Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm (trải Nghiệm Ấu Thơ) Phần 2

Thảo luận trong 'Thư giãn, giải trí' bởi bastaan54, 25/7/2017.

  1. bastaan54

    bastaan54 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    21/11/2014
    Bài viết:
    201
    Đã được thích:
    14
    Điểm thành tích:
    18
    Tôi xin phép tiếp tục câu chuyện về nghề trồng dâu nuôi tằm ( Trải nghiệm ấu thơ ). Bởi vì nếu một bài viết dài quá chắc làm các bạn buồn ngủ mất.
    Em ơi em ở lại nhà,
    Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

    ( Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính 1918 – 1966 )

    Trên đây là câu nhắn nhủ của người chị gái bước đi lấy chồng với người em của mình, vậy đọc câu thơ này, tôi xin đố các bạn rằng thời điểm cô nàng đi lấy chồng là vào mùa nào trong năm?Và vào khoảng tháng nào nào?
    Chắc các bạn sẽ trả lời ngay rằng cô gái đó đi lấy chồng chắc vào mùa cưới chứ gì? Xin bạn đọc tiếp:

    …Tôi ra đứng ở đầu làng
    Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa…

    ( Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính 1918 – 1966 )
    Bây giờ thì bạn có thể đoán ra rồi chứ?
    Dâu là một cây thân gỗ, nhưng mềm mại và mảnh dẻ. Có những cây Dâu lâu đời thì thân cây mới to. Còn phần lớn, Dâu được trồng làm bờ rào quanh vườn. Người ta vít cành Dâu đan vào nhau thành một bức tường Dâu khá dày, đến nỗi Chó và Gà cũng khó chui lọt. Dâu là cây rất khỏe, phù hợp nhiều loại chất đất và nhiều vùng khí hậu. Nên ở đâu cũng trồng được Dâu để nuôi Tằm. Nhưng, Dâu thích nhất là được trồng ở đất bãi bồi ven sông, thích được uống nước, và hưởng gió mát thổi về từ sông. Nếu được trồng ở đây, lá Dâu thật to và dày, xanh mướt, những phiến lá đẫm nhựa trắng như sữa. Bãi Dâu vào mùa Xuân – Hạ thì xanh um tùm. Những câu Dâu mùa này cao chừng 1 – 1.5 m, có khi hơn. Chúng đan vào nhau thành rừng. Lúc nhỏ, tôi đã có lần lạc trong vườn dâu không định được phương hướng. Mùa xuân, có vùng bên Trung Quốc có tục lệ trai gái hẹn hò trong bãi dâu mà nên duyên. Đó là những mối tình của các chàng trai cô gái thôn dã, họ gặp nhau trong bãi dâu, có thể vì nghèo mà không cưới xin được.Những mối tình này, xã hội phong kiến khi xưa không chấp nhận: điển cố: ” Phải tuồng trên bộc, trong dâu” ý muốn nói rằng quan hệ trai gái bất chính. Tôi cứ băn khoăn mãi về bài thơ Lỡ bước sang ngang của nhà thơ Nguyễn Bính: sao ông cứ nhắc mãi về cây Dâu trong bài thơ của mình.Không biết ông có ám chỉ gì về mối tình đầu của cô gái kia không, mà đặt tên bài thơ là Lỡ bước …. sang ngang? Cái lỡ bước ấy là gì? sao lại phải sang ngang? Cái câu :” Em ơi, em ở lại nhà – Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương” dùng đến hai lần trong bài thơ này.
    Cuối năm Âm lịch người ta đặt những đoạn thân cây Dâu vào trong đất, chừng ba – bốn đoạn như thế cách thành hàng cách nhau 5 cm, kéo dài thành luống dâu. Cần phải đặt nghiêng 30 độ, sau đó phủ đất lấp chừa cho đoạn thân dâu ( còn gọi là hom Dâu ) nhô lên khỏi đất 10 – 15 cm. Hom Dâu là thân Dâu ( đoạn thân bánh tẻ ( tức là không được già quá, không được sát ngọn quá ) được chặt thành từng đoạn dài chừng 25 – 30 cm. Cứ đến mùa Thu, mọi cây đều có xu hướng vàng lá, là mùa đốn Dâu. Người ta dùng dao chặt sát gốc cây dâu, chỉ chừa lại một đoạn cách mặt đất chừng 5 – 7 cm mà thôi. Có thể phủ nhẹ một lớp đất mùn mỏng, hoặc rơm rạ càng tốt, để giữ ấm cho Dâu qua mùa giá rét. Đến mùa xuân, từ gốc có rất nhiều chồi mọc lên thành một cụm dâu mới. Khi đó mới bón thúc cho dâu (người ta dùng phân chuồng hoai, có khi dùng phân đạm, hồi tôi còn bé, chỉ có loại phân đạm 1 – lá , mầu xanh xanh, nông dân hồi đó quý như mỳ chính )và vun thêm đất. Ở giữa các luống dâu, khi này có thể trồng xen vào: Đỗ xanh, hoặc Đỗ tương, Đỗ đen. Rễ cây đỗ có vi khuẩn cố định đạm trong không khí, nên làm cho đất có nhiều đạm hơn, là chất là Dâu – cây trồng để lấy lá rất cần. Ở những vườn trồng lại dâu, hoặc trồng mới thì mới dùng đến hom Dâu, trồng như trên đã nói.
    Ở Bắc bộ Việt Nam, khi những đợt gió heo may đầu tiên thổi về, cũng là lúc chuyển mùa, cây Dâu không còn ra nhiều lá như trước nữa. Một số lá gốc ngả vàng. Những lá mới ra thì cũng nhỏ và khô, cứng hơn bình thường. Tằm không ăn lá Dâu khô được. Nên cũng là mùa thôi chăn Tằm. Bây giờ chính là lúc đốn Dâu. Vậy, ta hiểu rằng trong bài thơ Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính, cô gái vu quy vào sát trước vụ đốn dâu. Người con gái ra đi lấy chồng, vẫn còn vương vấn với công việc Tằm – Tang ( Tang là cây Dâu – trong tiếng Hán Việt. Cũng như ” Thỏa chí tang bồng: là nói về chí của người đàn ông một gói một cung ( cây cung thời xưa làm bằng gỗ Dâu ( tang) ) – Dâu – Bể ( chỉ sự thay đổi do biến đổi khí hậu: Chỗ trước kia là ngàn dâu, nay trở thành biển ý nghĩa : Vật đổi – sao dời )). Người em ra đứng trông theo chị ” khuất ngàn dâu thưa” có nghĩa những cơn gió heo may đã về, cây dâu đã thưa lá. Trên ngọn cây, chỉ còn những túm xòe ra xanh xanh chừng chục lá. Người ta để lại , chờ đốn dâu. Vào chừng tháng Tám âm lịch. Cô ấy lấy chồng vào khoảng đó.

