TIME và Người Việt đội mũ bảo hiểm

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi Ngoc Lan, 24/4/2008.

  1. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    [​IMG]
    Người Việt Nam ưa chuộng xe máy nhưng từ xưa đến nay vẫn coi mũ bảo hiểm là một vật dụng khó chịu và không đẹp mắt. Trong nhịp sống hối hả của thủ đô Hà Nội, thời trang nay đã chịu nhường bước cho sự an toàn. - Kay Johnson (TIME)

    Một trong những thay đổi lớn nhất và gây ảnh hưởng sâu rộng nhất trong xã hội Việt Nam thời gian qua đó là qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Tạp Chí Phía Trước xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phóng sự tổng hợp của tạp chí “Time” (Mỹ) trước và sau ngày qui định này có hiệu lực tại Việt Nam.


    Hàng ngàn chiếc xe máy lao vun vút và cua gấp tại những góc phố khiến cho những người khách lạ từ xa đến cảm thấy kinh sợ những con phố của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, giới trẻ Việt Nam lại coi việc phóng xe máy nhanh trên đường phố là một thú vui bất tận. 8h tối, cô Trịnh Thanh Vân – 19 tuổi ra khỏi nhà trên chiếc xe Honda Wave màu đỏ, đèo hai người bạn gái ở đằng sau. Ba cô gái phóng xe len lỏi giữa những dòng xe cộ tấp nập, vừa đi vừa ngóng tìm những người bạn khác. Đó là một buổi tối “lượn lờ” thường ngày của họ, và cũng là một sở thích hàng đêm của giới trẻ Việt Nam. Họ vừa dạo chơi vừa trò chuyện, và trưng diện những bộ đồ hợp mốt.

    Thế nhưng, một vật dụng đi kèm với chiếc xe máy là mũ bảo hiểm thì Vân và những người bạn sành điệu của cô lại bỏ quên. Nhưng họ không phải là ngoại lệ. Vào thời điểm cuối năm ngoái, xe máy chiếm 90% lượng phương tiện lưu thông trên đường phố Việt Nam nhưng chưa đến 10% người điều khiển đội mũ bảo hiểm. Trong một cuộc trò chuyện bên lề đường, Hà - một người bạn của Vân, nói: “Chúng tôi coi mũ bảo hiểm là thứ không hợp thời trang. Khi những cô gái đội mũ bảo hiểm, sẽ không còn ai nhìn thấy những kiểu tóc đẹp và những nét trang điểm hấp dẫn nữa.”

    Đó là câu chuyện cuối năm 2007. Còn giờ đây, những người đi xe máy ở Việt Nam đã không còn lựa chọn nào khác khi vào ngày 15/12, một đạo luật mới bắt đầu có hiệu lực, qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Đạo luật này đánh dấu một đổi lớn trong xã hội Việt Nam, cũng là một nỗ lực của những người lãnh đạo ở đất nước Cộng Sản này nhằm giảm thiểu lượng tử vong do tai nạn giao thông. Theo thống kê, đã có khoảng 14.000 người Việt Nam chết vì tai nạn giao thông trong năm 2006, 80% trong số đó do những chấn thương ở phần đầu.

    [​IMG]
    Cả nhà đội mũ bảo hiểm (Vnexpress) Chiếc xe máy là biểu tượng của quá trình chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam suốt 20 năm qua. Cải cách kinh tế tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân. Đã thành thông lệ, món đồ đầu tiên mà một gia đình mới phất lên chọn mua luôn là một chiếc xe máy cáu cạnh. 15 năm trước, chỉ có 500.000 chiếc xe ở Việt Nam; hiện nay, con số này đã tăng lên thành 22 triệu. Sự phổ biến của xe máy ở Việt Nam đi kèm với một cái giá phải trả. Bên cạnh lượng tử vong, mỗi năm có 23.000 người chịu những tổn thương về não do tai nạn. Theo Quỹ Phòng Chống Thương Tật Châu Á (AIPF), những ca chấn thương này hoàn toàn có thể tránh được nếu người gặp tai nạn đội mũ bảo hiểm vào thời điểm đó.


