Những đứa trẻ khát hơi ấm

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi Gaubong, 14/10/2009.

  1. Gaubong

    Gaubong Thành viên tích cực

    Tham gia:
    26/3/2007
    Bài viết:
    883
    Đã được thích:
    210
    Điểm thành tích:
    83
    Vừa thấy khách - một cô gái trẻ - cậu bé Thành 2 tuổi với mắt trái mờ đục vội ôm chầm lấy. Tay em níu chặt cổ cô gái, đầu tựa vào vai như đứa trẻ sợ mẹ sắp đi mất. Cũng như các em bị bỏ rơi khác, Thành luôn thèm được ôm ấp.

    Nằm cách Hà Nội hơn 40 km, trên đường tới các khu du lịch nổi tiếng như Suối Hai, Đầm Long..., Trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật và người già ở Thụy An, Ba Vì, Hà Nội như lọt thỏm giữa vùng rừng núi khá vắng vẻ. Đây là mái ấm của hơn hai trăm trẻ em bị bỏ rơi và những người già không nơi nương tựa.

    Mẹ Nguyễn Thị Thanh Hương - người từng trực tiếp đi đón Thành về nuôi dưỡng, cho biết, cách đây hai năm, trung tâm nhận được cuộc điện thoại từ Bệnh viện Mắt trung ương nhờ tiếp nhận một em bé. Bố mẹ đã bỏ rơi em ngay sau khi khám ở bệnh viện này, biết kết quả một mắt con không thể chữa khỏi.

    Khi đón về, bé Thành chỉ nặng hơn một kg, người xanh yếu. Tuy vậy, em rất ngoan, luôn quấn quít bên các mẹ và anh chị trong tổ. Ban ngày, em cứ tha thủi chơi, tối đến giờ đi ngủ là lại vào cũi nằm ngủ, không dậy quấy đêm bao giờ, trừ khi bị ốm.
    Ảnh: MT.
    Những em này được coi là lành lặn nhất ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật và người già ở Thụy An. Ảnh: MT.

    Chị Hương cho hay, hầu hết trẻ ở trung tâm này đều là các cháu bị bỏ rơi, có khi bị bố mẹ đặt trước cổng Trung tâm, hoặc bị "quên" ở ngoài đường, trong các bệnh viện. Đa số các em bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ và trong ký ức chẳng thể nhớ nổi hình ảnh gì về bố mẹ. Chỉ có trường hợp cô bé Hà, 19 tuổi là ngoại lệ.

    Hà bị biến dạng xương, lưng gù, các khớp đùi bị dính, đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, em rất vui vẻ, tự làm mọi việc cá nhân và giúp đỡ các mẹ chăm sóc những em nhỏ hơn.

    "Nhà cháu cũng ở phố đấy. Cháu bị lạc bố mẹ khi 5 tuổi. Hôm đó, bố mẹ đưa cháu vào vườn hoa chơi rồi bảo 'con ngồi đợi để bố mẹ đi mua kẹo'. Cháu đợi mãi chẳng thấy bố mẹ đâu, nằm ngủ gục trên ghế đá, đến khi tỉnh dậy đã thấy ở đây rồi", Hà hồn nhiên kể. Cô bé còn bảo, em vẫn hơi nhớ mặt mẹ và hy vọng một ngày nào đó bố mẹ sẽ tìm lên trung tâm đón em về nuôi.

    Cùng tuổi với Hà, Giang bị ảnh hưởng chất độc hóa học, dị dạng toàn bộ phần tay, chân và khuôn mặt. Tuy vậy, em chơi đàn rất hay. Cô bé kể, hồi mới được các cô giáo giới thiệu cây đàn, em đã sợ mình không thể chơi nhạc được với đôi bàn tay chỉ còn vài ngón, teo tóp. Nhưng sau đó, được cô giáo dạy vài bài, em lập tức thấy say mê rồi tự mượn sách, mày mò tập đánh. Đến giờ, cô bé đã đàn được rất nhiều bài và luôn được ưu tiên biểu diễn mỗi lần có đoàn khách tới chơi. Em mơ ước được tiếp tục học đàn để chơi hay hơn nữa.

    Chị Thanh Hương cho biết, 29 cháu trong tổ chị phụ trách đều bị khuyết tật, không về hình thức thì về trí tuệ hoặc cả hai, nhưng vẫn tỉnh táo, có khả năng nhận thức. Còn ở 5 tổ khác, chủ yếu là trẻ bị bại não, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, xương thủy tinh...

    Tổ 1, 2 là nơi chăm sóc những em bị khiếm khuyết nặng nề nhất. Ở đây, mỗi tổ có khoảng 17 trẻ. Các em được quấn khố - là những mảnh quần áo cũ được cho, và nằm chung 3-4 người trong một chiếc cũi sắt rộng.

    Một mẹ phụ trách tổ này cho biết, các em không có khả năng nhận thức, không thể làm được việc gì nên các cô phải phục vụ tất cả. Ngoài ra, có em còn động kinh, những khi lên cơn thường la hét, đánh bạn, thậm chí trèo tường, trốn ra ngoài khiến các cô rất vất vả.
    Hai bé 4-5 tháng tuổi nằm chung một nôi - vừa ngủ ngon sau một hồi la khóc. Ảnh: MT.

    Nơi đặc biệt nhất trong Trung tâm chăm sóc người già và trẻ em tàn tật là Tổ sơ sinh. Tổ gồm hơn 30 em bé, cháu lớn nhất tầm 11 tháng tuổi, cháu nhỏ nhất mới hai tuần tuổi. Khi vào đây, các bé được trung tâm đặt tên. Mỗi cái tên gắn liền với một hoàn cảnh bị bỏ rơi éo le. Có cháu được quấn bằng một chiếc áo cũ của người lớn, đặt nằm trong chiếc thùng mì tôm, để trước cổng Trung tâm lúc nửa đêm. Bé khác lại được đưa từ Bệnh viện Sanh Pôn hay Phụ sản về...

    Cứ 4-5 bé lớn nằm trên một giường, có khi cùng tranh nhau bình sữa, rồi bé biết bò lồm cồm đạp lên cả bé bên cạnh. Các bé nhỏ hơn thì được đặt trong nôi. Đây được gọi là khu "ồn ào" vì không lúc nào im tiếng khóc của trẻ.

    "Nhiều khi, thấy bé khóc, nghĩ là con đói, vội vàng ấn bình sữa vào nhưng bé nhất định không ti, cứ giơ tay đòi bế, và chỉ cần ấp bé vào ngực là cháu nín ngay. Lũ trẻ tuy nhỏ nhưng hình như đã biết sự thiệt thòi của mình rồi và luôn khát khao được vỗ về", Vân (sinh năm 1988) một trong số ít "mẹ" chưa lập gia đình ở khu chăm trẻ sơ sinh cho biết.

    Vân kể, hồi mới nhận việc, cô lúng túng vô cùng khi cứ chạy ra bế được cháu này thì cháu kia khóc, pha được bình sữa cho một cháu thì cháu kia đòi. Cứ thế, cô luýnh quýnh không biết phải dỗ bé nào trước. "Giờ thì quen rồi, lúc ấy càng cần bình tĩnh xem bé nào khóc vì đói để pha sữa, bé nào kêu vì tè, ị để thay. Các bé khóc vì muốn được ẵm lên đành phải nhường ưu tiên cho các bé khác đã".

    Vân cho biết thêm, 30 cháu này có 15 cô thay phiên nhau trông nhưng nếu cháu nào bị bệnh phải vào viện thì một cô phải đi theo chăm sóc. Có thời điểm, gần chục cháu cùng bị ốm, đa số là bị viêm phế quản hay tiêu chảy và phải đi viện một lúc, các cô phải cắt cử nhau chăm nom.

    Ông Phùng Công Lợi, Phó giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật cho biết, Trung tâm được thành lập đã hơn 40 năm. Ngoài chăm sóc 145 người già, còn nuôi dưỡng gần 140 trẻ em, trong đó có 30 cháu sơ sinh. Các em đều bị bố mẹ, người thân bỏ rơi. Hầu hết các em được trung tâm đặt tên cho và chỉ áng chừng số tuổi chứ không biết rõ ngày tháng năm sinh.

    Riêng số trẻ sơ sinh mới được trung tâm nhân nhận nuôi từ năm 2008 và 20 cháu đã được nhận làm con nuôi.

    Ông Lợi cho biết, Trung tâm cũng cố gắng để các cháu có khả năng được đi học, hòa nhập cộng đồng nhưng trong số 12 cháu đến trường thì cũng chỉ một cháu có học lực tốt. Trẻ cũng được hướng nghiệp với những nghề như may, thêu... nhưng số này rất ít. Còn một số khá đông các em không còn khả năng nhận thức, thường được nuôi dưỡng đến 18 tuổi sẽ chuyển sang khu người già và có khi sống ở đó suốt đời.

    "Chúng tôi vẫn luôn mong chờ và khuyến khích gia đình các em lên nhận, đón con, cháu về chăm sóc, yêu thương nhưng chưa có trường hợp như thế bao giờ. Có cháu được nuôi dưỡng một thời gian thì có người tới nhận là họ hàng, nhưng rồi cũng đi luôn, chẳng bao giờ quay lại", ông Lợi bộc bạch.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Gaubong
    Đang tải...


  2. Lê Thu Hiền

    Lê Thu Hiền Thành viên tập sự

    Tham gia:
    7/7/2009
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    3
    Thương thật. Con mình mình ôm ấp, cưng nựng bao nhiêu cũng vẫn chưa đủ. Thế mà các cháu này không được như vậy. cuộc đời nhiều khi cũng thật bất công. Những sinh linh nhỏ bé nầy được quyền hưởng những điều này từ cha mẹ chúng. Tại sao khi biết các cháu có tật như vậy thì lại phải thương các cháu nhiều hơn nữa chứ.
     
  3. anhtuangiang

    anhtuangiang Thành viên chính thức

    Tham gia:
    11/9/2009
    Bài viết:
    229
    Đã được thích:
    70
    Điểm thành tích:
    28
    Hè vừa rồi, mình cho con mình tham gia đoàn từ thiện ở khu này, trông các bé tội nghiệp lắm, rất thương, nhìn rớt nước mắt. Mình luôn ủng hộ công tác từ thiệt đặc biệt cho các trẻ em và người già không nơi nương tựa
     
  4. xuanthu2009

    xuanthu2009 Thành viên mới

    Tham gia:
    18/9/2009
    Bài viết:
    43
    Đã được thích:
    6
    Điểm thành tích:
    8
    Thương quá, đáng trách bố mẹ nào thấy con bị tàn tật lại bỏ rơi. Con mình dứt ruột đẻ ra mà lại đối xử như thế.
     
  5. chuotcontime

    chuotcontime

    Tham gia:
    1/5/2009
    Bài viết:
    10,106
    Đã được thích:
    2,582
    Điểm thành tích:
    863
    Đáng thương hơn là có những bố mẹ, con mình không bị làm sao nhưng vì 1 lý do nào đó bỏ lại con ở Trung tâm Thụy an, ở đó có 31 em bé sơ sinh trong trường hợp như thế bạn ạ, nhìn bọn trẻ thương lắm bạn ạ...
     

Chia sẻ trang này