Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch đẹp rực rỡ, chị em còn chờ gì mà chưa đi ngay?

Nếu bạn muốn đón mùa đông, hưởng thụ khí trời trong lành nơi rẻo cao và ngắm nhìn những cánh đồng hoa tam giác mạch tuyệt đẹp thì hãy đến ngay với Hà Giang nhé!

 

Hà Giang là một tỉnh vùng núi, nằm ở cực Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội 320km. Nơi đây nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của thiên nhiên. Hà Giang cũng là nơi sinh sống những người đồng bào vùng cao chân chất, thật thà và rất mến khách.

TẠI SAO LẠI CHỌN ĐI DU LỊCH HÀ GIANG

Tháng 11 Hà Giang bắt đầu bước vào mùa đông. Lúc này, những cơn gió nhẹ mang theo hơi lạnh bắt đầu xuất hiện, sáng sớm tại đây có nhiều sương mù và tối thì hơi rét. Tiết trời này rất thích hợp để đi du lịch.

Vào tháng 11 cũng là lúc Hà Giang ngập tràn hoa tam giác mạch nên khung cảnh vô cùng thơ mộng và lãng mạn. Những cánh đồng hoa tam giác mạch có mặt ở khắp nơi nên chắc chắn bạn sẽ tha hồ ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp tại đây.

 

 

 

 

 

DU LỊCH HÀ GIANG CÓ GÌ?

Rừng thông Yên Minh: Nơi đây vẫn được nhiều người gọi là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam bởi những rừng thông xanh rì, vươn ngọn cao vút giữa núi đồi. Bầu không khí trong mát khiến ai đến đây cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Ngắm rừng thông Yên Minh từ trên cao xuống, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những rừng cây uốn quanh, mềm mại, bên cạnh các ngọn núi cao, con sông trải dài lên tới thượng nguồn. Sự kết hợp hài hòa giữa sông núi mây trời tạo nên một bức tranh hữu tình.

 

 

 

Rừng thông Yên Minh xanh mướt.

Phó Bảng: "Thị trấn ngủ quên" Phó Bảng nằm sâu bên trong thung lũng cao nguyên đá, nơi bốn bề là núi và đây cũng là nơi sinh sống của người Mông, người Lô Lô. Tại Phó Bảng có những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo. Đến đây bạn sẽ ngỡ mình đang lạc vào một ngôi làng Trung Hoa cổ kính bởi những ngôi nhà với mái ngói rêu phong lâu đời. Trên đường đến Phó Bảng bạn sẽ đi qua thung lũng hoa hồng và một cánh đồng tam giác mạch lớn ven đường. 

Du lịch Hà Giang - Ảnh 3.

"Thị trấn ngủ quên" Phó Bảng bình yên.

Thung lũng Sủng Là: Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô và nơi đây được mệnh danh là bông hoa giữa cao nguyên đá bởi vẻ đẹp mộc mạc, yên bình của những ngôi nhà xinh xắn, các ruộng ngô xanh mướt... Đến với thung lũng Sủng Là dịp này bạn còn được ngắm những cánh đồng hoa tam giác mạch tuyệt đẹp. Bên cạnh đó trong thung lũng Sủng Là có làng Lũng Cẩm, nơi mà cuộc sống người dân tộc vẫn còn nguyên vẹn bản sắc với các hoạt động như đeo gùi đi lấy rau, địu con, dệt lanh,..

 

 

 

Những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Sủng Là.

Dinh Thự họ Vương: Dinh thự họ Vương (Dinh Nhà Vương) nằm ở thung lũng Sà Phìn là một công trình kiến trúc đặc sắc được “Vua Mèo” Vương Chính Đức khởi dựng từ đầu thế kỷ 20 và xây trong 8 năm bởi những người thợ Vân Nam (Trung Quốc) và những người Mông (Việt Nam). Đây là một sự giao thoa kiến trúc, văn hóa thú vị. Toàn bộ Dinh thự có diện tích gần 3.000m vuông, mang 3 nền kiến trúc văn hóa khác nhau: Trung Quốc, người Mông và Pháp.

Du lịch Hà Giang - Ảnh 5.

Nét đẹp cổ kính ở dinh thự họ Vương.

Cột cờ Lũng Cú: Đây là cột cờ Quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng có độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển. Nhìn từ phía dưới lên, cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi Rồng với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Nơi đây vừa là di tích lịch sử, vừa là điểm cực Bắc Tổ quốc.

Du lịch Hà Giang - Ảnh 6.