    Bất chấp nguy hiểm, hầu hết người Việt Nam trong những năm qua vẫn tránh né không dùng mũ bảo hiểm. Người đi xe máy luôn than phiền rằng đội mũ bảo hiểm, ở Việt Nam còn có tên khác là “nồi cơm điện”, rất nóng và không thoải mái, thậm chí còn cản trở tầm quan sát khi thực hiện cua gấp. Nhiều người dân đã từng hoài nghi rằng chính phủ khó có thể đưa luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm này vào thực thi. Sáu năm về trước, chính quyền đã từng thông qua một sắc lệnh tương tự nhưng sau đó phải hủy bỏ trước sự chống đối của người dân. Trên thực tế, với một thể chế độc đoán như ở Việt Nam, chính quyền còn rất nhiều việc phải làm để củng cố luật lệ giao thông. Ví dụ như những người đi xe máy ở đây thường vượt đèn đỏ và ít quan sát xung quanh khi tham gia giao thông.

    Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn quyết tâm thực thi luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Hàng ngàn cảnh sát giao thông đã được tăng cường và triển khai khắp cả nước, sẵn sàng xử phạt những người vi phạm ở mức 200.000 VND (khoảng 13$). Mức phạt này bằng ¼ thu nhập bình quân hàng tháng của người Việt Nam, và tương đương với giá tiền mua một chiếc mũ bảo hiểm. Chính quyền cũng phát động một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn trên TV chiếu những hình ảnh thảm khốc của các nạn nhân chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.

    AIPF chọn một hướng đi khác. Họ quảng cáo mũ bảo hiểm như một trang phục hợp thời trang. Các công ty, chi nhánh của AIP gới thiệu sản phẩm “mũ bảo hiểm vùng nhiệt đới”, thiết kế chiếc mũ với quạt gió, kèm theo những mẫu hoa văn và kẻ sọc trang trí. Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy cũng tham gia chiến dịch tuyên truyền này. Cô xuất hiện trên các poster quảng cáo, đội chiếc mũ bảo hiểm có kính chắn gió. Những biển báo yêu cầu đội mũ bảo hiểm cũng đồng loạt xuất hiện hầu như mọi góc phố.

    [​IMG]
    Công an xử phạt người vi phạm luật giao thông (Ảnh VNExpress)
    Vậy nhưng, thái độ của người dân có vẻ chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Vân đã từng bị tai nạn hai lần và may mắn không bị thương nặng. Cô hiểu rằng mũ bảo hiểm là cần thiết, nhưng vẫn miễn cưỡng: “Bây giờ tất mọi người đều đội mũ bảo hiểm, nên tôi cũng vậy”. Vân chỉ đơn giản là chấp nhận thực tế mà thôi. Vì vậy, trên đường phố Việt Nam hiện nay, lực lượng chuyên xử phạt người vi phạm không đội mũ bảo hiểm còn đông hơn cả cảnh sát làm nhiệm vụ điều khiển giao thông.



    Chính Tâm (biên dịch)
    www.phiatruoc.net
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngoc Lan
    Đang tải...