    Khi cây dâu đâm chồi người ta cũng cấm ngọn để từ một gốc ra nhiều ngọn hơn. Mỗi ngọn lại ra nhiều cành dâu hơn. Khi hái dâu, người ta vít nhẹ cành dâu xuống rồi dùng tay hái từ trên đầu cành xuống, để lại vài lá đầu cành. Cũng phải khéo léo, bởi vì Dâu rất lắm nhựa. Nhựa Dâu mà vào áo, thì có mà hết đường giặt. Nhựa Dâu bắn vào mắt, chao ôi xót lắm, phải rửa ngay. Lúc nhỏ tôi đi theo người hái dâu, chỉ được hái những cành thấp gần mặt đất, thế mà cũng có lần bị nhựa bắn vào mắt. Hồi ấy, ai cũng mặc những chiếc áo có mầu xanh cây, hoặc màu tối để ” ngụy trang ” chống sự phát hiện của máy bay Hoa kỳ (US), nên chẳng phải lo áo bị dây nhựa Dâu. Một nắm lá Dâu hái được lại xếp vào thúng, có hàng, có lối: cuộng lá quay lên trên, hết hàng trên, đến hàng dưới. Các bà đi hái Dâu thì ăn trầu bỏm bẻm, kể chuyện trên trời dưới đất không qua chuyện con cháu. Còn các chị các cô trẻ hơn thì đùa nhau, tếu táo chuyện gán ghép chị này với anh kia. Có người còn hát nữa. Hồi đó tôi thích mê một chị( nói nhỏ nha: tôi thì mới 8 tuổi, còn chị ấy đã 15 – 16 gì đó rồi), vừa xinh, vừa hát hay. Tôi thấy bài nào chị ấy hát cũng hay. ” Yên tâm vững bước mà đi… ới người mà em yêu” , hay là ” áo đây em may, may yêu may quý, khăn này em thêu , thêu nhớ, thêu thương, gửi anh lên đường, mạnh giỏi đi tòng quân…” . Cái thằng tôi hồi ấy quyết chí sau này lớn phải lấy bằng được chị ấy làm vợ, có ghê không?

    Người ta cũng không hái Dâu khi trời vừa mưa xong. Tôi nghĩ chắc vì khi đó lá dâu ướt nước mưa, khó làm cho khô. Nhưng sau hỏi ra mới vỡ lẽ: nước mưa không tốt cho con Tằm khi ăn vào. Thực ra thì có ai để Tằm ăn lá Dâu ướt bao giờ, và đôi khi cũng phải rửa lá Dâu cơ mà.