Cột cờ Lũng Cú với lá cờ đỏ sao vàng tung bay

Thị trấn Đồng Văn: Thị trấn Đồng Văn nằm trên cao nguyễn đá ở độ cao từ 1.000 - 1.600m, lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc và tại đây có một khu phố cùng chợ cổ có lối kiến trúc hàng năm tuổi mà vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính. Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20 mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa. Đến với phố cổ Đồng Văn, bạn còn được tận mắt chứng kiến những phiên chợ vùng cao với những tiếng kèn, điệu nhạc và sản vật tiêu biểu của vùng cao nguyên đá. 

 

 

Thị trấn Đồng Văn vẫn giữ được nét đẹp cổ kính.

Đèo Mã Pí Lèng: Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài chừng 20km nằm ở độ cao 1.200m. Cung đèo này được đánh giá là một trong "tứ đại đỉnh đèo" ở vùng núi phía Bắc Việt Nam với 9 khúc quanh uốn lượn quanh co với vách đá cao dựng đứng và vực thẳm sâu hun hút ở 2 bên đường. Từ trên đỉnh Mã Pí Lèng bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích. 

 

 

 

Khung cảnh hùng vĩ tuyệt đẹp ở Mã Pí Lèng.

Hoàng Su Phì: Hoàng Su Phì là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Vào mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì những thửa ruộng bậc thang nhuộm màu vàng rực rỡ. Khu vực nhiều lúa nhất ở Hoàng Su Phì là bản Luốc, bản Phùng, Sán Sả Hồ, Nậm Ty, Hồ Thầu và Thông Nguyên.

 

 

 

 

Hoàng Su Phì nổi tiếng với khung cảnh lúa chín.

ĂN GÌ TẠI HÀ GIANG?

Ăn sáng

Cháo ấu tẩu: Món cháo này có nguyên liệu là củ ấu tẩu, một loại củ có chất độc mọc trên đá ở vùng núi phía Bắc. Trước khi đem nấu, ẩu tẩu phải được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm. Sau khi rửa sạch, ninh ấu tẩu thêm khoảng 4 giờ cho mềm và bở ra. Còn gạo nấu cháo gồm cả gạo tẻ và gạo nếp để tăng độ sánh dẻo. Cháo có vị béo của gạo, chân giò, trứng gà và vị đắng đắng của củ ấu tẩu. 

Du lịch Hà Giang - Ảnh 1.

Ăn cháo ấu tẩu bạn sẽ cảm thấy đỡ mệt mỏi sau một ngày đi chuyển dài.

Bánh cuốn trứng: Bánh cuốn ở đây được tráng trên bếp và người ta sẽ đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh dẻo đó gói lại. Khi ăn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo nóng hổi được ninh từ xương ngọt lịm cùng giò trắng. 

 

 

 

 

Bánh cuốn ở Hà Giang không ăn với nước mắm mà ăn cùng nước hầm xương.

Ăn trưa

Phở chua: Phở chua của Hà Giang có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là món ăn có bánh phở làm từ gạo nương, đi kèm là lạp xưởng làm từ thịt lợn đen, thịt xá xíu, trứng. Rau ăn kèm là rau thơm, đu đủ... Điều tạo nên sự khác biệt cho món phở chua Hà Giang chính là ở nước dùng chua hay chua ngọt. 

 

 

Phở chua ở Hà Giang rất hấp dẫn.

Lạp xưởng: Món ăn này được chế biến từ thịt lợn vai được bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt, rượu trắng, nước gừng và đặc biệt là quả mắc mật khô xay nhỏ. Sau đó thịt được dồn vào lòng non, buộc lại thành khúc và thỉnh thoảng châm kim để khí thoát ra giữ lạp xưởng không nứt vỡ. Các dải lạp xưởng sẽ được hong trên gác bếp hay phơi nắng cho khô dần. Lạp xưởng Hà Giang có vị giòn giòn, ngậy thịt rất ngon.

 

 

Những khúc lạp xưởng hấp dẫn khiến ai cũng muốn ăn.

Xôi ngũ sắc: Xôi được làm ra bởi 5 màu xôi khác nhau: màu trắng của xôi nếp, màu đỏ của gấc, màu xanh của lá gừng, màu tím của lá cơm đen và màu vàng của củ nghệ già. Đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người dân tộc nơi đây.

 

 

Màu xôi được tạo ra từ 5 nguyên liệu khác nhau.

Ăn tối

Thắng cố: Đây là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc H'Mông được chế biến từ đầu, chân, các loại thịt, nội tạng… của ngựa cùng các loại thảo quả. Mùi thơm của thảo quả quyện với vị béo ngậy của thịt rất phù hợp với tiết trời se lạnh của Hà Giang những ngày cuối năm. Bạn có thể ăn thắng cố ở các chợ phiên thuộc Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú… 

 

 

 

Món ăn này thực sự thích hợp trong thời tiết se lạnh của tháng 11.

Thịt lợn cắp nách: Vì được lai giữa lợn rừng và lợn Mường nên lợn cắp nách trông khá nhỏ, khi bắt, được người dân kẹp trọn ở nách nên có tên gọi như vậy. Những con lợn này được nuôi thả và ăn rau củ dại trong rừng nên thịt nạc, chắc, không mỡ nhiều. Lợn cắp nách có thể chế biến thành món ngon như nướng, hấp, kho, làm lòng dồi...

 

 

 

Lợn cắp nách có thể được chế biến thành nhiều món ngon.

Ăn vặt

Thịt gác bếp: Thịt trâu, lợn gác bếp thường được làm từ những thớ thịt thái dọc dài và được tẩm các gia vị như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén. Sau đó thịt được xiên vào những que to và treo lên gác bếp. Sau một thời gian, miếng thịt khô lại, có vị ngọt đậm đà cùng hương vị đặc trưng khiến ai cũng thích.

 

 

Những miếng thịt gác bếp thơm lừng.

Bánh tam giác mạch: Hạt tam giác mạch chính là nguyên liệu để tạo nên một món bánh ngon mềm, ngọt bùi này. Sau khi thu hoạch, hạt tam giác mạch được phơi khô, xay bột làm bánh. Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Một chiếc bánh tam giác mạch to chừng hai bàn tay người lớn. Người Mông thường ăn bánh tam giác mạch cùng thắng cố.

 

 

 

Không chỉ được ngắm hoa tam giác mạch mà bọn còn được thưởng thức bánh tam giác mạch.

Chè Shan tuyết: Những cây chè Shan cổ thụ vùng cao màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè Shan tuyết. Để pha trà Shan tuyết người ta phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì mới cho ra đúng vị đậm đà của loài cây này. Chè Shan tuyết chan chát nhẹ nhưng lại để lại vị ngọt hậu nồng nàn.

 

 

Thưởng thức chén chè Shan tuyệt giữa cái se lạnh ở Hà Giang còn gì tuyệt vời hơn.

ĐẾN HÀ GIANG NHƯ THẾ NÀO?

Đi từ Hà Nội

Di chuyển bằng xe khách

- Hãng xe khách: Quang Nghị, Cầu Mè, Ngọc Cường… (Thời gian di chuyển: khoảng 6 tiếng).

- Giá vé 1 chặng: 200.000VND - 300.000VND/người tùy vào chất lượng hãng xe.

Đi từ TP.HCM

Chặng 1: Bay từ TP.HCM đến Hà Nội

- Hãng máy bay: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, Jetstar Airways (Thời gian di chuyển: 2 giờ 05 phút).

- Giá vé một chiều: Trung bình từ 1.000.000VND - 2.000.000VND tùy vào hãng máy bay.

Chặng 2: Đi xe khách từ Hà Nội đến Hà Giang như trên.

Du lịch Hà Giang - Ảnh 20.
 

Ở ĐÂU TẠI HÀ GIANG

Đến với Hà Giang bạn có thể lựa chọn ở các homestay với những thiết kế gần gũi với thiên nhiên và người dân bản địa. Đây là cách để bạn được nghỉ ngơi giữa núi rừng cũng như tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Giá các homestay ở Hà Giang dao động từ 500.000 - 1.500.000VND/đêm.

Một trong những homestay bạn không thể bỏ qua là Dao Lodge, đây là một homestay được thiết kế bởi kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào mang sắc màu truyền thống với những bức tường bằng đất nung cùng căn nhà sàn thiết kế đơn sơ, mộc mạc. 

 

 

Dao Homestay có kiến trúc rất độc đáo.

Tại Hà Giang cũng có rất nhiều homestay phục dựng và cải tổ lại những ngôi nhà của người dân tộc. Homestay Du Già là quần thể những ngôi nhà truyền thống, có tuổi đời trên dưới 50 năm của người Tày. Tại đây bạn sẽ được đi tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa như ẩm thực, âm nhạc tại một số bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số. 

 

 

 

 

Homestay Du Già mang lại cảm giác gần gũi và bình yên.

Một lựa chọn khác cho bạn là homestay Auberge de Meovac hay còn gọi là Chúng Pủa (trong tiếng H’mong nghĩa là bên suối) nằm trong một con ngõ khá nhỏ ngay trung tâm thị trấn Mèo Vạc. Homestay này phục dựng lại một ngôi nhà đã hơn 100 tuổi của người H’mong.

 

 

 

Homestay Chúng Pủa cũng là nơi giúp bạn tìm hiểu văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

ĐI DU LỊCH HÀ GIANG HẾT BAO TIỀN?

Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch đẹp rực rỡ, thời điểm đi du lịch không thể bỏ qua  - Ảnh 24.
 

 

 

Theo helino.ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang