Trẻ mẫu giáo hát nhạc... yêu đương

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi MrJulie, 7/6/2010.

  1. MrJulie

    MrJulie Mr Julie

    Tham gia:
    11/4/2010
    Bài viết:
    528
    Đã được thích:
    128
    Điểm thành tích:
    83
    Trên sân khấu của một nhà hàng ở quận 12, TP HCM, cô ca sĩ nhí 4 tuổi cao giọng hát "có anh trong vòng tay cuộc đời bừng sáng lên. Môi hôn anh trao khi khúc nhạc đang rộn rã” làm nhiều khán giả ngạc nhiên, một số khác tỏ ra khó chịu.

    Có mặt tại khán phòng hôm đó, chị Dung, bà mẹ 2 con, bức xúc: “Không biết ban tổ chức nghĩ sao lại để cho một học sinh mẫu giáo hát lên những ngôn từ mà người lớn hát còn thấy ngượng. Trẻ con thì biết gì mà yêu với đương, nghe thật phản cảm”.

    Người mẹ trẻ này cho biết, chị luôn cố gắng tìm những đĩa nhạc thiếu nhi để tập cho con hát hơn là cho bé nghe nhạc người lớn bởi "lứa tuổi nào thì thích hợp với loại nhạc đó. Trẻ nhỏ thì nên hát những bài dễ hiểu, diễn tả về tình cảm gia đình hay thiên thiên cây cỏ mà thôi. Âm nhạc còn có tính giáo dục tình cảm tốt đẹp chứ không chỉ đơn thuần là hát cho vui miệng".
    [​IMG]
    Ca sĩ nhí 4 tuổi hát và nhảy "bốc lửa" trên sân khấu của một nhà hàng. Ảnh: Ngoan Ngoan.

    Trong tiệc cưới ở một nhà hàng khác tại quận Bình Thạnh, một học sinh lớp lá mặc bộ trang phục lấp lánh ánh kim biểu diễn ca khúc "teen vọng cổ": "Xa anh mới ban chiều. Thế mà lòng sao buồn hiu. Là nhớ anh nhiều, mong được ở bên người yêu... nói chung là yêu đó". Cô bé nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Nhiều người còn mang hoa và tiền lên để "bo" cho bé.

    Ngồi ở hàng ghế khán giả, chị Lan Hương, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn nói với VnExpress.net: "Việc trẻ hát nhạc người lớn là bình thường, thậm chí nhiều nơi còn thuê các em nhỏ hát chuyên nghiệp. Trẻ con cũng có 'gu' nhạc riêng của mình. Người lớn không nên quá giáo điều mà áp đặt trẻ nghe những gì chúng không thích".

    "Tuy nhiên theo tôi, trẻ em thì nên chú trọng học hành, không nên 'chạy xô' quá sớm để đến khi quay lại học thì đã quá tuổi", Lan Hương nói thêm.

    Anh Lượng, quận Bình Thạnh, TP HCM, khách mời của tiệc cưới thì băn khoăn: “Trẻ con như tờ giấy trắng nên chúng dễ thuộc lòng và bắt chước những gì thấy hoặc nghe được. Con tôi ở nhà cũng vậy, các anh chị nó thường mở nhạc sàn nghe làm cho các cháu không cần học cũng thuộc làu làu những ca khúc tình cảm sướt mướt. Cứ mỗi lần tôi bảo hát thì cháu nói chỉ thích hát nhạc trẻ chứ không thích nhạc thiếu nhi làm vợ chồng tôi thấy khó chịu”.

    Anh Lượng, 49 tuổi cho biết, vợ chồng anh mua đĩa nhạc thiếu nhi về cho con nghe thì bé không mấy quan tâm mà chỉ thích mở các kênh truyền hình hoặc đĩa nhạc trẻ xập xình. “Tôi thực sự lo lắng vì trong những bài hát đó có nhiều cảnh ‘nóng’ sẽ khiến trẻ tò mò không tốt”, anh Lượng nói.

    Trong khi đó bé Huy, con của anh Lượng thì tròn mắt theo dõi và nhún nhảy theo nhịp điệu bài hát "Teen vọng cổ". Cậu học sinh này láu lỉnh nói : "Con chỉ thích nhạc sàn sôi động thôi, vừa dễ hát vừa có ca sĩ nhảy đẹp. Nhạc thiếu nhi nghe hoài chán lắm".

