Dạy con khôn lớn thành người đòi hỏi ở cha mẹ “tố chất” của một nhà khoa học, một nghệ sĩ, nhà tâm lý học, có khi là một nhà… quân sự. Nhưng hình như chừng đó vẫn chưa đủ, còn cần cả tình yêu đầy bản năng, vô điều kiện luôn đầy ắp trong trái tim yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu, sách báo về các bí quyết dạy con, ở mọi lứa tuổi, cũng đã từng tham gia nhiều hội thảo, nói chuyện chuyên đề của những bậc thầy về giáo dục trẻ em để tìm cho mình một “giáo án” phù hợp nhất với cô con gái nhỏ của mình. Và tôi nhận ra rằng, sự thật đó là một nhiệm vụ bất khả thi, vì bí quyết nào cũng hay, kinh nghiệm nào cũng có lý và có vẻ dễ dàng áp dụng; nhưng khi bắt tay vào thử nghiệm với bé con của mình, thì nảy sinh nhiều trở ngại do bị chi phối bởi các yếu tố như thói quen sinh hoạt của gia đình, tâm lý của con, chưa kể đến khác biệt về văn hoá, xã hội hay thậm chí là… thời tiết! Cuối cùng, tôi đã nhận ra “chìa khoá” quan trọng, “ẩn náu” trong tất cả các bí quyết, rằng người cần học ở đây không phải là bọn trẻ mà đó chính là bố mẹ chúng. Bố mẹ phải là tấm gương Một buổi chiều tan tầm, con đường chật kín người xe, tôi và nhiều người đi đường khác đều bực bội khi một chiếc xe hơi cáu cạnh vội vã bẻ lái đột ngột để tấp vào lề đường. Cửa xe bật mở, ông bố quát: “Ra nhanh lên, trèo lên vỉa hè mà… đái!” Cậu con trai khoảng 5 – 6 tuổi chạy ra, mặt cúi gằm xuống để “giải quyết nỗi buồn”. Không phải ngẫu nhiên, lời khuyên của hầu hết các nhà tâm lý, giáo dục là cha mẹ trước hết hãy là tấm gương cho con. Ông bố trong tình huống trên, chắc sẽ khó có thể dạy con về những quy tắc văn minh nơi công cộng. Bạn muốn bé ngoan ngoãn, lễ phép thì chính bạn phải thân thiện, cởi mở với hàng xóm láng giềng. Bạn muốn bé biết tiết kiệm điện thì chính bạn phải cho bé thấy cách bạn tắt mở đèn trong nhà. Bạn muốn bé cư xử văn minh thì chính bạn phải là người biết bỏ rác vào thùng… Bé con của bạn sẽ quan sát và tự xây dựng cho mình bài học từ những điều đơn giản và nhỏ nhặt đó. Đừng doạ dẫm, hãy hành động Trong một hội thảo về “Dạy con qua các trò chơi” tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Khê có kể một câu chuyện. Khi còn giảng dạy ở Pháp, ông thường đến chơi nhà một cậu học trò, vợ chồng anh này có một cô con gái bốn tuổi rất cứng đầu, cực thích quăng đồ chơi và bắt bố mẹ “lúc cúc” đi nhặt về để cô bé… lại quăng đi tiếp. Bố mẹ doạ dẫm, ngọt nhạt, hứa hẹn đủ thứ cũng chỉ làm bé khóc lóc, ăn vạ thêm. Sau hai lần quan sát cảnh con ném bố mẹ nhặt, GS Khê đề nghị vợ chồng anh học trò để mình “dạy dỗ nhỏ cứng đầu này”. Khi cô bé ném con búp bê ra cửa bếp, ông bảo “Lil, đi nhặt búp bê!”, con bé phụng phịu ngồi yên, ông tiếp “Lil, nếu không nhặt, ông sẽ quẳng con búp bê của con vào sọt rác”. Con bé ngân ngấn nước mắt nhưng vẫn ngồi lì. Ông đứng dậy, nhặt con búp bê, “bẻ” (làm bộ) chân, “bẻ” tay rồi quăng thẳng vào sọt rác. Con bé oà khóc nức nở nhưng từ hôm sau không bao giờ quăng đồ chơi nữa, hoặc có quăng, cũng lon ton tự đi nhặt và đặc biệt là không hề sứt mẻ chút tình cảm nào với ông Khê. GS Khê nói, sai lầm của cha mẹ là chỉ hù doạ bọn trẻ rồi để đấy, tưởng rằng tụi con nít “yếu bóng vía” sẽ sợ uy mình mà không biết rằng tụi nhỏ rất tinh ranh, vài lần như thế nó sẽ biết cha mẹ “nói không dám làm” rồi thành nhờn thậm chí không có niềm tin, hồ nghi vào lời nói của cha mẹ. Vì thế, để dạy dỗ con cái, cha mẹ cần chín chắn, hãy suy nghĩ kỹ và chắc chắn với phát ngôn của mình trước khi nói với con, và đã nói