Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của chúng ta là khi chết, chúng ta sẽ trở thành không. Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô. Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là những sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ. Thiền sư Nhất Hạnh (Trích từ sách "Không diệt không sinh đừng sợ hãi")
Chánh niệm là dây cương Có một người hay nổi giận khi nghe người khác nói những điều không vừa tai. Những lúc ấy anh không làm chủ được mình, để rồi sau đó thì hối hận, tự buồn, tự trách mình là tại sao biết rằng nói như vậy, làm như vậy sẽ không đẹp mà vẫn nói, vẫn làm. Đó là bởi vì không cưỡng lại được thói quen, ngựa theo lối cũ. Thấy vậy, một người bạn muốn giúp anh ta. Người bạn nói: "Hôm nay đi họp mình sẽ ngồi cạnh bạn, mình sẽ cầm tay bạn trong suốt buổi họp. Và nếu khi người ta nói những câu tưới hạt giống giận trong bạn, mình sẽ xiết chặt lấy bàn tay bạn, khi ấy bạn phải trở về với hơi thở và mỉm cười, mặc cho họ có nói gì". Hôm ấy anh ta đã không bùng nổ như mọi lần. Đó là do sự can thiệp của chánh niệm. Người bạn phải xiết tay anh bởi vì chánh niệm trong anh còn yếu. Nhưng sau vài lần có mặt của người bạn thì chánh niệm trong anh được nuôi lớn và từ đó anh không cần người bạn ngồi bên cạnh mình trong mỗi buổi họp nữa. Điều đó chứng tỏ rằng không gian trong anh đang lớn dần lên, anh bắt đầu có tự do trong các buổi họp. Điều này có được là do đâu vậy? Do chánh niệm. Đây là đầu dây mối nhợ. Nếu ta nắm được cái đó, ta sẽ có tự do. Bốn sự thật hay Tám con đường là sự đúc kết từ kinh nghiệm thực tập, chúng không đến từ một đấng Thượng đế, và cũng không phải do một tự viện đề ra. Bốn sự thật là một sự kiện đạo đức có thể được chấp nhận bởi bất cứ ai. Dù là Phật tử hay không phải là Phật tử thì đó cũng vẫn là sự thật. Dù ta có tin vào Bụt hay không tin vào Bụt thì đó cũng là sự thật. Ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên của mình, đức Thích Ca đã đề ra một nền đạo đức, một con đường. Nó rất thiết thực và không có tính siêu hình. Nó đưa chúng ta trở về với thực trạng của chính bản thân để mà hiểu, để mà thấy được con đường giúp ta chuyển hóa. Con đường này không dùng để suy nghĩ mà phải đem ra áp dụng. Mà hễ áp dụng thì sẽ có kết quả. Thiền sư Nhất Hạnh
Bồ tát lấy con mắt từ bi để nhìn mọi loài Sự an lạc và tình yêu thương, như tôi đã nói một lần, luôn luôn đi đôi với sự hiểu biết và không kỳ thị. Có kỳ thị là còn phân biệt, còn phe phái. Chỉ có con mắt thương yêu thực sự mới có khả năng nhìn được thực tại từ mọi quan điểm. Người biết thương yêu có thể thấy mình có mặt nơi một người, và vì có thể nhìn từ mọi quan điểm cho nên có thể vượt được mọi quan điểm để thiết lập được loại hành động phù hợp nhất với đại bi tâm. Ý nghĩa cao cả nhất của hai tiếng hòa giải là ở chỗ đó. Hòa giải không có nghĩa là thỏa hợp với mê vọng và sự tàn ác; trái lại, hòa giải là chống đối thường trực với mọi hình thức mê vọng và tàn ác nhưng với tâm đại bi và cái nhìn siêu việt phe phái. Phần đông trong chúng ta đều theo phe phái, đều thiết lập chính là căn cứ trên những dữ kiện ít ỏi mà ta thu lượm được, hoặc trực tiếp, hoặc qua các hoạt động tuyên truyền. Chúng ta thường cần một sự bất bình trong lòng mới hành động mạnh dạn được, dù là một sự bất bình chính đáng. Nhưng bất bình không đủ. Thế giới chúng ta không thiếu người dấn thân hoạt động. Thế giới chúng ta chỉ thiếu người có nhận thức rộng rãi để có thể thương yêu, để có thể từ bỏ phe phái mà ôm trọn được cả nhân loại trong lòng như một gà mẹ ấp ủ tất cả gà con của mình dưới hai cánh xòe rộng. Quán niệm về "trùng trùng duyên khởi" là một trong những phương tiện đi vào nhận thức ấy. Có nhận thức ấy rồi bạn sẽ không còn dễ dãi vung gươm phân biệt lên để chia cắt thực tại nữa. Bạn sẽ vượt được ranh giới phe phái, thoát khỏi bức tường chính tà, và thấy được rằng phương tiện và cứu cánh chỉ là một. Bạn hãy quan sát cho đến khi nào bạn có thể thấy rằng khuôn mặt nào trên xe điện ngầm (métro) cũng là khuôn mặt bạn, thân hình trẻ con gầy đét nào ở Nicaragua