Miền Trung trong mùa mưa bão.

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi liti85, 10/5/2009.

  1. liti85

    liti85 Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    8/2/2009
    Bài viết:
    1,257
    Đã được thích:
    857
    Điểm thành tích:
    723
    Miền Trung trong mùa mưa bão.
    Bài 2: Hiểm họa từ những tuyến đê sông

    Tỉnh Bình Định hiện có 105km đê ngăn mặn và gần 390km đê sông, là một trong những địa phương có hệ thống đê nhiều nhất miền Trung. Thế nhưng, phần lớn tuyến đê này đã xuống cấp lại không được tu bổ, gia cố đúng mức suốt nhiều năm qua nên nguy cơ vỡ đê luôn tiềm tàng. Tại Phú Yên, nhiều tuyến đê cũng cùng chung “số phận”...
    Đê... lở
    Khi chúng tôi đến nơi, đoạn đê tại thôn Chánh Hội (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đang bị dòng sông “ăn” sâu vào chân đê, nguy cơ xói lở mỗi khi nước triều dâng cao là rất lớn. Ngoài ra, các tuyến đê trên địa bàn huyện Phù Cát như Bắc Chánh Mẫn - Đại Hữu (xã Cát Nhơn), Mỹ Bình - Phú Giáo (xã Cát Thắng), Tân Tiến (xã Cát Tiến)… có nhiều đoạn bị sạt lở sâu vào thân đê, đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân nếu có mưa lũ lớn.

    [​IMG]

    Nhiều đoạn của tuyến đê ngăn mặn tại huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) bị sạt lở gần hết. Ảnh: Hoàng Trọng


    Bên cạnh đó, hệ thống đê khu Đông của sông Hà Thanh có chiều dài trên 50km, từ TP Quy Nhơn đến phía đông Tuy Phước, Phù Cát càng đáng lo ngại hơn. Theo Chi cục Quản lý đê điều Bình Định (thuộc Sở NN-PTNT), hệ thống đê này vẫn còn 25km chưa từng được tu bổ trong hơn 10 năm qua nên nguy cơ vỡ đê rất lớn.

    Tại tuyến đê này, có nhiều đoạn cống tiêu qua đê bị nước thấm vào bên trong thân đê gây bào mòn, xói rỗng. Tuyến đê Huỳnh Giản - Nhơn Hội dài gần 5 km hầu như đã bị sạt lở và hư hỏng nặng nề.
    Trong khi đó, tại Phú Yên, tuy không có nhiều đê điều như những địa phương khác của miền Trung nhưng vẫn có những công trình ngăn mặn, chống lũ cần được nâng cấp, sửa chữa kịp thời.
    Gần 10 năm nay, sông Bình Bá chuyển dòng, khoét sâu vào đất liền, gần 100 hộ dân ở thôn Bình Thạnh (xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu) phải tự bỏ công sức đắp và gia cố thân đê. Đến năm 2006, Cục Quản lý đê điều (Bộ NN-PTNT) đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng lập dự án đầu tư tuyến đê bờ tả sông Bình Bá báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ xem xét hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.
    Điệp khúc thiếu kinh phí
    Theo thống kê của Chi cục PCLB và Quản lý đê điều tỉnh Bình Định, tỉnh này có 154 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích gần 65 triệu m3, trong đó đa số là các hồ chứa nước vừa và nhỏ được xây dựng trong giai đoạn 1976 - 1985 nay đã xuống cấp trầm trọng. Những năm qua, tỉnh Bình Định đã từng bước sửa chữa, nâng cấp và tu bổ đảm bảo an toàn cho hàng chục hồ chứa nước. Mùa mưa bão năm 2007 đã phá hoại 46 hồ chứa, nay cần được sửa chữa, nâng cấp.
    Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên mùa khô 2008, tỉnh Bình Định chỉ tập trung sửa chữa, nâng cấp được 10 công trình, số còn lại phải tiến hành các biện pháp gia cố để đảm bảo an toàn.
    Ng.Khôi

    Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định), cho biết, 8km đê ở cuối nguồn sông Kôn thuộc các xã Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Thắng, Cát Tiến và Cát Chánh đã bị xuống cấp nghiêm trọng, yêu cầu tu bổ, nâng cấp rất bức thiết. Nhưng vì kinh phí địa phương hạn hẹp nên mỗi năm chỉ tập trung gia cố những đoạn đê xung yếu nhất và hàn gắn các đoạn đê bị vỡ từ mùa lũ trước.
    “Hiện chúng tôi mới chỉ gia cố được 1km tại tuyến đê này. Những đoạn đê còn lại, chúng tôi chỉ biết vận động nhân dân đóng góp cọc tre, công sức và chính quyền địa phương hỗ trợ bao tải để tu bổ, khắc phục tạm thời” - ông Anh nói.

    Ông Phan Thanh Tuấn, Chi cục phó Chi cục Quản lý đê điều tỉnh Bình Định, cho biết, vì không có kinh phí để xây dựng lại nên cơ quan chức năng địa phương phải lập dự án xin đưa tuyến đê Huỳnh Giản - Nhơn Hội vào hệ thống đê biển của Chính phủ để được hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Trong năm 2009, với kinh phí được cấp gần 8 tỷ đồng sẽ tu bổ 600m đê khu Đông, sửa chữa 2 tràng xả lũ tại xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) và xây mới 2 cống thoát nước trên tuyến đê khu Đông, những tuyến đê còn lại coi như giẫm chân tại chỗ.
    “Mặc dù là địa phương có nhiều đê điều nhất miền Trung nhưng tất cả đều là đê cấp IV, kinh phí sửa chữa từ nguồn vốn của địa phương nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài thì tuyến đê khu Đông bị vỡ trong mưa lũ là điều không thể tránh khỏi” - ông Tuấn lo lắng.

    Tại Phú Yên, tuyến đê bờ tả sông Bình Bá vẫn là dự án nằm trên giấy đang chờ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong mùa lũ năm nay, tuyến đê cửa sông dài gần 2km này vẫn đứng trước nguy cơ mất an toàn như những năm trước.
    Theo ông Dương Văn Hưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Yên, không riêng gì đê Bình Bá, hiện Phú Yên còn tới 6 tuyến kè chống xói lở có nguy cơ sạt lở cao nhưng tỉnh không có kinh phí nên phải lập dự án và đang chờ nguồn kinh phí từ Chính phủ như các tuyến kè tại xã Xuân Hải, Xuân Thịnh, Xuân Hà (huyện Sông Cầu), An Ninh Đông, An Hòa (huyện Tuy An) và tuyến kè An Phú (TP Tuy Hòa)

    Hàng năm, các tỉnh miền Trung phải đối mặt với hàng chục cơn bão, lũ nên việc nâng cấp, tu bổ đê điều là việc làm cần kíp. Trong khi đó, đến nay, việc thực hiện nâng cấp, tu bổ đê điều vẫn chưa được chú trọng đúng mức khiến tính mạng và tài sản của hàng vạn người dân các tỉnh miền Trung bị đe dọa nghiêm trọng.
    Ng.Khôi – H.Trọng
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi liti85
    Đang tải...


  2. liti85

    liti85 Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    8/2/2009
    Bài viết:
    1,257
    Đã được thích:
    857
    Điểm thành tích:
    723
    Miền Trung trong mùa mưa bão
    - Bài 1: Nỗi ám ảnh biển xâm thực


    Đã nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, người dân sống dọc ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam... thường rơi vào trạng thái lo lắng tột cùng bởi nạn xâm thực của sóng biển. Cứ vào mỗi mùa mưa bão, nhà cửa, đất đai và bao nhiêu thứ tài sản khác lại bị sóng cuốn ra biển. Trong khi đó, các dự án xây dựng đê biển vẫn ì ạch khiến người dân vô cùng bức xúc.

    Bạc đầu vì sóng
    Nhiều năm qua, gần 100 hộ dân sống dọc biển Nam Ô (TP Đà Nẵng) luôn phải sống trong nỗi ám ảnh bởi sự xâm thực của sóng biển. 750ha đất sản xuất, đất sinh hoạt của người dân nơi đây đang ngày càng bị thu hẹp bởi biển ngày càng “ăn” sâu vào đất liền.
    [​IMG]
    Người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu đóng kè chắn sóng. Ảnh: Nguyên Khôi

    Trong các trận bão cuối năm 2007 và 2008, tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), nước biển đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi nhà cửa và ao tôm của 16 hộ chuyên nuôi tôm giống. Cạnh đó, một đoạn đê dài gần 2km chạy dọc sông Cu Đê (đoạn cầu Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của cây cầu Nam Ô.

