Theo sáng kiến của một mẹ về việc cần phải điều chỉnh những quy định của bộ Giáo dục. Tôi xin lập ra topic này để lấy ý kiến góp ý trước. Sau khi có nhiều ý kiến góp ý và được sự ủng hộ của nhiều người, chúng ta tiến hành lấy chữ ký và gửi cho ngài bộ trưởng. Nhưng góp ý của chúng ta sẽ không có giá trị nếu như không có sự tham gia của nhiều người. Do vậy nếu ai ủng hộ, hãy tiếp tục quảng bá cho điều này.
Kính mong lương giáo viên được cải thiện theo đúng phát biểu "năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng đồng lương của mình" để sớm chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan không hiệu quả. Mong giảm thiểu chương trình Sách giáo khoa các cấp để tránh tình trạng học sinh học trên lớp chưa đủ , phải học thêm... Mong các bậc phụ huynh đừng coi cô giáo là cô nuôi dạy trẻ để gửi cô ngoài giờ cho tiện ---> dễ dẫn đến tình trạng em này học nhà cô em kia không... Xin cảm ơn!
Mong chương trình học của các con được như bố mẹ ngày xưa, đi học một buổi, một buổi ở nhà chơi hay tự học còn buổi tối được ngồi xem vô tuyến cùng cả nhà không phải học 12/24h Cũng mong đồng lương giáo viên được cải thiện để các cô giáo luôn được kính trọng và hoàn toàn sống bằng lý tưởng của mình
Cám ơn những ý kiến đóng góp của mọi người. Mong rằng những người khác nếu có quan tâm thì chúng ta sẽ đóng góp thêm ở đây
Vâng, nếu có thế kính gửi ông Bộ trưởng Thiện Nhân thì tôi xin có mong ước thế này : 1. Mở thêm nhiều nhà trẻ công chất lượng cao 2. Mở thêm nhiều trường học vì hiện giờ số trường học xuống cấp quá nhiều. Mà số trẻ em ngày càng gia tăng. Cần đảm bảo 1 môi trường học tập trong sạch và thuận tiện cho các cháu và cả cha mẹ phụ huynh. Vì trường ít, học sinh nhiều nên mới dẫn đến vịêc chạy chỗ, chạy trường 3. Chú trọng việc dạy dỗ đạo đức, lễ phép, luật pháp và đạo lý của 1 con người. 4. Tăng cường các hoạt động ngoại khoá, các tiết học thực tế. 5. Giảm tải chương trình học. Có thể tham khảo với cách dạy của người Mỹ : Mục tiêu giáo dục tiểu học Mỹ sau đây chỉ là một tiêu chuẩn sơ lược để tham khảo. 1. Tốt nghiệp mẫu giáo Có thể nhận biết và phân biệt con số, có thể biểu đạt khái niệm toán học trừu tượng bằng những vật thể cụ thể như hòn sỏi, mẩu giấy, cái que…; nhận biết 26 chữ cái tiếng Anh, phân biệt nguyên âm và phụ âm; phân biệt được các ngành nghề khác nhau đại ý làm những gì, ví dụ như bác sĩ, giáo viên, người đưa thư, cảnh sát, cảnh sát phòng cháy chữa cháy… hiểu được quá trình diễn biến của cuộc đời sinh vật, bao gồm sinh, lão, bệnh, tử của con người, sâu biến thành bướm,…; học địa lý từ địa cầu, bản đồ; hiểu được rằng trên trái đất có rất nhiều cư dân, rất nhiều quốc gia và những màu da khác nhau, hiểu được rằng người cần ở trong nhà, trẻ em cần đến trường, người trưởng thành cần đi làm… 2. Lớp 1 Có thể đếm từ 1 đến 100, có thể đếm số có hai chữ số hoặc thế nào là bội số của 5, biết số lẻ và số chẵn, biết phép cộng trừ đơn giản; học cách quan sát, chia ngành phân loại đối với những sự vật và vật phẩm khác nhau; có thể lấy dẫn chứng về quá trình diễn biến của sự sống, hiểu được quan hệ sống tương trợ giữa động thực vật trong thiên nhiên; học sử dụng tranh ảnh để biểu đạt ý; hiểu tính tất yếu của việc mặc, ăn, ở và mái ấm gia đình; hiểu rõ quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa những người làng xóm. 3. Lớp 2 Biết đọc, viết số có ba chữ số, từ năm số tùy ý chọn, có thể đếm xuôi hoặc đếm ngược; vận dụng thành thạo phép cộng trừ đối với