    Mùa Hè đến, trời nắng chang chang. Tôi và lũ bạn rất thích chui vào ruộng Dâu. Chẳng phải để tránh nắng, mà vì cái thú đi hái quả Dâu. Những quả Dâu còn xanh vị chua dôn dốt rất thú vị, làm quên cả cái khát cháy cổ của trưa hè. Còn những quả Dâu chín thì lại ngọt đến khé cả cổ. Sau mỗi buổi trưa như thế, đứa nào cũng bọc đầy một vạt áo Dâu chín, mang về nhà. Mẹ tôi thấy mất chừng con, gọi khản cả cổ, nhưng chúng tôi nghe thấy cũng không về, cứ chui lủi trong bãi Dâu chơi với nhau. Về nhà có lần bị mấy roi. Rồi mẹ lôi ra chum nước mưa tắm rửa cho, chao ôi khắp người mồ hôi, cát đất, nhựa cây. Chúng tôi còn đào những cái hầm bí mật ( vài đứa với nhau biết thôi ) lót lá Dâu đặt những quả Dâu vào đó, gọi là “Kho lương thực của chúng mình”. Rồi nửa kín nửa hở khoe với phe bọn kia. Mẹ tôi hay mắng chứ cũng thích quả Dâu chín lắm. Mẹ mua ở chợ có dễ đến 6 – 7 kg Dâu chín về, rửa sạch, cho vào một chiếc lọ thủy tinh, thêm nửa lít rượu trắng, một vài lạng đường. ( Hồi đó, đường hiếm lắm, mỗi cán bộ chỉ được 1-2 lạng đường một tháng thôi, công nhân lái tầu hỏa mới được 8 lạng ). Để mấy hôm, uống cái món coktai này mới thú vị làm sao? Mẹ tôi bảo, quả dâu chín là đại bổ, nhất là bổ thận, nó có thể làm cho đen lại tóc, sáng mắt.

    Trong bãi dâu, còn thiếu gì trò vui của lũ trẻ con chúng tôi? Bây giờ tôi vẫn thích nhất trò săn dế. Những con dế mèn trong ruộng dâu làm chúng tôi thích mê. Chúng đen bóng, to cụ, ban đêm tiếng gáy của chúng mới tuyệt chứ. Chúng tôi thường so đẳng cấp với nhau xem bọn nào săn được con Dế to hơn, có tiếng gáy hay hơn. Dế được nuôi trong các hộp sắt tây có đục lỗ, thường là hộp sữa cũ ( gọi là ống bơ ), đứa sang hơn thì có cái hộp ghi gô bằng nhôm sáng bóng để nuôi dế. Lũ dế cũng chẳng kén chọn thức ăn lắm đâu, vài ngọn cỏ, ít cám khô, nước, là có thể nuôi vài tháng. Rồi cho Dế uống rượu say đem chọi với Dế của trẻ khác.

    Săn Dế có hai phương pháp. Cách thứ nhất là dùng nước đổ xuống lỗ ( hang Dế ) để cho Dế bị ngạt nước mà ngoi đầu lên. Cái anh Dế rất khôn. Khi làm tổ, bao giờ nó cũng làm đến hai ba ngách phụ xuống tổ chính sâu đến 60 cm dưới đất. Nếu ta không để ý, nó sẽ chuồn được theo ngách này mà thoát hiểm. Nên khi đổ nước vào, khi Dế chưa thật ngạt ( Nó cũng gan lắm, chỉ khi thật no đầy bụng nước mới chịu chui ra ) nhìn thấy chỗ nào xung quanh lỗ chính đổ nước có nước chảy ra là ngách phụ.Phải lấy que xiên vào đó để Dế hết đường thoát. Tiếp tục đổ nước cho đến khi trong làn nước đục ở cửa hang bất thần trông thấy đôi râu Dế màu đen xuất hiện, rồi thì cái đầu.Lũ chúng tôi reo lên:” A, nó chui ra rồi”, con Dế hoảng quá tụt vào một lúc, ” Đổ thêm nước, đổ thêm chúng mày ơi”….,”thôi chết, hết nước rồi còn gì” , “thì đái vào, đái vào” …. Không chịu được ngạt nước, thôi thì đằng nào cũng chỉ chết một lần là cùng, con Dế vụt chui ra. Lúc này cần có một túi vải để đón nó, chớ dùng tay. Dế khùng lên, cắn đau lắm. Tôi đã có lần bị nó cắn đau đến cả tuần.

