Bàng hoàng với bí mật của một bà mẹ không cho con bú

Thảo luận trong 'Các vấn đề chăm sóc khác' bởi thao_hc_mtv, 15/10/2014.

  1. thao_hc_mtv

    thao_hc_mtv ĐỒ ĂN NHÀ TÍ

    Tham gia:
    12/10/2009
    Bài viết:
    2,750
    Đã được thích:
    541
    Điểm thành tích:
    823
    Bàng hoàng với bí mật của một bà mẹ không cho con bú


    Những bà mẹ tôi quen đều tỏ ra sững người khi nhìn thấy tôi đổ sữa công thức vào bình. Cho con bú bất cứ lúc nào chúng đòi là công việc quen thuộc của họ, và tất cả họ, khi quan sát tôi, đều có cùng một câu bình luận "Cho con bú mới là cách chăm con tối ưu nhất chứ!"

    bú mẹ, sữa công thức
    ảnh minh họa

    Bạn có thể bắt gặp câu châm ngôn "sữa mẹ là tốt nhất" ở mọi nơi, trong quán cafe, công viên, ngay cả ở nhà bạn bè. Một ông anh tôi quen thậm chí còn để ý thấy chồng tôi đang đưa cho Lincoln (bé trai 3 tháng tuổi của chúng tôi) bình sữa trên Facebook và bình luận vào dưới bức ảnh: "Sao em không cho con bú? Em biết như thế là tốt hơn mà?".

    Ồ, tôi biết cả chứ. Điều duy nhất tôi không biết là nên phản ứng lại như thế nào mà thôi.

    Sự thực là, tôi may mắn sống sót sau khi bị phát hiện mắc ung thư vú. Sau nhiều lần phẫu thuật cắt bỏ ngực, một quá trình đau đớn nhưng đã cứu mạng tôi, đơn giản là tôi không thể cho con bú được. Năm tôi 32 tuổi, tôi được bác sĩ thông báo rằng "có thể" tôi đang mang tế bào ung thư vú trong người, sau khi họ hội chẩn một bức ảnh siêu âm chụp tại bệnh viện ở Nairobi, Đông Phi, nơi tôi đang làm trưởng đại diện của The Post. Ngay lập tức, vợ chồng tôi lao về nhà trên một chuyến bay dài 16 tiếng, trong một tâm trạng mà tôi chỉ có thể mô tả là "kinh hoàng".

    Gia đình tôi có tiền sử mắc căn bệnh tử thần này. Bà tôi, Emily Wax, qua đời khi mới ngoài 30 tuổi. Căn bệnh ung thư quái ác khiến bà bị mù lòa trước khi ra đi, sức khỏe suy kiệt nhanh chóng. Ngày nay, các phương pháp xạ trị và phẫu thuật công nghệ cao giúp cho nhiều bệnh nhân ung thư vú tìm được ánh sáng hy vọng, và tôi là một trong số đó.

    Vợ chồng tôi luôn ao ước có nhiều con. Nhưng sau 6 tháng xạ trị và 3 lần phẫu thuật, chúng tôi phải đợi 5 năm vì tôi vẫn tiếp tục dùng thuốc tamoxifen, một loại thuốc đặc hiệu để điều trị ung thư nhưng gây nhiều ảnh hưởng đến buồng trứng và khiến cho người uống không thể có thai. Các văn phòng nhận nuôi trẻ cũng yêu cầu chúng tôi đợi chờ, bởi họ muốn khẳng định là tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh.

    Đó quả thực là 5 năm dài như một đời người. Bạn bè tôi hết người này đến người khác có thai. Mỗi tuần, dường như tôi lại nhận được một lá thư mời làm phù dâu. Đó là những khoảnh khắc tràn ngập sự mòn mỏi và ghen tỵ trong sâu thẳm nơi tôi.

    Điều may mắn là sau 5 năm, các tin tức đều rất tích cực. Chúng tôi được "bật đèn xanh" để có thai. Nhưng do các liệu pháp điều trị ảnh hưởng nhiều đến trứng và khả năng thụ thai, cộng thêm việc nay tôi đã 37 tuổi, các bác sĩ khuyên chúng tôi nên thụ tinh nhân tạo để đạt tỷ lệ thành công cao hơn. Phải mất 2 lần làm IVF, chúng tôi mới có tin vui.

    Không gì có thể lột tả niềm hạnh phúc của chúng tôi khi ấy. Và vào ngày 29/1 năm nay, tôi đã sinh được một bé trai kháu khỉnh, tóc nâu nhạt và rất háu ăn.

    "Em đã không bỏ cuộc", chồng tôi vừa vỗ về vợ, vừa mỉm cười khi chứng kiến cảnh Lincoln bú mút ngon lành bình sữa công thức. Nhưng đó cũng là lúc mọi chuyện bắt đầu. Đầu tiên là y tá hộ sinh trong viện: "Chị nên cho cháu bú". Tôi có thể thấy rõ sự phản đối trên gương mặt họ, khi tôi chỉ trả lời đơn giản là "Không, vợ chồng tôi sẽ dùng sữa công thức".