số có hai chữ số, biết dùng những đơn vị đo lường như inch (tấc Anh) hoặc centimet để đo độ dài, biết xem đồng hồ; đọc sách, duy trì đều đặn việc viết (nhận xét, bình luận) sau khi đọc sách, học cách viết tổng kết, hiểu và phân biệt được những hình thức văn học khác nhau như: thơ, tản văn, tiểu thuyết, truyện ký…, biết được sự khác nhau giữa tác phẩm hư cấu và tác phẩm phi hư cấu; bắt đầu học nghiên cứu độc lập về động vật, ví dụ như vấn đề sinh thái của côn trùng… 4. Lớp 3 Học được cách biến tư liệu thành biểu đồ; biết so sánh sự lớn nhỏ và cộng trừ trong phạm vi 100.000, thành thạo phép cộng, trừ, nhân, chia đối với số có ba chữ số; có thể lấy những tài liệu tại chỗ trong môi trường xung quanh, sưu tập, tổ chức tài liệu, hiểu được cách giữ gìn sức khỏe của con người, hiểu rõ quá trình diễn biến cuộc đời của những động vật nhỏ như: ếch, bướm, gà con, chuột bạch…; hiểu cách sử dụng tự điển; có thể hiểu tư tưởng của những tác phẩm và các nhà văn, họa sĩ mình yêu thích biểu đạt, hiểu được các tác phẩm văn học trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. 5. Lớp 4 Dùng máy tính để tính toán những con số rất lớn, so sánh lớn nhỏ trong phạm vi 1.000.000, học số thập phân và phân số, vẽ biểu đồ; có thể giải thích sự khác nhau của khí hậu giữa các vùng đất trên thế giới nhờ bản đồ, hình ảnh, biểu đồ; thông qua việc đọc, hiểu thêm một bước về những thể loại văn học khác nhau, ví dụ như tác phẩm khoa học viễn tưởng, truyện ký,… 6. Lớp 5 Biết điền, đọc các loại bảng biểu, thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia phân số; có thể vận dụng hệ thống thư viện và các tư liệu để tiến hành nghiên cứu; tiến hành so sánh và tổng hợp các loại tin tức thông qua việc viết bút ký; bắt đầu tự viết những bài văn dạng tả thật (phi hư cấu) và những đoản văn theo thể thức năm đoạn; học được cách viết chính thức, không chính thức và cách viết thư cho bạn bè; hiểu việc chia ngành phân loại những sách báo khác nhau, có thể nắm được nội dung chủ yếu của một cuốn sách, đồng thời tiến hành bình luận về cấu tứ, bối cảnh, cách xây dựng nhân vật, phương thức biểu đạt, nghệ thuật ngôn ngữ. Giáo dục tiểu học không phải là giáo dục tinh anh, cần tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ, chú trọng việc kết bạn, vận động và những hoạt động ngoại khóa. Người Mỹ coi trọng nền tảng làm người, quan niệm này đã được bồi đắp từ nhỏ. Cơ sở mà học sinh ở Mỹ cần tạo dựng là ý thức tự tin, thành thực, lương thiện, công bằng, bao dung và độc lập tự chủ để làm người, cũng có nghĩa là, ngay từ nhỏ, họ đã học được giá trị cơ bản của văn hóa Mỹ, chứ không phải là tri thức để phục vụ giá trị cơ bản này. 6. Tăng lương cho giáo viên để họ có thể sống đàng hoàng và được tôn trọng như họ xứng đáng được như thế. 7. Công khai thu chi tất cả các quỹ học sinh. Xét cho cùng các loại quỹ này chủ yếu là đóng góp để bồi dưỡng giáo viên. Chẳng thà là tăng lương cho giáo viên 1 cách công khai, còn hơn là duy trì trò "đi đêm" vừa thiếu đàng hoàng vừa làm con người ta dễ dàng thoả hiệp với cái sai, cái xấu. 8. Chú trọng đào tạo tay nghề làm việc hơn là phổ cập đại học. 9. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp lớp 9. 10. Ko quy định độ tuổi thi đại học, giống như học đại học Tại chức. Ai cũng có thể đăng ký tham gia học. 11. Xây dựng chương trình đại học chuẩn. 12. Thay vì dạy trẻ về những cuộc chiến tranh, thù hận và bạo lực, hãy dạy trẻ lòng nhân ái, lòng khoan dung và thứ tha.
Rất cám ơn mẹ thaoquyen_baby vì một góp ý rất đầy đủ và rõ ràng. Rất mong những cha mẹ khác tiếp tục cho những ý kiến góp ý. Đồng thời cũng rất mong mọi người ủng hộ việc tập hợp ý kiến góp ý và quảng bá cho ý tưởng này vì một nền giáo dục hoàn thiện hơn, nhân văn hơn, ... Xin cám ơn.
Hoan hô mẹ thaonguyenbaby có bài viết rõ ràng, súc tích như vậy, đấy là điều tất cả các phụ huynh đều mong muốn. Em cũng muốn dạy con em biết cách tự tập hợp, tự tìm hiểu chứ không muốn chỉ chữ O và nó đọc lại như cái máy "O"
Mình thấy sự bất cập cực kỳ lớn ở chỗ : sau khi sinh con mẹ được nghỉ 4 tháng phải đi làm, vậy thì các con sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và giáo dục như thế nào khi các trường mầm non công lập và bán công chỉ chấp nhận trông trẻ từ 18 tháng trở lên là cùng. Một số nơi như gia đình và trung tâm trông trẻ tự phát có thể nhận trông trẻ ở tuổi này nhưng không được cấp phép và chẳng ai quản lý. Vậy thì con bạn sẽ hoặc được chăm sóc và dậy dỗ bởi ai nếu như mẹ chúng vì điều kiện không thể nghỉ làm ở nhà????? Không sao, chúng sẽ có những người giúp việc( đa số không có trình độ) hoặc những người già về hưu lo hết.... Các phương tiện thông tin đại chúng vẫn tuyên truyền rằng lứa tuổi từ 0-6 của trẻ là rất quan trọng .... rồi VN vẫn có câu " dạy con từ thủa còn thơ"..... nhưng đa số các bà mẹ vẫn phải dứt áo ra đi và để con ở nhà với giúp việc hoặc nhà nào may mắn lắm thì có ông bà trông trước khi con đủ tuổi đến trường( ít nhất là 14 tháng) . Chưa kể rất nhiều người vẫn còn có những tư tưởng là " trẻ 3 tuổi mới nên đưa đến trường học, chỉ những nhà nào không có điều kiện mới phải gửi con đến trường từ khi 18tháng". Vậy trẻ sẽ học được những gì ở những người mà XH cho nghỉ vì quá tuổi lao động hoặc những giúp việc lao động phổ thông trong nhà? Thực sự không biết những vấn đề về giáo dục thật nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ phải giải quyết như thế nào???
