiếc điện thoại mà trẻ đang dùng là đồ mà người trong nhà đã từng sử dụng, bạn hãy nói chuyện về chủ đề này. Cùng trao đổi với trẻ để chúng hiểu rằng thật biết ơn ra sao khi người thân để lại cho mình sử dụng. Họ cũng sẽ thấy vui vẻ lắm nếu con còn sử dụng và trân quý chiếc điện thoại này. Chiếc điện thoại mà trẻ đang sử dụng có thể là đồ cũ nhưng rất an toàn khi sử dụng. Nếu chuyển sang một chiếc mới cứng thì có thể thu hút ánh nhìn của người xấu. Chiếc điện thoại vô tình khiến trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm. Nếu bạn chu cấp chiếc điện thoại mới một cách dễ dàng, trẻ có thể hình thành nên suy nghĩ bố mẹ PHẢI có trách nhiệm mua cho mình. Sau đó khi thấy bạn có món đồ mới như vỏ ốp điện thoại, đồng hồ thông minh, tai nghe không dây,... trẻ lại năn nỉ bạn sắm cho. Khi đó, việc không đáp ứng đầy đủ sẽ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái căng thẳng hơn. Vì vậy, ngay từ đầu hãy tạo nên giới hạn, trẻ sẽ sử dụng những thứ mà bố mẹ cho rằng phù hợp và trong điều kiện tài chính của gia đình. Trẻ vị thành niên đủ để hiểu hết tình yêu của bố mẹ cũng như tình hình tài chính của gia đình mình. Nguồn: Xử trí ra sao khi con tuổi vị thành niên nằng nặc đòi đổi điện thoại? (hoovada.com)