cũng là thân hình bạn, cho đến khi nào bạn có thể đói có thể đau trong cơ thể của mọi loài thì bạn thực hiện cái thấy vô phân biệt và đại bi tâm. Lấy con mắt thương yêu mà nhìn mọi loài, mọi người (từ nhãn thị chúng sinh - Kinh Pháp Hoa), đó là khả năng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Trên đường đời, chúng ta đã có duyên gặp được những con người biết nhìn đời bằng con mắt từ bi: Bồ Tát Quán Thế Âm có mặt nơi họ Bồ Tát Quán Thế Âm cũng có mặt nơi ta mỗi khi ta quán niệm về sự thực thứ nhất trong bốn sự thực mầu nhiệm về cuộc đời. Ai nói cầu đức Quán Thế Âm là không linh ứng? Quan Thế Âm hiện tới trong bạn ngay cả trước khi bạn mở miệng nguyện cầu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nếp sống lành mạnh và từ bi Ý thức rằng hạnh phúc chân thật chỉ thật sự có mặt khi nào các yếu tố an ổn, vững chãi, thảnh thơi và từ bi có mặt, con nguyện không tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn, không đặt danh vọng, quyền hành, giàu sang và sự hưởng thụ dục lạc làm mục tiêu của đời mình vì con biết những thứ ấy sẽ đem lại cho con nhiều khổ đau và tuyệt vọng. Con nguyện thực tập nhìn sâu vào cách con nuôi dưỡng thân tâm bằng bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Con nguyện không chơi bài bạc, không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy và bất cứ một sản phẩm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, trò chơi điện tử, phim ảnh, các chương trình truyền thanh, truyền hình, sách báo và cả chuyện trò, vì con biết rằng những thứ ấy có thể gây tàn hại trên thân tâm con cũng như trên thân tâm của cộng đồng. Con nguyện thực tập tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng được lòng từ bi, sự lành mạnh và niềm vui sống cho thân tâm con cũng như cho gia đình, xã hội và cả cho trái đất. Giới thứ năm của dòng tu Tiếp Hiện.
Có ĐƯỢC sẽ có MẤT Có GẶP GỠ sẽ có CHIA LY Có YÊU THƯƠNG sẽ có QUÊN LÃNG ... Cuộc đời còn mênh mông lắm, biển người vẫn rộng vô cùng. Tâm đôi khi cần tĩnh lặng trước dòng đời quá nhiều biến động. Ngày hôm nay sẽ thành ngày hôm qua Và ngày mai cũng sẽ thành ngày hôm qua Phải nắm bắt được 24 giờ mỗi ngày Hãy nhớ, hạnh phúc là do chính mình tạo ra.
Lạy đức Bồ tát Thường Bất Khinh. Chúng con xin học theo hạnh của Bồ Tát, luôn nhìn sâu với con mắt không kỳ thị để thấy được những đức tính tốt đẹp nơi người khác. Mỗi khi gặp ai Ngài cũng luôn xá chào cung kính và khen ngợi rằng: "Tôi rất kính quý Ngài, Ngài là một vị Bụt tương lai." Chúng con xin nguyện nhìn sâu vào tự thân để nhận diện những điều tích cực nơi chúng con, để tự chấp nhận và thương yêu được chính mình. Chúng con nguyện chỉ tưới tẩm những hạt giống tốt nơi chúng con và nơi những người xung quanh, để những tư tưởng, lời nói và hành động của chúng con sẽ có khả năng gây thêm niềm tự tin và chấp nhận nơi chính chúng con, nơi con cháu chúng con và nơi tất cả mọi người. Chúng con xin tập nhìn sâu với con mắt không kỳ thị để thấy niềm vui và sự thành công của người là niềm vui và sự thành công của chính mình. Chúng con nguyện tập hành xử và nói năng với đức khiêm cung và niềm cung kính, nguyện học hạnh ái ngữ để giúp những ai có tự ti mặc cảm thấy được rằng họ cũng là những màu nhiệm của vũ trụ. Chúng con biết chỉ có khi nào chúng con vượt thoát được biên giới ngã chấp thì chúng con mới phá bỏ được mặc cảm hơn người, thua người và bằng người và đạt đến tự do và hạnh phúc chân thật. Nhật Tụng Thiền Môn - Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Đẹp hay không do cách nhìn nhận của từng người mn ạ. Còn em thì hài lòng với những gì mình có. Hạnh phúc do mình tạo ra, không phải chờ người khác tạo cho. Chúc mn một ngày bận rộn ha.
he he mn nói phải lắm, hp là do cách nhìn nhận của mỗi người, nhưng nếu nhận thức sai lệch thì cũng ko ổn tẹo nào ha ha
1 trong những tiêu chí chọn đối phương mà bà nội em dặn em là: Lấy chồng phải lấy người yêu mình, nhưng nhất định phải THƯƠNG mình, yêu thôi thằng nào chả nói đc, nhưng THƯƠNG thì k phải thằng nào cũng làm đc. Và em áp dụng , thấy hiện tại khá thành công ))