    Theo ông Bùi Văn Quốc, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, hơn 3,5km dọc bờ biển bị sóng “gặm nhấm”. Mặc dù chính quyền địa phương đã phải sử dụng 10.000 bao cát/năm để hỗ trợ chèn chống nhưng 2,5 km bờ biển sát khu vực dân cư vẫn bị sóng biển xâm thực. Đỉnh điểm là vào mùa bão 2007, sóng biển xâm thực đã đánh sập hoàn toàn 4 căn nhà, hàng chục căn nhà khác bị “nạo” sạt móng, sập nền từ 50% - 70%. Sóng biển cũng đã ăn sâu 100m vào khu vực dân cư phía Bắc ghềnh Nam Ô, gần 40 ngôi mộ buộc phải di dời khẩn cấp trước khi bị nước biển nhấn chìm.
    Trước tình trạng đó, tháng 1-2007, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã phê duyệt dự án “Đê, kè biển Liên Chiểu” với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 24 tỷ đồng, thi công trong 2 năm 2007 – 2008. Dự án này nằm trong chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14-3-2006.

    [​IMG]
    Đã nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, người dân sống dọc ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam ... lại sợ nhà cửa, đất đai và bao nhiêu thứ tài sản khác bị sóng cuốn ra biển... Ảnh: Nguyên Khôi

    Theo phê duyệt của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, dự án phải hoàn thành vào tháng 8-2008, trước mùa mưa bão. Thế nhưng, đến nay, tuyến đê biển này vẫn chưa thi công xong phần… đóng cọc!
    Khác với dự án “Đê, kè biển Liên Chiểu” của TP Đà Nẵng, tại tỉnh Quảng Nam, dự án kè Tam Thanh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2006 nhưng đến nay hơn 50 hộ dân sống khu vực này vẫn bị sóng biển đe dọa.
    Từ năm 2003, Nhà nước đã đầu tư 60 tỷ đồng để xây dựng 3km kè biển Tam Thanh và 1km kè sông và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2006. Thế nhưng, đến cuối năm 2006, sóng biển đã làm sạt lở gần 100m ở khu vực dốc ông Dũ và ông Ổi. Đến nay, mặc dù kè biển Tam Thanh bị sạt lở hơn 400m nhưng vẫn chưa được chính quyền địa phương khắc phục, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân.

    Thi công chậm, dân “lãnh đủ”
    Tính đến nay, dự án “Đê, kè biển Liên Chiểu” đã trễ hẹn đến 9 tháng. Không những người dân mà cả chính quyền địa phương cũng đang hết sức lo lắng về sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân nơi đây trước tình trạng sóng biển xâm thực trong mùa mưa bão này.
    Trả lời cho sự chậm trễ của dự án “Đê, kè biển Liên Chiểu”, ông Lê Duy Vọng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng giải thích là dự án gặp sự cố trong quá trình thi công.
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, “sự cố” mà ông Vọng đề cập thật “chẳng giống ai”. Khi đơn vị thi công thực hiện việc đóng cọc nhưng... đóng không xuống vì đất quá cứng, thế là phải chờ điều chỉnh thiết kế! Khi vừa điều chỉnh thiết kế xong thì gặp phải biến động về nhân công và giá vật liệu xây dựng tăng từ 30% - 35% so với kinh phí dự án ban đầu khiến đơn vị đầu tư gặp khó khăn nên phải chờ trình UBND TP Đà Nẵng duyệt chi phí phát sinh. Đến nay, dự án mới thực hiện được gần 45% - quá nhỏ so với tiến độ đề ra.
    Đối với dự án kè biển Tam Thanh, ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, trước tình hình sạt lở đe dọa đến tính mạng người dân, chính quyền địa phương đã di dời 23 hộ dân ở khu vực này đến nơi ở mới và hơn 30 hộ dân khác đang chờ di dời.
    Ông Dũng lý giải, do khu vực này nước xoáy nên phải thay đổi thiết kế. Hiện nay, các ngành chức năng đang tiến hành khảo sát và thiết kế lại đoạn đê này. Dự kiến tháng 7-2009 sẽ thi công và hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay (?!).
    Dự án chưa hoàn thành, dân khổ đã đành, thế nhưng đối với những dự án đã hoàn thành, người dân vẫn phải lo lắng. Đó là câu chuyện ở Bình Định, Phú Yên.
     

Chia sẻ trang này