    Những lời bình luận vô ý của mọi người khiến cho ác mộng về căn bệnh ung thư ùa trở về tâm trí tôi, xua tan cảm giác hạnh phúc và sung sướng của một thai kỳ tương đối suôn sẻ và sự ra đời của đứa con khỏe mạnh, đáng yêu. "Mẹ xin lỗi con yêu, Mẹ không thể vì mẹ bị ung thư vú. Nhưng mẹ thật hạnh phúc vì vẫn còn sống và được làm mẹ", tôi trìu mến tâm sự với Lincoln.

    Nhưng những lời bình luận vẫn liên tiếp dội xuống. "Cứ thử đi. Hãy cứ tin là chị sẽ có sữa", họ khuyên.

    Sự stress lên đến tột độ. Tôi buộc phải tìm đến bác sĩ điều trị ung thư của mình, hỏi họ rằng liệu có cách nào đó mà tôi vẫn có thể có sữa được hay không. Rất từ tốn và cảm thông, bác sĩ nói với tôi rằng điều đó là không thể, nhưng "không một ai hay một nhóm người nào được phép khiến cho một bà mẹ cảm thấy tội lỗi vì những quyết định mà họ đã chọn lựa, hoặc khiến cho họ cảm thấy tự ti vì mình không chăm con được như những bà mẹ bình thường khác".

    Và rồi tôi tìm kiếm những nghiên cứu so sánh về các cặp trẻ sinh đôi, một trẻ được bú sữa mẹ còn trẻ kia dùng sữa công thức. Té ra câu thần chú "Sữa mẹ là tốt nhất" mà tôi suốt ngày phải nghe chẳng đúng chút nào: 10 trên tổng số 11 chỉ số về sức khỏe, thể lực và tư duy của trẻ ở độ tuổi 4-14 đều cho thấy kết quả bằng nhau giữa hai phương pháp dinh dưỡng, bao gồm chỉ số BMI, khả năng đọc hiểu tổng hợp, làm toán, sự thông minh dựa trên trí nhớ...

    Phương diện duy nhất có sự khác biệt là bệnh hen/suyễn, mà theo nghiên cứu thì trẻ bú mẹ có nguy cơ mắc phải cao hơn so với trẻ bú bình. Tất nhiên, vẫn có hàng tá nghiên cứu khẳng định sữa mẹ tốt hơn vì nhiều dinh dưỡng và tăng cường khả năng miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Nhưng nghiên cứu nói trên vẫn mang tính chất đột phá vì nó so sánh các cặp anh chị em chứ không phải lựa chọn trẻ ngẫu nhiên, bà Cynthia Colen, Phó giáo sư Đại học Ohio, trưởng nhóm tác giả phân tích.

    Nhưng không phải ai cũng để tâm đến nghiên cứu đó. Một người bạn của tôi, sau khi nghe xong đã đáp "Mình có ít sữa mẹ trữ đông trong tủ lạnh đấy. Mình có thể cho Lincoln uống". Tôi biết, cô ấy chỉ có ý tốt. Nhưng....

    Thật may là không phải ai cũng phán xét tôi nữa. Sau khi tôi in và phát nghiên cứu trên cho những người mình quen, một số bà mẹ đã tiết lộ rằng họ ước có thể ngừng cho con bú để được ra khỏi nhà hơn 3 giờ đồng hồ. Hoặc để chồng họ/ông bà ngoại có thể cho em bé ăn thay cho mẹ. Hoặc vì bé cắn mẹ đau đến phát khóc, hoặc vì họ cần phải làm việc mà không được nghỉ ngơi. Hoặc đơn giản, vì họ nhận nuôi trẻ nên không thể có sữa....Rất nhiều, rất nhiều lý do.

    Để kết lại, xin dẫn lời giảng viên yoga của tôi, người đã thẳng thắn nói rằng" Đừng bao giờ bận tâm về việc đó. Hãy tận hưởng niềm vui của một bà mẹ. Chị đã rất vất vả để có được điều đó".

    Y Lam

    http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/202075/bang-hoang-voi-bi-mat-cua-mot-ba-me-khong-cho-con-bu.html

    Mình không thích cái title nhưng mình hoàn toàn ủng hộ quan điểm của tác giả bài viết này. Để tôn vinh sữa mẹ, người ta đã không ngại chỉ trích sữa công thức và những bà mẹ không cho con bú. Trong khi trên thực tế, rất nhiều người mẹ đã KHÔNG THỂ cho con bú, và họ thực sự cảm thấy tổn thương sâu sắc khi đọc những thông tin như vậy. Bạn mình thậm chí còn bị stress nặng vì cô ấy không có sữa mà liên tục bị mọi người nhắc nhở tại sao không cho con bú, thậm chí còn khó chịu khi thấy cô ấy cho con ăn sữa công thức. Hy vọng với bài viết này mọi người sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về việc nuôi con nói chung và cho con bú nói riêng. Mỗi người sẽ có cách nuôi con phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của riêng mình.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi thao_hc_mtv
    Đang tải...


Chia sẻ trang này