Giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì

(lamchame.vn) - Trẻ bước vào giai đoạn dậy thì sẽ trải qua nhiều thay đổi về tâm sinh lý, thậm chí có những em có dấu hiệu khủng hoảng về tâm lý nên các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý đến các biểu hiện của con để cùng con chia sẻ và vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang bị khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì bố mẹ cần lưu ý:

- Trở nên buồn bã hơn thường lệ

- Mất hứng thú với những thứ con thường thích làm

- Mất tập trung, hay cãi vã

- Thói quen ăn ngủ của con thay đổi

- Cảm thấy không hài lòng về bản thân

- Có hành vi nguy cơ cao

- Thể hiện suy nghĩ về việc tự làm hại bản thân

Nếu bố mẹ nhận thấy ở con có một vài hoặc tất cả những dấu hiệu cảnh báo trên đây, thì chắc chắn con đang gặp vấn đề về tâm lý, bố mẹ cần đưa ra những giải pháp kịp thời để giúp con vượt qua giai đơn này:

1. Nói chuyện cùng con

Việc tạo một môi trường cởi mở, thân thiện, ở đó con luôn sẵn sàng trò chuyện, chia sẻ là điều cha mẹ cần thực hiện liên tục, chứ không phải chờ đến khi con có biểu hiện bất thường.

Tuy nhiên, nếu con đang trong giai đoạn chớm có biểu hiện trầm cảm, cha mẹ nên bắt đầu bằng những bước sau:

- Rủ con đi ra ngoài: Cha mẹ nên đưa con ra khỏi nhà, có thể đi chơi đâu đó xa hoặc thậm chí chỉ là ra quán cà phê gần nhà để ‘trò chuyện như hai người trưởng thành’

- Bắt đầu trò chuyện: Có thể bắt đầu theo nhiều cách, ví dụ như ‘Con yêu, có vẻ như gần đây con có chuyện thực sự buồn. Con ngủ nhiều, con không còn thích chơi bóng đá như thường lệ… Mẹ phân vân không biết có chuyện gì xảy ra khiến con buồn như vậy?’

2. Lắng nghe

Điều quan trọng nhất lúc này không phải là ‘lên lớp’ cho con, giảng giải cho con phải thế này, thế kia… Quan trọng là lắng nghe. Đây không phải là lúc con muốn nghe những lời phán xét, quy tội hay phân tích, ...

Có thể bạn cần khẳng định điều này lại với con: ‘Mẹ chỉ muốn nghe con tâm sự thôi. Có thể mẹ giúp được gì đó, có thể không, nhưng chắc chắn nói ra mọi điều sẽ khiến con nhẹ lòng’. Đừng cố gắng để giải quyết vấn đề. Ví dụ, con gái bạn nói: ‘Vâng, con có chuyện với bạn Nam. Con không gặp bạn ấy mấy hôm nay’. Đừng nói: ‘Con thử gọi điện cho bạn xem’, thay vào đó, hãy chỉ tìm cách xác nhận cảm xúc của con: ‘Ừ, mẹ nghĩ chắc con thấy buồn lắm phải không?’.

Cha mẹ nên cố gắng duy trì cuộc trò chuyện bằng các câu hỏi: ‘Con cảm thấy thế nào?’, ‘Vậy con có ý tưởng gì không?’…

3. Gợi ý giải pháp

Cha mẹ có thể nói: ‘Mẹ nghĩ con đang có một thời gian khó khăn. Mẹ thấy có vài việc con có thể làm…’. Các câu nói nên có chủ ngữ là ‘cha/mẹ’ để con cảm thấy thoải mái, không bị áp lực vì bị đặt ở trung tâm của câu chuyện.

4. Khi nào con bạn cần đến gặp bác sĩ tâm lý?

Khi con có ý định tự tử hoặc đã thực hiện một hành vi nguy cơ (lạm dụng chất kích thích hay tình dục không an toàn), con cần phải đến gặp bác sĩ.

Nếu con từ chối việc này, hãy hỏi con ‘Tại sao’, lắng nghe con và giải thích: “Mẹ muốn con biết rằng mẹ thực sự muốn giúp đỡ con. Nhưng trong tình huống này mẹ không có đủ kiến thức và khả năng để giúp. Chúng ta phải đi gặp bác sĩ”.


Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang