Mình đang làm đề tài “Phát triển ngôn ngữ cho trẻ”. Hàng ngày mình phải quay video những đoạn tập nói của con và thử nghiệm một vài cách thức để dạy con tập nói. Kết quả là bé nhà mình biết nhận biết những vật quen thuộc như con bò (ở trên sách), búp bê, bông hoa, đèn sáng... từ lúc 6 tháng, biết nói những từ đơn giản như ạ, bố, bà, gà, bò từ lúc 8 tháng, lúc 1 tuổi thì nói được các từ đôi như Bác Hồ, tắc xi, gà gáy, chó sủa... Lúc bé được 18 tháng và nói được những câu hoàn chỉnh, tương đối chuẩn ngữ pháp, có cả trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ đàng hoàng như: Mẹ ơi bế con đi xem chó gâu gâu, Mẹ ơi lấy hộ con cái bánh... Từ thực tế và cả sách vở, mình có một vài điều muốn chia sẻ với các mẹ. Tất nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm của riêng mình, nếu có gì không ổn, mong các mẹ điều chỉnh. - Cơ sở nền tảng để phát triển ngôn ngữ của bé: tư duy, giao tiếp và sự hoàn chỉnh của cơ quan phát âm. Trong đó tư duy là yếu tố cơ bản, nền tảng, cần phải được rèn luyện sớm nhất. Đó là sự nhận biết các sự vật và tích luỹ các khái niệm. Bé biết càng nhiều sự vật thì vốn từ càng phong phú, học nói càng thuận lợi. Giao tiếp là yếu tố quyết định, thông qua giao tiếp, đặc biệt là với mẹ và những người thân trong gia đình mà bé có thể nối các khái niệm trong đầu với các từ ngữ, và học được cách phát âm. Đồng thời, khi bé đã hiểu được một số từ nhất định, thì thông qua giao tiếp, bé có thể hiểu được nghĩa của các từ khác hoàn toàn mới nhờ suy luận. Như vậy, giao tiếp vừa hiện thực hoá những từ ngữ ở dạng tiềm tàng, vừa thúc đẩy hiểu biết và tích luỹ những từ ngữ mới, đặc biệt là các từ trừu tượng. Yếu tố thứ ba, sự hoàn thiện của cơ quan phát âm tuy thuộc về cấu tạo sinh lí và cần phải có thời gian mới có thể đạt được, song lại có thể đẩy nhanh quá trình này bằng vào hai yếu tố trên. Ví dụ, nhờ có tư duy nhanh nhẹn mà trẻ có thể bắt chước chính xác phát âm của người khác. Nhờ có giao tiếp mà bé hình thành nhu cầu bức thiết phải tìm cách tự biểu đạt ý kiến của mình. Còn một yếu tố xúc tác, đó là tâm lí. Bé sẽ hào hứng học nói và tích luỹ từ vựng nếu như việc làm của bé được khuyến khích. Yếu tố này sẽ là động lực để thúc đẩy tất cả các yếu tố trên. Từ những nhận thức trên đây, mình nghĩ chỉ có một yếu tố thuộc về sinh lí và bẩm sinh là cấu tạo của cơ quan phát âm. - Quá trình phát triển ngôn ngữ của bé: + Giai đoạn tiền ngôn ngữ: từ lúc trong bụng mẹ đến trước lúc trẻ có thể phát âm được các từ. Đây là giai đoạn tích luỹ về khái niệm và phát triển tư duy. Trong giai đoạn này, trẻ ghi nhớ một cách vô thức tất cả những sự vật mà chúng cảm nhận được bằng giác quan, trong đó có ngôn ngữ. Sau đó, các sự vật này sẽ được tổng hợp, khái quát lại trong đầu rồi hình thành nên khái niệm về sự vật. Ví dụ như: bé nhìn thấy nhiều bông hoa khác nhau, từ đó khái quát nên một khái niệm về bông hoa. Như con mình chẳng hạn, mình cho xem bông hoa hồng trên bức tranh, một bông hoa sen trong lọ, một bông hoa mình vẽ nghuệch ngoạc trên giấy, thế mà lần sau, nhìn thấy một bông hoa hoàn toàn khác là hoa cúc, bé vẫn biết đấy là bông hoa. Sự tích luỹ khái niệm và sự vật trong giai đoạn tiền ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển ngôn ngữ sau này của bé. Lại ví dụ bé nhà mình. Từ lúc 6 tháng, mình cho bé xem truyện Chú mèo đi hia, trong đó có hình ông vua, chú mèo, công chúa và bé chỉ được đúng những gì mình yêu cầu. Bẵng đi 6 tháng, quyển sách bị rơi vào gầm tủ không lấy ra được, mình tưởng bé đã quên rồi, thế mà đến khi giở quyến sách ấy ra, lúc ấy bé đã biết nói rồi, mình chỉ hình ông vua và hỏi: "Đố con đây là ai?" thì bé trả lời ngay: Vua. Từ đấy, mình thấy rằng, những từ ngữ đã nằm ngủ sẵn trong đầu bé từ trước khi bé có thể nói, kí ức về từ ngữ của bé chỉ chờ có sự hoàn thiện của cơ quan phát âm, sự bức thiết của nhu cầu diễn tả là nó sẽ bật ra. Thế cho nên, có những em bé chậm nói, nhưng khi nó bắt đầu nói thì bố mẹ rất ngạc nhiên vì nó nói được những thứ mà dường như không có ai dạy cả. Chẳng qua là nó đã được tích luỹ và ngủ yên trong kí ức ngôn ngữ từ rất lâu rồi . + Giai đoạn bập bẹ: bé nói được các từ đơn giản song phát âm chưa chuẩn. + Giai đoạn nói hoàn chỉnh cả câu. Trong đó, mình nghĩ giai đoạn tiền ngôn ngữ là quan trọng nhất, đồng thời cũng cần phải hỗ trợ nhiều nhất, vì đây là quá trình học nói một cách hoàn toàn bị động, phụ thuộc vào môi trường và nhất là sự dẫn dụ của người lớn. Từ khi bé biết nói bập bẹ cho đến lúc bé nói được cả câu là một quá trình diễn ra rất nhanh. Và trong quá trình này, bé không học nói một cách bị động như giai đoạn trước mà đã rất chủ động rồi. Thế nên, để đẩy nhanh quá trình học nói của trẻ, phải can thiệp vào chính giai đoạn tiền ngôn ngữ này. Thế nhưng, các mẹ có con trên một tuổi mà vẫn chưa biết nói thì cũng đừng thất vọng, bởi vì thực sự, 3 giai đoạn này luôn luôn cùng tồn tại, trong suốt quá trình học nói của bé. Từ những đúc kết trên đây, mình đã áp dụng một số biện pháp sau và chắc là những biện pháp này cũng có hiệu quả nhất định. Nguyên tắc của dạy bé nói được đúc kết thành công thức thế này: sự vật trực quan + từ ngữ (môi trường giao tiếp) + cách phát âm từ (chậm rãi, nhắc đi nhắc lại, điều chỉnh nếu bé phát âm không chuẩn) + cổ vũ để kích thích hứng thú. Nhớ là bao giờ trực quan sinh động cũng là khởi điểm. Trẻ con luôn hứng thú với những gì mà chúng nghe thấy, sờ thấy, đặc biệt hứng thú với những gì mới mẻ, thế nên, để nuôi dưỡng lòng ham hiểu biết của chúng, phải luôn cho chúng thấy những thứ chúng chưa thấy bao giờ. - Nói chuyện thường xuyên với bé như với một người lớn, song dùng những từ đơn giản nhất. Ngay từ khi mới sinh, mình đã luôn nói chuyện với bé, bất kể là lúc ăn, lúc tắm, lúc ngủ. Cái này tuy mỏi mồm một tí nhưng mà mình nghĩ để giúp bé làm quen với ngôn ngữ và giúp bé tích luỹ được từ vựng. Và sau này cũng vậy, trước bất cứ một sự vật gì mới, mình đều giới thiệu, giải thích cho bé hiểu. - Thường xuyên cho bé tiếp xúc và nhận biết với các sự vật xung quanh, giúp cho bé nhớ được tên của tất cả những đồ vật trong nhà, ngoài đuờng..., các hiện tượng thiên nhiên như mưa, nắng, gió..., giúp bé diễn tả các cảm giác của cơ thể như nóng, lạnh, đau, ngứa, sợ, buồn đái, buồn ị, buồn ngủ... Nguyên tắc là bắt đầu bằng các sự vật cụ thể, trực quan, tiếp đó là các từ trừu tượng. - Dùng tranh ảnh, sách báo minh hoạ để mở rộng hiểu biết và khả năng nhận biết sự vật. Thỉnh thoảng lại mua một bức tranh mới để treo tường (mình bắt đầu bằng tranh về các loài động vật, nhất là những động vật quen thuộc mà bé có thể nhìn thấy ngoài đời sống, vì trẻ em rất thích động vật). Song, phải thay đổi luôn luôn tranh ảnh, các sự vật xung quanh chúng để tạo cho chúng niềm hứng thú khám phá. Trước bất kì một hình ảnh nào, mẹ đều phải giải thích cho chúng, thậm chí là mô tả đặc điểm của sự vật ấy. Ví dụ: nhìn tranh con voi, mẹ nói: đây là con voi, nó có cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước... Con cá nó bơi bơi (đồng thời làm động tác tay minh hoạ cá bơi)... Điều cốt yếu là luôn vắt óc nghĩ ra mọi cách để làm bé phải ngạc nhiên, tò mò, buồn cười. Tất cả những hành động khác thường của mẹ đều khiến bé thích thú và ghi nhớ sự vật dễ dàng hơn nhiều lúc mẹ giống như là con khỉ ấy...
Ðề: Dạy con tập nói Cam on ban, bai viet hay wa. Cu nha minh cung dang mai cha noi duoc day. Minh se ap dung cach nay cua ban
Ðề: Dạy con tập nói Bé nhà em 16 tháng rồi, mà vẫn chưa nói được, mỗi lần dạy cháu nói, cháu ko để ý đến, mà mải nhìn đi chỗ khác, hoặc mải chơi thứ khác. Liệu có phải do em ko cho cháu ăn thêm sữa ngoài, nên giờ chậm phát triển ? Vì cháu từ bé tới giờ chỉ ti mẹ, ko chịu ăn sữa ngoài ạ.
Ðề: Dạy con tập nói Em đống ý với ý kiến của bác này.Thực tế trải nghiệm của em về con em lúc 20 tháng tuổi của em như sau: Khi con đuợc tầm 6 tháng trở đi em hay có thói quen đọc truyện cho con nghe mỗi ngày 1 trang dần dần khi con lớn dần cho tới tận bây giờ em vấn giữ thói quen ấy. Lúc còn nhỏ thì đọc cho con theo dạng kể về nội dung cũng như theo cảm xúc của truyện khi con lớn lên em hay kể và chỉ cho con cả màu và các con vật hay cây cối có trong truyện, đại loại như "con nhìn này đây là cái cây cao, lá màu xanh, còn đây là 1 chú lợn con màu hồng, chú ấy đang làm gì thế con nhỉ, chú ấy đang chuẩn bị làm nhà cho mình đấy, tay chú ấy cầm cái búa này, cai búa màu...." cho đến khi hết trang hay đến khi cảm thấy con giảm hứng thú thì em dừng. Đấy là phần đọc truyện còn nói chung là nói với con mọi lúc mọi nơi như khi em cắt móng tay cho con, em đều nói từng bàn tay rồi từng ngón tay, mỗi lần cẳt đều nói, mới đầu con chỉ nghe khi con ko biết nói nhưng dần dần con cũng nói đuợc vài ngón....Rồi khi 2 mẹ con chơi em hay nói hay hỏi con ngày hôm nay mẹ dẫn con đi chơi đâu, con gặp nhưng ai, mọi nguời nói thế nào, con chào thế nào....Nói chung là nói liên hồi, liên tục bất kể lúc nào như cái máy bên cạnh con. Giờ kết quả thu đuọc của em cũng khá ổn: 19 tháng con đã nhớ và gọi tên đuợc mấy màu cơ bản và biết ngón tay nào, tay nào...ngoài nói con còn có khả năng nhớ rất tốt nữa. Cũng 1 chút xíu kinh nghiệm thôi nhưng em thấy mình nói với con nhiều nhất là khi con hứng thú thì mình nên tiếp tục, khi con chán thì tạm dừng chứ đừng ép con quá cũng không hay.
Ðề: Dạy con tập nói Dạy con tập nói những tháng đầu đời là rất quan trọng và bố mẹ là người giúp con biết nói nhanh nhất. Kinh nghiệm giúp con nói sớm của nhà mình thì như thế này (thành công với cả hai con luôn, 12 tháng là biết nói, 13 tháng là đọc thơ được rồi, 20 tháng thì nói bình thường và diễn tả được mọi tình huống), rất đơn giản mà hiệu quả: - Luôn luôn nói chuyện với con khi có cơ hội (lúc cho con ăn, lúc tắm cho con, lúc chơi với con). Luôn nói chuyện như con đã lớn đã hiểu. Những lúc ăn có thể kể những câu chuyện ngắn. Lúc tắm có thể đọc thơ, hoặc giải thích cho con tại sao phải làm thế này phải làm thế kia... --> Luôn giao tiếp với con thông qua lời nói, cử chỉ. Việc này chỉ có người thân trong gia đình mới làm được: bố, mẹ, ông bà. Không chuyển trách nhiệm này sang người giúp việc. - Luôn kể chuyện, đọc thơ hàng đêm trước khi con đi ngủ (có thể từ 5 tháng trở đi). Mỗi ngày một câu chuyện, nhỏ thì ngắn, lớn hơn thì dài hơn. Cố gắng là chính bố mẹ kể chuyện hay đọc thơ nhé. Trong trường hợp bố mẹ không tự tin vào việc đó thì mới dùng đến đĩa kể chuyện đọc thơ. - Luôn làm con cảm thấy con là người bố mẹ cần, yêu mến và muốn giao tiếp. Tình cảm giúp con muốn nói được, giao tiếp được với bố mẹ. Việc giúp con có một vốn từ vựng phong phú và nhiều mẫu câu là việc mà bố mẹ nên làm trong mọi tình huống. Đi chơi công viên có thể tả cho con nghe hoa này màu gì, thơm như thế nào. Xem phim chỉ cho con xem bạn này đáng yêu không, ngộ nghĩnh quá.... Không cần quá chú trọng vào việc con nói được từ nào rồi mà chú trọng vào việc cung cấp càng nhiều từ càng tốt cho con thông qua những cách trên. Trẻ con khi được người xung quang cung cấp từ ngữ, đến một ngày nhất định, trong tình huống nhất định, con sẽ tự bật ra nói mà không cần tập tành gì cả. Ví dụ như con gái nhà mình, khi bắt đầu bật ra nói là nói luôn câu dài, không nói từ đơn giản như ăn, uống, lấy; mà luôn nói cả câu: Con muốn ăn bánh.... Các mẹ thử ứng dụng xem thế nào nhé. Và luôn giữ nguyên tắc: không sốt ruột khi con chưa nói được, việc gì làm cũng cần có thời gian, không bắt con phải nói theo mình (trừ phi con bị nói ngọng), gây sức ép bắt con phải nói. Cứ thực hiện như trên là con rất nhanh biết nói.
Ðề: Dạy con tập nói cám ơn bạn nhé, con mình được 9 tháng rùi nên mình cũng đang tìm phương pháp dạy con tập nói. Mừng ghê khi kiếm dc bài viết của bạn.
Ðề: Dạy con tập nói huhu, con em 15 tháng mà nói ít lắm, đang bắt đầu nói được 2 từ, đúng là bé rất hay lơ đãng khi mẹ dạy nhưng khi be snosi là nói 2 từ liền và bé hiểu những gì mẹ đã giải thích, cảm ơn các bài viết bổ ích của các mẹ (u)
Ðề: Dạy con tập nói Bé nhà mình 18 tháng vẫn chỉ nói được khoảng 10 từ thôi mặc dù mẹ cũng hay dạy theo những kiến thức đã học trên internet; nhưng trộm vía khoảng tuần nay cứ mẹ nói gì thì con bắt chước nói theo rất nhanh, dù chưa rõ lắm nhưng thế là tiến bộ rõ rệt rồi
Ðề: Dạy con tập nói dạy con đúng pp là 1 điều tốt nhưng ko phải cứ thực hiện đúng pp là đứa nào cũng ok đâu, gần nhà mình có đứa nhà nó toàn người hay nói thế mà gần 3 tuổi nó vẫn chưa nói từ nào, tưởng bị câm hóa ra hơn 3 tuổi 1 tý nó toàn tuôn tràng dài luôn