    Cách thứ hai, sang trọng và quyền quý hơn, là có “Chó săn”. “Chó săn” của chúng tôi là con Tò vò Xanh ( Trông nó to bằng con ong vàng, ong bắp cầy). Khắp thân mình nó một mầu lam xanh biếc mới mê ly làm sao. Thợ săn châu Âu mê Đại bàng thế nào, thì chúng tôi cũng mê Tò vò Xanh như thế. Cái Chị Tò vò này sau khi đẻ trứng vào một chỗ ( nó đẻ nhiều trứng vào một cái tổ xây bằng đất bùn và nước bọt của nó làm xi-măng ) là đôn đáo đi săn mồi, trong đó có Dế, Nhện làm thức ăn cho con nó sau này. Nó tiêm cho Dế một phát thuốc mê, Dế ta không chết, cũng không bị ươn thối được đặt sẵn trong tổ đất có trứng Tò vò. Khi nở ra, ấu trùng Tò vò sẽ chén sạch con Dế, hoặc con Nhện mà mẹ nó đã dọn bàn sẵn cho nó. Người xưa không biết, cứ tưởng là Tò vò đi nuôi Nhện, nên mới có câu ca dao:

    Tò vò mà nuôi con Nhện,
    Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi
    Tò vò ngồi khóc tỉ ti
    Nhện ơi, nhện hỡi mày đi đàng nào….

    Vì người ta phá tổ Tò vò bằng đất thấy rất nhiều nhện đang mê man, có con vẫn còn cử động. Tưởng rằng Tò vò tốt bụng mà nuôi Nhện. Tình thực lúc chẳng con Nhện nào còn là lúc Tò vò con đã chén sạch, và bắt đầu bay đi, sau một vài phút lưỡng lự, chứ nó có khóc lóc gì đâu…
    Để bắt được Đại bàng – ” Chó săn” – Tò vò xanh cũng thật cầu kỳ. Phải rình trong ruộng Dâu đường bay của một con Tò vò xanh. Chờ cho nó đậu xuống đất tìm tổ Dế. Nó tìm cũng lâu lắm. Lưỡng lự lâu lắm, phát sốt cả ruột. Nó lại còn là một kẻ rất cảnh giác ( Phái nữ mà). Chúng tôi nằm bò ra đất, chịu phơi nắng, chờ cho nó chui xuống hang Dế là úp ngay cái lọ Mực Cửu long rỗng đã chuẩn bị sẵn vào miệng hang. Một lúc sau, Tò vò cắp theo một con Dế chui lên, vì từ trong tối chui ra nên nó không để ý, chui tọt vào cái lọ thủy tinh. Sau tôi mới biết, Tò Vò chọn lựa lâu là vì nó phải đánh hơi tìm con Dế non, bé bé để con nó dễ ăn sau này, và cũng dễ mang vác về tổ nữa. Chứng tỏ nó tài hơn mình là đứng trên mặt đất mà nó cũng cảm nhận được con Dế trong hang sâu bên dưới. Khó nhất là buộc được sợi chỉ vào ngang lưng con Tò vò. Có khi bị nó đốt cho mấy phát, sưng vù cả tay lên. Khi ta đã có Tò vò, chỉ việc tìm tổ Dế, ép Tò vò xuống là Dế ta chui lên theo ngách phụ đỡ công phải xách nước đổ. Tuy nhiên, cũng có trục trặc là: có lần Tò vò lại lôi theo sợi dây cương luồn lên theo ngách phụ của tổ Dế, và cũng có khi con Dế to hung dữ chống cự quyết liệt cắn cả Tò vò. Nhưng dù sao thì săn Dế bằng Tò vò cũng thích không tả được các bạn ạ.
    Thôi, trời sắp sáng mất rồi. Quên béng cả Hiệp Một trận chung kết “Ơ rô pa lic”. Chào các bạn nhé, ờ, mà quên, mọi người còn đang ngủ say.Lúc nào tỉnh ngủ, hãy đọc blog của mình, mong bạn vui vẻ một lúc với Dâu, Tằm, Dế và Tò vò Xanh của mình nhé…..
    Hết
    Nguồn: Baminh.com
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi bastaan54
    Đang tải...


  2. bastaan54

    bastaan54 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    21/11/2014
    Bài viết:
    201
    Đã được thích:
    14
    Điểm thành tích:
    18
    Ôi tuổi thơ lại ùa về.
    Hôm nay HN mưa khiến cho kỷ niệm lại hiện về nhiều thêm!
     
  3. bastaan54

    bastaan54 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    21/11/2014
    Bài viết:
    201
    Đã được thích:
    14
    Điểm thành tích:
    18
    "Một nong tằm bằng năm nong kén" Câu ca của người nuôi tằm.
     
  4. dauyeuhp.8711

    dauyeuhp.8711 Bất biến vô cực

    Tham gia:
    19/4/2018
    Bài viết:
    4
    Đã được thích:
    3
    Điểm thành tích:
    1
    cám ơn bài viết hay qấu, ầu ơ nhớ kn xưa
     
    bastaan54 thích bài này.
  5. bastaan54

    bastaan54 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    21/11/2014
    Bài viết:
    201
    Đã được thích:
    14
    Điểm thành tích:
    18
    Chúng ta lớn lên nhờ có một tuổi thơ đẹp!
     

Chia sẻ trang này