  2. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Đây là một đề tài đã cũ, nhưng vẫn mang tính thời sự vì đến nay, chỉ riêng tại Sài Gòn, người đi xe gắn máy có đội mũ bảo hiểm đã chiếm một tỷ lệ rất cao ( thực tế chứ không phải là báo cáo...láo) Tuy nhiên, có phải người dân đã ý thức được sự nguy hiểm của tai nạn chấn thương sọ não nếu không đội mũ BH như các phương tiện tuyên truyền mong muốn không? Câu trả lời là không - Họ đội, trước hết là không muốn bị phạt lãng nhách 200 ngàn, nhưng không chỉ vậy, dính vào CSGT là rất phiền, vì thường phải mất công năn nỉ và có thể "lòi" ra các "tội" khác : Không có bằng lái xe, không có giấy tờ xe và quý cô thì thường quên cả giấy tờ tuỳ thân nữa. Và lúc đó thì không phải là 200 mà là tuỳ theo sự biết điều của người bị thổi còi, có thể còn ít hơn nhưng đa phần là nhiều hơn và điều quan trọng là ...không có biên lai.
    Sau khi đã ồ ạt đi mua, thì phải đội vì ...lỡ mua rồi ! Điều minh chứng cho việc đội mũ BH không phải để BH cái đầu, là những biến tướng của mũ, trước tiên là các vành nón bằng vải bao quanh chiếc mũ nhựa để che nắng và ...làm duyên ! Dần dần các loại mũ BH đã vượt ra ngoài hình dáng chuẩn để thành chiếc nón nhựa có vành, chiếc nón của lính... và sau đó là những cái bao nón bằng vải, thậm chí là cả một cái nón lưỡi trai chụp bên ngoài... thì nón BH không còn là nón BH nữa, và có thể gọi đó là nón nhựa bọc vải có dây đeo !
    Rõ ràng, tác dụng của nón BH là bảo vệ cái đầu, và muốn làm đúng chức năng bảo vệ thì nón phải đạt những tiêu chuẩn nhất định, độ tròn, độ cứng, các tấm mút lót như thế nào, dây đeo như thế nào... Nhưng tiêu chuẩn mà người dân chọn một là rẻ tiền ( đã rẻ thì không thể nào tốt và đúng chuẩn được) hai là điệu đàng, model ( và vì chạy theo model nên cũng không thể bảo đảm chuẩn về BH được ) - Như thế, đội nón BH để đối phó là chính, và cũng vì thế mà lực lượng tham gia xử phạt chuyện không đội mũ BH đông hơn cả CS làm nhiệm vụ giao thông là chuyện đương nhiên.
    Điều đáng nói ở đây, mục tiêu của việc buộc đội nón BH là giảm chấn thương sọ não, nhưng đó chỉ là một phần của các tai nạn giao thông, mà nguyên nhân của nó thường là phóng nhanh, vượt ẩu, chạy vượt đèn đỏ, chạy không đúng tuyến... đây mới là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn, vì vậy dù việc buộc người dân đội mũ BH là đúng, nhưng chưa đủ để làm giảm tai nạn giao thông, nhưng lực lượng xử phạt hầu như chỉ tập trung sức lực vào chuyện này và đó là một điều sai lầm đáng tiếc, nó không làm giảm tai nạn mà còn làm cho người dân thêm phiền hà và thêm sự bất mãn ngấm ngầm, và họ đã thể hiện điều đó bằng việc đội những chiếc mũ BH "biến tấu" và điều đó sẽ làm cho việc đội nón BH để giảm chấn thương sọ não cũng mất luôn ý nghĩa và giá trị của nó.
    Nhưng, hầu như CSGT không chú trọng đến điều đó, anh đội cái gì cũng được, miễn là na ná như cái mũ BH là ổn, còn chuyện anh đội rồi có bị những thằng chạy ẩu, đánh võng, vượt đèn đỏ va phải hay không, việc xe tải húc anh rồi anh vẫn bị chấn thương sọ não như thường là chuyện của anh, tôi không quan tâm, tôi chỉ quan tâm có mỗi một việc là hễ anh không đội, là tôi sẽ cho anh biết thế nào là lễ độ thôi, tôi sẵn sàng xử "anh" bằng dùi cui, bằng việc rượt theo ép anh văng vào lề, nghĩa là bằng những hành vi của chính những tên côn đồ mà tôi có nhiệm vụ săn đuổi để bảo vệ anh, nhưng hành động của tôi đã có những ô dù che chở, còn các tên côn đồ thì không, đó là điều khác biệt và anh phải nhớ để đừng quên khi đi xe gắn máy là đội một cái mũ nhựa gì đó, có quai đeo là đủ . Thế thôi !
     

Chia sẻ trang này