Nếu nói về chương trình thì quả là có quá nhiều tệ hại từ nội dung đến cách thực hiện - và hơn thế nữa, chúng ta đã thất vọng chồng lên thất vọng khi đứng trước những "cú" gọi là cải tiến, điều chỉnh, đổi mới.v.v. trong việc thực thi cái chương trình lạc hậu và rách nát này - Nhưng chúng ta sẽ càng thất vọng hơn, nếu có mong ước rằng ông BT bộ GD, cho dù có kiêm thêm chức Phó thủ Tướng đi chăng nữa có thể "ra tay" làm một cái gì gọi là "cải tổ" hay "thay đổi" vì nói một cách đơn giản, ông ấy là 1 tướng "không quân" hay đúng hơn, cũng chỉ là 1 con ốc "hơi bự bự" một chút trong 1 cái cỗ máy đã đươc lập trình trước - chỉ cần con ốc ấy quay chậm hay quay nhanh hơn thì sẽ bị "đào thải" ngay lập tức ( và dĩ nhiên là "con ốc" càng bự thì cái ý thức về chuyện này càng rõ ) - Vì thế, việc góp ý với ngài BT cho dù có được gửi thẳng đến văn phòng của ngài, được đặt chình ình trên bàn làm việc của ngài và đóng con dấu "thượng khẩn" thì cũng sẽ nhận được bút phê " đã xem và sẽ nghiên kíu " - vậy thôi. Còn ở trên DĐ này, những ý kiến hưũ ích ( như của bạn Thaoquyen_baby ) chắc là để cho chính cha mẹ chúng ta xem và thử ngẫm nghĩ xem có thể dùng để dạy ngay cho chính con mình tại nhà đươc hay không mà thôi ( hoặc cùng lắm là mời 1 cô giáo về đề nghị dạy kèm cho con mình như thế - sau khi đã hoàn thành hàng lô hàng lốc các bài tập về nhà do nhà trường chuyển giao ) Có thể nói ông BT GD cũng như các ông BT các bộ khác, cũng chỉ là "người phát ngôn" cho những chủ trương, chính sách đã được hoạch định ( không phải là từ Quốc Hội ) lâu lâu cũng có thể tung ra vài chiêu vô thưởng vô phạt kiểu " phát động phong trào nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích' cho zui theo kiểu ăn cơm chúa thì cũng cần phải múa tối ngày vậy thôi ! cứ xét trên thực tế, nếu không bỏ được cái trò "đăng ký dạy tốt " "tích cực thi đua " giữ vững danh hiệu nhà trường tiên tiến, nhà giáo nhân dân ..v. thì làm cách nào nói không với bệnh thành tích ! Giáo viên mà dám Nói không với bệnh "khoe" thành tích thì chết ngay đứ đừ với ông hiệu trưởng, và sau đó khi ông HT không thể báo cáo thành tích "năm sau cao hơn năm trước" thì sẽ chết ngay với ông trưởng phòng GD Quận, và như 1 bệnh dịch, ông trưởng phòng sẽ chết ngay với ông Chủ tịch Quận, và sau đó thì cứ dắt dây nhau mà chết vì không có được thành tích nào báo cáo nào hay hay ( làm thì cứ láo nhưng báo cáo thì vẫn phải cứ hay ! ) lên trên - mà chết hết vì dám nói không với bệnh thành tích thì ai làm việc đây? Vì thế, cũng xin các "chủ nhân" của đất nước cho hai chữ "đại xá" mà bỏ qua cho các "công bộc" không thể nghe và làm theo ý các ngài được !
Mình mới đọc được bài này, ko biết trên LCM đã có ai gửi lên chưa, vì cũng lâu lâu rồi. Thôi cứ gửi lên nhé. Vì đó là ý kiến của 1 nhà giáo tâm huyết và có kinh nghiệm với ngành giáo dục hơn cả chúng mình, coi như tham khảo để dạy con chứ chả mong chờ gì ở các vị công bộc đâu Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục Dân trí đã có cuộc trò chuyện với một nhà giáo dục nói dai, nói mãi, nói nhiều nhưng cũng là người nói đúng, nói trúng, nói quyết liệt và thẳng thắn đến mức nhiều khi “nghịch nhĩ” - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại. Thiếu lý luận giáo dục - Cách đây không lâu, khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, TS Chu Hảo nói đại ý rằng, giáo dục của chúng ta lại đang đi vào bất cập như đã từng bất cập, rằng giáo dục chưa được bắt đúng "bệnh" và những thành công hiện nay là thành công của cách làm phong trào và không bền vững. Ông có đồng ý với nhận xét này? - Tôi xin được thay 