    Hiện tượng trẻ em thích hát nhạc người lớn cũng được bàn luận nhiều trên các diễn đàn mạng.

    “Mỗi buổi sáng, tôi đều nghe thằng cháu miệng chưa hết mùi sữa hát rõ to ‘biết bao giờ mới được có em, biết bao giờ thấy được cầu vồng...’, lại còn khua chân múa tay biểu diễn như ca sĩ. Tôi hỏi cháu có hiểu những ca từ mà cháu đang hát không, nó bảo không. Mấy đứa lớn cho biết, nó thuộc là nhờ nghe mục quảng cáo trên ti vi”, một người có nick name thunguyen tâm sự tại một diễn đàn giáo dục.

    Các thành viên trang mạng này còn truyền nhau câu chuyện về một bé trai 14 tuổi bị viêm họng do cha mẹ muốn con trai lớn lên trở thành ca sĩ nổi tiếng. Họ đã mua hàng tá đĩa DVD - Karaoke bài hát người lớn về và yêu cầu con trai mỗi ngày dành một tiếng đồng hồ để “luyện giọng”. Khi điều trị tại bệnh viện, bác sĩ cho biết dây thanh của cậu bé biến dạng, có rất ít cơ hội phục hồi. Cậu bé có thể sẽ mang giọng nói khàn suốt đời.

    Người có nick name Mebegao tỏ ra lo lắng: "Những đứa trẻ nói còn chưa sõi, mặt búng ra sữa mà cứ gào lên ‘anh yêu em, không thể sống thiếu em’, ‘xin cho anh được chết vì em’, ‘dốc hết tình này ta trả nợ đời’... nghe sượng tai quá”.

    Phụ huynh này trăn trở: "Thực sự, những ca khúc dành cho thiếu nhi hiện nay không đủ sức hấp dẫn, lại khó thuộc nên trẻ chạy theo nhạc người lớn vì thể loại này có nhịp điệu sôi động mà lời lại dễ thuộc hơn".

    Trao đổi với VnExpress.net, Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, Ủy viên ban chấp hành Hội Âm nhạc TP HCM, Phó giám đốc Nhà văn hóa thanh niên cho rằng: “Nhiều cha mẹ tưởng con mình là thần đồng vì còn nhỏ mà hát được nhạc người lớn. Họ đầu tư cho con 'chạy sô' hết phòng trà này đến đám cưới khác với hy vọng sau này con của họ lên sẽ trở thành sao này sao nọ. Tuy nhiên điều này giống như việc trồng cây mà ép nó ra trái sớm. Rồi cây sẽ chỉ cho trái được một thời gian ngắn và rất mau tàn”.

    Về lĩnh vực sáng tác ông Khương khẳng định, mỗi bài hát thường được sáng tác dành cho một đối tượng cụ thể và theo đó sẽ có những nguyên tắc sáng tác riêng. "Đặc biệt, những ca khúc viết cho thiếu nhi thường được giới hạn trong một khoảng cao độ nhất định vì trẻ không thể hát cao quá hoặc thấp quá. Còn đối với nhạc dành cho người lớn thì khác, cao độ được sử dụng tự do để thể hiện những cung bậc rung cảm khác nhau trong việc cảm thụ âm nhạc”.

    "Để hát được nhạc dành cho người lớn, đòi hỏi người hát phải có đủ sức khỏe và chất giọng trưởng thành. Việc cho trẻ em hát thể loại nhạc này nhiều sẽ làm hỏng giọng hát của các em. Mặc dù khả năng ca nhạc là bẩm sinh nhưng một ca sĩ có chất giọng đủ 'độ chín' và được đào tạo bài bản sẽ đảm bảo tuổi thọ của giọng hát", ông Khương nói.

    Ông cũng cho biết, việc một đứa trẻ hát toàn những ca khúc người lớn với những ngôn từ như ‘anh yêu em’, ‘anh không thể sống thiếu em’ hay ‘em trao anh nụ hôn ngây ngất’… thường gây phản cảm cho người nghe.

    Theo ông, nhiệm vụ quan trọng nhất của trẻ em là học hành để phát triển toàn diện tài năng và trí tuệ. “Cho trẻ đi hát chuyên nghiệp khi còn quá sớm sẽ khiến các em lơ là chuyện học hành. Hơn nữa việc luôn được công nhận và đánh giá cao sẽ khiến trẻ ngủ quên trong chiến thắng và tỏ ra tự cao tự đại quá mức. Điều này rõ ràng ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ”.

    Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, hiện nay các ca khúc sáng tác cho thiếu nhi nhiều nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. “Vì yếu tố kinh tế nên các nhà xuất bản và phương tiện truyền thông, báo đài thường dành phần lớn thời gian phát hành các ca khúc dành cho người lớn hơn là thiếu nhi. Và cứ như thế trẻ sẽ trở nên lạ lẫm với thể loại nhạc này".

    Ông Khương cho rằng trách nhiệm định hướng và phổ biến nhạc thiếu nhi thuộc về người lớn, trong đó có phụ huynh và các cơ quan nhà nước cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng.

    Lo lắng về vấn đề khác, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Ánh Hồng ,Trưởng khoa giáo dục trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: “Cho trẻ hát nhạc người lớn nhiều là một trong những nguyên nhân khiến trẻ phát triển tâm lý và biết rung động sớm".

    "Ban đầu trẻ hát nhạc người lớn là do bắt chước nhưng đến khi trẻ thuộc lòng và hiểu được lời lẽ yêu đương ân ái trong bài hát sẽ khiến suy nghĩ của trẻ trở nên nhạy cảm hơn, đấy là chưa nói đến những ca khúc có nội dung không đẹp. Điều này dẫn đến hiện tượng trẻ em bị già trước tuổi chứ không phải sự trưởng thành”, bà Hồng nói.

    Theo bà, "cái sai" của phụ huynh là coi trẻ em như một người lớn thu nhỏ nên thấy các em làm được những gì của người lớn thì cho rằng con mình giỏi. Trong khi đó quá trình phát triển của trẻ từ nhỏ đến lớn có những đặc điểm rất riêng.

    "Tình cảm của trẻ phải được hình thành và định hướng một cách trong sáng, vô tư. Trẻ cần được giáo dục từ tình yêu thương cha mẹ, người thân, bạn bè rồi đến yêu thế giới, thiên nhiên xung quanh. Vì thế phụ huynh nên cho trẻ hát những bài mang tính giáo dục đơn sơ dễ hiểu như ‘ba thương con thì con giống mẹ’ hay ‘một con vịt xòe ra hai cái cánh' sẽ giúp hình thành nơi trẻ những tình cảm và rung động tích cực, vô tư", bà Hồng nói.

    Theo Ngoan Ngoan VnExpress​
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi MrJulie
    Đang tải...


  2. quocbao03

    quocbao03 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    29/4/2010
    Bài viết:
    176
    Đã được thích:
    30
    Điểm thành tích:
    28
    Con nít mà hát nhạc người lớn thì rất ảnh hưởng đến
    tâm hồn ,tuổi thơ của trẻ ,nhưng phụ huynh không lường trước hoặc bất chấp..vì nghĩ con mình có tài,có khiếu âm nhạc ..mới đây trên youtube
    1 bé gái xinh đẹp,lai nước ngoài,trọ trẹ giọng bắc hát bài cô gái trung hoa có nhiều ý kiến khác nhau,nhưng hình chung vẫn thấy không nên tí nào.
     
  3. sunrose81

    sunrose81 sunrose81

    Tham gia:
    15/10/2009
    Bài viết:
    1,233
    Đã được thích:
    189
    Điểm thành tích:
    103
    đúng là chẳng hay ho gì mà cho trẻ con phát ra những ngôn từ như vậy, cần ngăn chặn sớm
     
  4. MrJulie

    MrJulie Mr Julie

    Tham gia:
    11/4/2010
    Bài viết:
    528
    Đã được thích:
    128
    Điểm thành tích:
    83
    Ngăn không đc đâu chị sunrose àh, chỉ có phòng ngừa sớm và giáo dục từ nhỏ mà thôi [​IMG]
     
  5. Pham Phuong Linh

    Pham Phuong Linh Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    9/12/2009
    Bài viết:
    8,771
    Đã được thích:
    1,899
    Điểm thành tích:
    863
    Cái này là do lỗi của người lớn các mẹ nhỉ. Trẻ con như trang giấy trắng ý mà.
     

Chia sẻ trang này