là làm để con biết điều đó thực sự là một thông điệp nghiêm túc. Yêu thương, trân trọng gia đình Vừa hôm trước, chị bạn thân chia sẻ trên Facebook: “Hôm qua bạn Su quát lên với mình: Mẹ, đưa cho con chiến cơ siêu hạng! Mình bảo: Con đừng quát lên với người lớn, thế là chưa ngoan đâu! Bạn ấy lý giải: Nhưng mà các anh trong Đồ Rê Mí quát như thế với chú Xuân Bắc mà!” Chị không biết nên xử lý tình huống này thế nào và thực tế nhiều bậc cha mẹ có chung sự khó xử như thế khi “Ở nhà mình dạy nó thế, nhưng đi học, đi đường… nhiều khi nó lại thấy những điều hoàn toàn ngược lại, mà thời gian nó đi học là nhiều, nên… cũng khó nói và đau đầu lắm”. Các mẹ có lý do để “đúc kết” như vậy, nhưng không phải ngẫu nghiên mà cả “tây” lẫn “ta” đều cho gia đình là nhân tố cốt lõi, quan trọng của xã hội. Gia đình có sự ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến xã hội, một trong những khía cạnh đó là việc hình thành nên nhân cách của những đứa trẻ. Trong cuốn Kindergarten is Too Late, tác giả Masaru Ibuka – cha đẻ của tập đoàn Sony, doanh nhân nổi tiếng người Nhật cũng cho rằng, được lớn lên trong một đại gia đình là điều tuyệt vời và lý tưởng nhất đối với mọi đứa trẻ. Các thành viên trong gia đình chính là “mô hình” của một xã hội thu nhỏ để bé thực hành cách ứng xử và thói quen giao tiếp cũng như các kỹ năng sống quan trọng. Cha mẹ đừng bao giờ tự hạ bậc vai trò của mình khi dạy dỗ con cái, đừng ỷ lại vào cô giáo, nhà trường hay bất cứ ai, bởi vì, với con, cha mẹ, gia đình chính là “cái gốc” vững vàng để con tự tin lớn lên và phát triển toàn diện. Khi với con “gia đình và cha mẹ là chuẩn mực” thì cho dù có ở trong xã hội hay môi trường sống nào thì những điều mà con học được từ gia đình, cha mẹ vẫn sẽ luôn là “ngọn hải đăng” sáng nhất. Và bí quyết là… Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ điều mà tôi tâm đắc từ bộ phim Kungfu Panda (phần 1), đó là khi Mr Ping nói với cậu con trai Po về bí quyết của món mì gia truyền: “The secret ingredient is… nothing!” (Bí quyết chính là… chẳng có bí quyết gì cả), bởi vì “để tạo ra một điều gì đó đặc biệt thì con phải tin rằng điều đó là đặc biệt”. Tôi nghĩ, các bậc cha mẹ cũng nên như thế, thư giãn và tự tin rằng mình hoàn toàn có thể dạy dỗ con cái thành người tốt theo cách riêng của mình, thay vì mất quá nhiều thời gian để “khai quật” các bí kíp ở khắp ngõ ngách internet hay các cuốn sách dày hàng trăm trang. Thay vào đó, hãy dành thời gian để yêu thương và ở bên các con của bạn. (ST)
Ðề: Dạy con là cách để cha mẹ lớn lên Bố mẹ phải là tấm gương Một buổi chiều tan tầm, con đường chật kín người xe, tôi và nhiều người đi đường khác đều bực bội khi một chiếc xe hơi cáu cạnh vội vã bẻ lái đột ngột để tấp vào lề đường. Cửa xe bật mở, ông bố quát: “Ra nhanh lên, trèo lên vỉa hè mà… đái!” Cậu con trai khoảng 5 – 6 tuổi chạy ra, mặt cúi gằm xuống để “giải quyết nỗi buồn”. Không phải ngẫu nhiên, lời khuyên của hầu hết các nhà tâm lý, giáo dục là cha mẹ trước hết hãy là tấm gương cho con. Ông bố trong tình huống trên, chắc sẽ khó có thể dạy con về những quy tắc văn minh nơi công cộng. Bạn muốn bé ngoan ngoãn, lễ phép thì chính bạn phải thân thiện, cởi mở với hàng xóm láng giềng. Bạn muốn bé biết tiết kiệm điện thì chính bạn phải cho bé thấy cách bạn tắt mở đèn trong nhà. Bạn muốn bé cư xử văn minh thì chính bạn phải là người biết bỏ rác vào thùng… Bé con của bạn sẽ quan sát và tự xây dựng cho mình bài học từ những điều đơn giản và nhỏ nhặt đó. ->>> quá chuẩn!