2 chữ: Bất cập = Thất bại. - Có lẽ trong văn cảnh này thì bản chất của hai từ trên không khác nhau nhiều lắm. Nó cũng chỉ là cách nói "nhiều" với "không ít" thôi. Tuy nhiên, vì sao các ông lại có nhận xét bi quan thế? (Thaoquyen@ :Tại sao khi có 1 người nhìn thẳng vào thực tế và nói lên thực trang người ta lại nghĩ rằng đó là nhận xét bi quan nhỉ???) - Tôi không bi quan, hiện tại nó đang như thế. Có lẽ câu cần hỏi là vì sao lại vẫn cứ để cho điều đó xảy ra? - Vâng, cứ cho là như thế, theo ông thì nguyên nhân sâu xa của nó là gì? - Đó là vì chúng ta làm giáo dục bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, bằng mò mẫm, thậm chí không loại trừ bằng lợi ích của một nhóm người mà không xây dựng cho mình một nền tảng lý luận để phát triển giáo dục. Vì không có lý thuyết nên không có cách làm thực tiễn phù hợp với lý thuyết đó. Và do đó, không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện điều đó như thế nào. Trẻ em đang cần một nền giáo dục khác - Trước khi từ giã thế kỉ 20, chúng ta đã cố gắng hoàn thiện một nền tảng lý thuyết về giáo dục cho thế kỉ 21. Thế nhưng đã bước sang thế kỉ mới 8 năm rồi mà ông vẫn nói là vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu? - Khi chuẩn bị việc đó, chúng ta vẫn là con đẻ của thế kỉ 20 đi lo công việc của thế kỉ 21. Đó là một sai lầm. Phải coi thế kỉ 20 ra đi như một kẻ đột tử mà không thể "ăn bám" vào nó thêm nữa. Do đó, thế kỉ 21 phải tự lo liệu thân mình. Đây là hai thế kỉ hoàn toàn khác nhau về bản chất. Những đứa trẻ của thế kỉ 21 không phải là những đứa trẻ của thế kỉ 20. Chúng đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, sử dung intenet siêu tốc và máy vi tính hiện đại. Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những đồ chơi và trò chơi của các thế kỉ trước. Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại thì ngược lại, chúng đang bị "nhốt" trong cái lồng quá cũ và được "nhồi nhét" kiến thức theo phương cách cũ. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác. - "Nền giáo dục khác" là nền giáo dục như thế nào? - Một nền giáo dục có lý thuyết, không mò mẫm, không đối phó, không lừa dối, dù lừa dối người khác hay tự lừa dối chính mình. Tiếc thay có nhiều điều tỉnh táo thì lại đang được thực hiện một cách ngông cuồng! - Ngông cuồng. Đó là những điều gì vậy? - Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… Cái cần "nổi loạn" nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu. - Bằng đại học “cỏ đồng ta” - Cái mà ông nói là "nổi loạn tư duy" cụ thể ở đây là cái gì vậy? - Là thay đổi cách học và nội dung cần học, đặc biệt là ở tiểu học và đại học. - Tại sao lại đặc biệt ở tiểu học và ở đại học? - Đó là hai bậc học hoàn toàn khác nhau về mục đích. Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở "tiêu thụ nội địa" là một bằng đại học "trâu ta ăn cỏ đồng ta", chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi. - Vô trách nhiệm là tội ác - Ông là người cả đời đi dạy tiểu học nên ông đặt vấn đề quá lớn về cấp tiểu học này chăng? - Tôi xin nói lại, không phải cả đời mà tính đến nay, tôi mới có 54 năm làm nghề sư phạm thì 40 năm gắn bó với tiểu học và tôi rất hiểu bậc học này. Đây mới là bậc học liên quan đến từng gia đình, toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm tinh tế nhất, hiệu quả nhất, chặt chẽ nhất. Ở đây, đúng là đúng mãi mãi mà sai là sai mãi mãi, không thể sửa chữa sai lầm. Thiếu trách nhiệm, "bôi bẩn" những trang đầu đời của trẻ em là tội ác. - Theo ông, cần phải "bôi" cái gì lên trang giấy ấy? Hay nói cách khác, yêu cầu cụ thể ở từng lớp bậc tiểu học là gì? - Ví dụ lớp một là đọc thông, viết thạo, nắm vững luật chính tả, không thể tái mù. Đối với lớp hai viết thành câu, lớp ba không bao giờ viết sai câu. Thật vô lý khi 5 - 6 tuổi đã nói rất sõi, rất tinh tế, nhưng đến hết đại học vẫn viết sai chính tả. Viết sai tiếng mẹ đẻ là một điều sỉ nhục. - Sẽ sớm có sự thay đổi - Vừa qua trên Diễn đàn Dân trí, rất nhiều giảng viên trẻ rời bỏ giảng đường để đi tìm một môi trường khác mà theo họ, không chỉ là đồng lương. Ông giải thích gì về hiện tượng này? -Tôi có theo dõi diễn đàn này và thấy những người ra đi đều có lý của họ. Tôi trân trọng họ vì họ dám thể hiện quan điểm của mình. Một nền đại học là rao giảng, là bằng cấp, là đối phó… là vì những mục đích cá nhân đương nhiên là một môi trường bê trễ. - Quả là từ nhiều năm nay, nền giáo dục chưa bao giờ làm yên lòng dư luận xã hội, thậm chí chưa bao giờ không được coi là vấn đề bức bách. Theo ông, tình trạng này liệu còn kéo dài? -Không, không thể chịu được nữa rồi. Cuộc sống đã quá bí bách, không thể chịu được với thực trạng giáo dục, nên dứt khoát chỉ vài ba năm tới, sẽ có sự thay đổi lớn. Khi đó, những đòi hỏi chính đáng từ cuộc sống sẽ đủ sức mạnh vượt qua những lợi ích cục bộ, những lợi ích tạm thời của một nhóm người để giáo dục phát triển. - Nếu vài ba năm tới, giáo dục có một cuộc cách mạng thực sự và đem lại thành công sẽ là điều rất vui nhưng giả sử không có điều đó? -Thì sẽ là bi kịch lớn và giả sử có được thành công thì cũng vẫn là bi kịch, bởi đáng lẽ giáo dục, đào tạo phải lĩnh ấn tiên phong, đi trước, dự đoán trước những đòi hỏi của xã hội mà bây giờ mới làm chạy theo, đuổi theo, lẽo đẽo theo. Nói vậy thôi, muộn còn hơn không. Tôi chỉ là người cảm nhận được hơi thở thời đại - Thưa giáo sư Hồ Ngọc Đại, cách đây tròn 30 năm (1978), khi đó Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục vừa ra đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có hỏi ông và khi đó, ông đã nói là sẽ thất bại. Giờ đây, ông lại nói về những bi kịch của giáo dục Việt Nam. Ông là người bi quan hay bởi cái tính thích nói khác người? (Tq@ : Lại bi quan và bi kịch) - Tôi luôn luôn dựa trên những luận cứ khoa học. Tôi không bi quan, không lạc quan mà cũng không bao giờ cho mình được phép nói khác những điều mình thu nhận được. Cũng xin nhắc lại rằng nhận định của tôi 30 năm trước đã hoàn toàn chính xác và trên thực tế, rất tiếc là công cuộc cải cách giáo dục đã thất bại. Còn những gì tôi nói hôm nay là thực tế đang diễn ra ở ngay ngày hôm nay ở mọi lớp học, cấp học, mọi trường, mọi lớp. - Ông là người hay nói những điều "nghịch nhĩ", thậm chí có người còn cho là gàn. Phải chăng vì là con rể của cố Tổng bí thư Lê Duẩn nên ông tự cho mình cái quyền gàn đó? Ông Lê Duẩn đã mất cách đây 22 năm và 22 năm qua đầy biến động. Tôi là con đẻ của thời đại, cảm nhận được hơi thở của thời đại và cũng dám bỏ qua những lợi ích tầm thường để đi theo tiếng gọi của thời đại. Tiếc nỗi tôi đã 72 tuổi, cái quỹ thời gian không còn nhiều... - Nếu như được yêu cầu góp ý cho giáo dục hiện nay, ông sẽ nói điều gì? - Như anh Chu Hảo nói, không thể cải cách giáo dục bằng phong trào và làm phong trào nhiều như thế là đủ rồi. Nói "không" với cái xấu, cái ác là cần thiết nhưng quan trọng không phải là những cái "không" mà làm ra một cái "có"; trên cơ sở cái "có", hãy tập trung vào xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục cho thế kỉ 21. Đừng chần chừ! Mất thời gian là mất tuyệt đối!
Mình rất mong các con đi học sẽ được thực hành nhiều,thêm nhiều buổi ngoại khóa để các con với nhau và với cô cũng gần gũi hơn.
Nói đến vấn đề học của các con hầu như các vị phụ huynh ai cũng bức xúc. Tôi cũng là một người trong số đó, thấy các con ngày nay đi học mới thấy rằng trước đây mình đi học sướng hơn các con nhiều, mình đi học ngày có nửa buổi, có thời gian ngoại khóa vui chơi với các bạn. Thế mà bây giờ các con học ngày hai buổi, tối về cả núi bài tập, chưa kể ngày thứ 7, chủ nhật thì thôi rồi cả Bố và Mẹ lao vào học cùng con cũng không hết bài. Mặc dù có quy định là các cháu học tiểu học ngày hai buổi đến trường thì các cô không giao bài về nhà nữa nhưng không hiểu các cô có biết được quy định này không chứ con nhà tôi rất sợ ngày nghỉ cuối tuần. Mong rằng Ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục có con cháu học tiểu học biết được nỗi khổ này của các cháu.
Con tôi đi học mẫu giáo. Cháu chậm nói hơn các bạn, lại nghịch ngợm nên cô giáo hay để ý đến cháu. Nhưng có hôm cháu đi học về, người nhà đón hỏi cô: Sao trên mặt cháu có vết trầy xước khá lớn? Cô giáo hoảng hốt: Ở đâu??? Rồi quay mặt cháu lại xem. Không hiểu cô có trông các cháu hay không mà lớp học thì nhỏ khoảng 20m2, hai cô trông khoảng 20 cháu, các cháu làm gì, cô làm gì mà không biết thế mà trên mặt cháu có vết trầy xước to thế mà cô không hề biết. Đã rất nhiều phụ huynh đến to tiếng với cô giáo, và ngay cả với hiệu trưởng về việc cháu đi học, bị trầy xước, chảy máu.. mà cô thì không hề biết. Trách nhiệm của các cô để đâu. Tôi biết có rất nhiều giáo viên tâm huyết với nghề, với trẻ, nhưng cũng không ít trường hợp xảy ra như với con tôi kể trên. Mọi người cứ kêu gọi tăng lương cho giáo viên, để thày/ cô giáo có trách nhiệm hơn nữa trong việc giảng dậy/ chăm sóc các cháu. Nhưng cũng phải có hình thức xử lí như thế nào khi giáo viên để xảy ra các trường hợp như vậy chứ. Chúng tôi đi làm. Khi chúng tôi đóng góp mang lại lợi cho cơ quan, thì chúng tôi có thêm tiền thưởng, nhưng khi có sai phạm chúng tôi cũng bị trừ lương. Phải chăng như thế mới công bằng??? Rất cảm ơn bạn thaonguyen_baby, ý kiến của bạn là ý kiến của tất cả chúng tôi đấy.
Ðề: Ý kiến của phụ huynh học sinh gửi bộ trưởng Bộ Giáo dục hay quá em lạc vào đây mà không dứt ra được.
Ðề: Ý kiến của phụ huynh học sinh gửi bộ trưởng Bộ Giáo dục Thêm ý kiến đi nào các bố mẹ ơi. Mình mong các con có nhiều hơn nữa các giờ học đạo đức và kỹ năng sống thay vì chỉ có 1 tiết mỗi tuần. Thậm chí các tiết này còn bị cắt để dành ôn thi toán hoặc tiếng việt mỗi khi kỳ thi sắp tới. Giảm chương trình học cho các cháu có tg nghỉ ngơi thư giãn, con mình học bán trú tại nhà cô và tối về nhà vẫn p làm btvn đến 9g tối mới xong. Đến khổ thân con.
Ðề: Ý kiến của phụ huynh học sinh gửi bộ trưởng Bộ Giáo dục Thực ra em nghĩ áp lực của con ngoài từ phía nhà trường cũng một phần từ chính những bậc phụ huynh nữa. Vì tâm lý chung ko muốn con mình thua kém bạn bè. Con e từ khi lên lớp 2 e đã đỡ căng thẳng hơn về thành tích học tập của con, và ở 1 số trường khối lượng kiến thức của các con đâu có nặng lắm, như con em, rất ít bài tập về nhà, em phải mua thêm sách tham khảo , sách nâng cao thỉnh thoảng cho cháu làm thêm thôi! Vẫn có nhiều thời gian chơi, ở trường cô giáo cũng mở lớp dạy kèm thêm, nhưng e ko cho đi vì thứ 7, cn cho cháu có thời gian nghỉ ngơi, chơi với bố mẹ nữa.